Bên cạnh giám sát dịch bệnh, công tác quan trắc môi trường trong nuôi tôm nước lợ được Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng chú trọng, từ đó giúp người nuôi tôm đạt hiệu quả.
Áp dụng công tác quan trắc môi trường trong nuôi tôm nước lợ
Nghề nuôi tôm hiện nay tại tỉnh Sóc Trăng đang gặp phải nhiều thách thức khó khăn, nổi bật nhất là vấn đề môi trường, thời tiết nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, từ đó, làm giảm lợi nhuận sản xuất, rủi ro trong quá trình nuôi ngày càng cao. Vì vậy, việc triển khai công tác quan trắc môi trường được xem là giải pháp quan trọng để cơ quan chuyên môn kịp thời khuyến cáo người nuôi chọn lựa thời điểm tốt nhất để thả giống. Đồng thời, có giải pháp phòng ngừa ngay từ đầu để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.
Phát biểu: Ông ĐỒ VĂN THỪA - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng: (Hiện tại Chi cục Thủy sản cũng đã phối hợp với các địa phương xây dựng 28 điểm ở 5 huyện thuộc vùng nuôi tôm để thực hiện công tác quan trắc môi trường. Cụ thể ở vụ tôm năm 2024 chúng tôi bắt đầu thực hiện từ tháng 1 với tần suất là 2 tuần 1 lần. Tuy nhiên trước tình hình nắng nóng kéo dàichúng tôi sẽ thực hiện lấy mẫu để đo các yếu tố môi trường 1 tuần 1 lần)
Tại HTX Nông ngư Phú Lợi, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên. Từ đầu vụ đến nay, độ mặn tại vùng nuôi dao động không ổn định nên nhiều thành viên còn chưa mạnh dạn thả nuôi, phần lớn bà con đang tập trung làm tốt các khâu cải tạo ao và xử lý nước. Từ thực tế này, việc triển khai thực hiện quan trắc môi trường rất được HTX ủng hộ. Bởi thông qua công tác đo đạc, phân tích; định kỳ, các kết quả quan trắc môi trường và dịch bệnh sẽ được cơ quan chuyên môn thông tin kịp thời cho HTX thông qua các tổ, nhóm trên hệ thống zalo. Từ đó, giúp HTX xây dựng phương án thả nuôi phù hợp để đạt hiệu quả sản xuất tối ưu nhất.
Ông LÊ HỒNG PHÚC - Giám đốc HTX Nông ngư Phú Lợi, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng: (Quan trắc môi trường là vấn đề quan trọng hàng đầu trong nuôi tôm. Nếu quan trắc môi trường tốt thì khi thả nuôi sẽ ít rủi ro hơn. Tại vì khi nước bị ô nhiễm hoặc chỉ số có biến đổi bất thường bà con đâu biết được nên nhờ các thông tin được ngành chức năng kiểm tra, đo đạc bà con mới mạnh dạn thả nuôi...)
Tính đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ năm 2024 của tỉnh Sóc Trăng đạt khoảng 15.000 ha. Hiện tại yếu tố độ mặn ngoài tự nhiên dao động cao tùy theo con nước nên ngành chuyên môn đề nghị người nuôi cần thường xuyên đo đạc môi trường, chuẩn bị ao lắng, ao chứa để sẵn sàng lấy nước vào ao nuôi khi có độ mặn thích hợp từ 5‰ trở lên. Để đảm bảo một vụ sản xuất thành công, ngành khuyến cáo bà người nuôi cần thực hiện tốt phương châm “nuôi nước trước khi nuôi tôm” để đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh.