| Hotline: 0983.970.780

Vụ tôm nước lợ 2024, ưu tiên thả giống rải vụ, cuốn chiếu liên hoàn

Thứ Bảy 27/04/2024 , 09:51 (GMT+7)

Sóc Trăng Bà con nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng đúc rút nhiều kinh nghiệm, chủ động thả giống theo hình thức thăm dò, tiên phong áp dụng cách nuôi mới để cải thiện sản xuất.

Thời điểm này, độ mặn tại 3 cống lấy nước phục vụ cho các hộ dân nuôi tôm nước lợ tại huyện Trần Đề tương đối tốt, ở ngưỡng đạt từ 6 - 12 phần nghìn. Tuy nhiên hầu hết bà con địa phương vẫn chưa vội thả giống.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kiểm tra, khảo sát tình hình xuống giống vụ tôm nước lợ năm 2024. Ảnh: Kim Anh.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kiểm tra, khảo sát tình hình xuống giống vụ tôm nước lợ năm 2024. Ảnh: Kim Anh.

Anh Hứa Trung Việt ở ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, đến nay chỉ mới thả nuôi 17 ao trong tổng số 52 ao nuôi của gia đình, với mật độ trung bình 80 con/m2. Song song đó, anh cũng chú trọng thực hiện tốt khâu cải tạo ao, lọc và xử lý nước thật kỹ trước khi tiến hành thả tôm.

Theo anh Việt đây là cách thả nuôi theo hình thức thăm dò. Hộ nuôi có thể ước lượng được sản lượng tôm phù hợp với nhu cầu thị trường tại từng thời điểm khác nhau. Đặc biệt là tránh được rủi ro lợi nhuận nếu xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa, khiến giá thu mua tôm lao dốc. Bên cạnh đó cũng hạn chế được tỷ lệ thiệt hại trên tôm nuôi, nếu gặp rủi ro dịch bệnh phát sinh.

Tại vùng nuôi ở thị xã Vĩnh Châu, tình hình thời tiết cũng tương đối thuận lợi. Do nước mặn xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ các năm trước, nên tiến độ thả nuôi tôm của địa phương đạt cao, trên 115ha (cùng kỳ năm trước khoảng 130,8 ha).

Ghi nhận thực tế tại HTX thủy sản Hòa Nghĩa ở xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, rút kinh nghiệm từ vụ tôm nước lợ năm 2023, HTX đã xây dựng phương án nuôi tôm về size lớn thông qua việc áp dụng mô hình nuôi tôm lưới đáy.

Xã viên HTX thủy sản Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu chuẩn bị mô hình nuôi tôm lưới đáy cho vụ nuôi mới năm 2024. Ảnh: Kim Anh.

Xã viên HTX thủy sản Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu chuẩn bị mô hình nuôi tôm lưới đáy cho vụ nuôi mới năm 2024. Ảnh: Kim Anh.

Nhìn chung, hình thức nuôi này không khác nhiều so với phương pháp nuôi ao bạt. Tuy nhiên, mô hình có ưu điểm lớn là mực nước trong ao nuôi cao hơn, đạt từ 1,8 – 2m. Nhờ đó tôm nuôi thuận lợi đạt size lớn khi mật độ thưa.

Ông Ngô Thanh Tuấn, Giám đốc HTX thủy sản Hòa Nghĩa đánh giá, mô hình nuôi tôm lưới đáy phù hợp với thực tiễn sản xuất và khả năng tài chính của từng thành viên trong HTX.

Nói thêm về cách làm, ông Tuấn cho biết, ban đầu tôm giống sẽ được vèo trong ao bạt, sau khoảng 2 tháng sẽ chuyển qua ao lưới đáy, nhờ vậy sẽ giãn mật độ nuôi, tốc độ tôm lớn nhanh.

Vụ tôm nước lợ năm 2024, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu đạt diện tích thả nuôi gần 51.000ha, sản lượng tôm nuôi là 212.000 tấn.  Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi gần 3.000ha. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đánh giá, tiến độ này còn chậm so với cùng kỳ, nhưng cơ bản đảm bảo kế hoạch đề ra.

Mặc dù thời điểm này, điều kiện thời tiết và độ mặn tương đối thuận lợi, tuy nhiên bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo hộ nuôi tôm không chủ quan. Bên cạnh đó, bà con ưu tiên thả nuôi theo phương thức rải vụ, cuốn chiếu liên hoàn.

Đặc biệt là kiểm soát tốt các bệnh xuất hiện trên tôm giống. Bởi hiện nay, một số bệnh khá phổ biến đã được phát hiện trên tôm giống như: Đục thủy tinh, hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng…

Ngành thủy sản tỉnh cũng lưu ý hộ nuôi, khi chọn mua con giống cần có sự liên doanh với các doanh nghiệp cung ứng, để đảm bảo truy xuất rõ nguồn gốc, chất lượng.

“Bà con nếu có điều kiện, trước khi thả giống qua ao nuôi, nên ương dưỡng để theo dõi quá trình phát triển của tôm giống. Do các bệnh thường xảy ra trên con giống từ dưới 1 tháng tuổi, như vậy sẽ giúp bà con kiểm soát tốt hơn bệnh trên tôm giống, hạn chế tối đa thiệt hại”, bà Bình lưu ý.

Vụ tôm nước lợ năm 2024, hộ nuôi ở tỉnh Sóc Trăng chủ động các giải pháp thả nuôi theo hình thức thăm dò, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: Kim Anh.

Vụ tôm nước lợ năm 2024, hộ nuôi ở tỉnh Sóc Trăng chủ động các giải pháp thả nuôi theo hình thức thăm dò, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: Kim Anh.

Về phía Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, cung ứng tôm giống và các sản phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản. Đảm bảo giúp hộ nuôi tiếp cận được với nguồn vật tư đầu vào uy tín, chất lượng.

Vụ tôm nước lợ năm 2024, tỉnh Sóc Trăng không mở rộng diện tích mà tập trung nâng cao sản lượng, cải thiện chất lượng. Trải qua nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023, các hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đúc rút nhiều kinh nghiệm. Như chủ động các giải pháp thả nuôi theo hình thức thăm dò, tiên phong áp dụng mô hình nuôi mới để cải thiện hiệu quả sản xuất.

Sự thận trọng trong sản xuất trong bối cảnh hiện nay là không thừa, đảm bảo an toàn trong vụ nuôi mới. Đây cũng là cơ sở để ngành tôm Sóc Trăng giữ vững vị thế, hiện thực hóa mục tiêu đóng góp 10% vào Kế hoạch hành động Quốc gia - phát triển ngành tôm đạt giá trị xuất khẩu là 10 tỷ USD vào năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.