| Hotline: 0983.970.780

Thời tiết phức tạp, người nuôi thận trọng thả tôm vụ mới

Thứ Năm 07/03/2024 , 06:39 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Do thời tiết phức tạp, nắng mưa thất thường rất bất lợi cho tôm nước lợ sinh trưởng và phát triển nên người nuôi dè dặt thả giống.

Người nuôi tôm nước lợ ở tỉnh Khánh Hòa thận trọng vào vụ mới. Ảnh: KS.

Người nuôi tôm nước lợ ở tỉnh Khánh Hòa thận trọng vào vụ mới. Ảnh: KS.

Khuyến cáo vào vụ nuôi tôm mới

Để đảm bảo kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2024, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã ban hành văn bản hướng dẫn khung lịch mùa vụ thả giống trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Toàn Thư, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa) cho biết, đối với nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, thả giống từ tháng 1 đến tháng 8. Riêng vùng nuôi có điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nước đảm bảo có thể thả giống đến hết tháng 9. Mật độ thả nuôi từ 15 - 25 con/m2.

Các khu vực không nuôi bán thâm canh và thâm canh được nên áp dụng nuôi kết hợp đa dạng sinh học, chẳng hạn như tôm sú với cá dìa, cá măng, cá đối mục hoặc cá rô phi, hải sâm, rong câu...

Đối với nuôi tôm thẻ chân trắng, thả giống từ tháng 1 đến tháng 9. Vùng nuôi ít chịu ảnh hưởng của lũ lụt, điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nước đảm bảo có thể thả giống đến tháng 12.

Trong đó, nuôi theo phương thức thâm canh, bán thâm canh nên áp dụng cho những ao lót bạt hoặc ao đất có sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và công nghệ nuôi mới, tiên tiến… với mật độ thả giống trên 100 con/m2.

Người nuôi vệ sinh ao nuôi trước khi thả giống. Ảnh: KS.

Người nuôi vệ sinh ao nuôi trước khi thả giống. Ảnh: KS.

Nuôi theo phương thức quảng canh, quảng canh cải tiến thì áp dụng cho những ao đất, ít có sự đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị. Người nuôi có thể nuôi kết hợp đa dạng sinh học như tôm thẻ chân trắng với cá rô phi hay tôm với cua…

Mặt khác, để nuôi tôm nước lợ thuận lợi, bà Nguyễn Thị Toàn Thư khuyến cáo, người nuôi thả theo quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn nuôi trồng thủy sản của chính quyền địa phương. Nghiêm túc thực hiện khung lịch mùa vụ thả giống và thả tôm với mật độ phù hợp theo hình thức nuôi; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình sản xuất để nuôi tôm đạt hiệu quả cao.

Cùng với đó, người nuôi thực hiện đăng ký đối tượng nuôi thủy sản chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) theo quy định cũng như thực hiện đăng ký kê khai ban đầu và thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.

Khâu lựa chọn con giống cũng rất quan trọng, quyết định thành công của vụ nuôi. Do đó, trước khi thả nuôi cần kiểm tra, xét nghiệm các bệnh nguy hiểm trên tôm. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần thực hiện ghi chép nhật ký và lưu trữ hồ sơ như: Giấy chứng nhận kiểm dịch giống thủy sản, hóa đơn chứng từ có liên quan; việc sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, hóa chất, chế phẩm sinh học... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ thiệt hại khi cần thiết.

Chú trọng phòng chống dịch bệnh

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay người nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã nắm bắt hướng dẫn lịch thời vụ thả giống, cũng như chú trọng các biện pháp để phòng chống dịch bệnh.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Lê Minh Chính ở xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa. Ảnh: KS.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Lê Minh Chính ở xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa. Ảnh: KS.

Anh Lê Minh Chính, một người nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa cho biết, bước vào vụ tôm mới, thời gian qua thời tiết phức tạp, nắng mưa thất thường rất bất lợi cho tôm nước lợ sinh trưởng và phát triển nên người nuôi dè dặt thả giống.

Hơn nữa năm 2023, nhiều ao nuôi trên địa bàn xuất hiện bệnh vi bào tử trùng (EHP) trên tôm. Đây là dịch bệnh nguy hiểm do ký sinh trùng gây ra khiến tôm chậm lớn, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế của người nuôi.

Vì vậy, để phòng chống dịch bệnh này, trước khi vào vụ, anh Chính đã xử lý ao nuôi và thiết bị phục vụ nuôi rất kỹ. Theo kinh nghiệm của anh Chính, để xử lý ao nuôi hiệu quả, anh dùng vôi trong thủy sản Ca(OH)2 kết hợp với xút (Natri hydroxit) để nâng độ pH trên 10 và tưới tất cả mọi thứ trong ao nuôi tôm, kể cả các thiết bị.

“Liều dùng là 1m3 nước với khoảng 3kg xút kết hợp với vôi pha ra để vệ sinh ao. Sau đó cho ngâm nước xút và vôi này trong ao nuôi từ 3 - 4 ngày, đồng thời tưới tiếp một lần nữa các thiết bị, bờ ao trước khi chuyển nước này sang ao khác. Đối với ao đã chuyển nước xút và vôi sang ao khác thì tiến hành sốc ngược lại độ pH trong ao nuôi về dưới 5 bằng cách dùng axit HCl kết hợp chlorine để rửa thật kỹ các thiết bị liên quan đến quá trình nuôi rồi mới tiến hành vào vụ nuôi mới.”, anh Chính chia sẻ cách làm thời gian qua anh thực hiện rất thành công, hạn chế dịch bệnh đáng kể.

Theo anh Chính, đến nay gia đình đã giống được 3/20 ao (mỗi ao 1.600m2). Đồng thời anh nuôi tôm theo công nghệ Semi biofloc kết hợp 3 giai đoạn giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, tránh ô nhiễm môi trường và hạ được giá thành trong nuôi tôm.

Cụ thể, giai đoạn 1, tôm được ương trong bể hơn 100m2, mật độ 25 - 50 vạn con giống, thời gian ương khoảng 30 ngày. Khi đó, tôm sẽ đạt kích cỡ từ 1.000 - 1.200 con/kg và sẽ chuyển giai đoạn 2. Ở giai đoạn 2, toàn bộ tôm ương được chuyển xuống ao nuôi ngoài trời, áp dụng nuôi theo công nghệ Semi biofloc. Sau thời gian nuôi khoảng 25 ngày, tôm đạt kích cỡ 200 - 250 con/kg, mật độ 500 con/m2.

Ở giai đoạn 3, mật độ nuôi được giảm xuống một nửa, tức mật độ thả từ 250 - 300 con/m2. Sau đó nuôi đến khi kết thúc khoảng 90 ngày, tôm sẽ đạt kích cỡ trung bình 50 con/kg.

Tại xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh) thời điểm này, người nuôi cũng đang tập trung cải tạo ao nuôi và chờ thời tiết thuận lợi để thả giống.

Anh Nguyễn Văn Tiến, một người nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ cho biết, hiện thời tiết phức tạp, nhiều hộ thả giống sớm tôm chậm lớn đành phải xả ao sớm. Hơn nữa, bước vào vụ tôm mới nhưng chi phí vật tư đầu vào như giống, thức ăn tăng cao, trong khi giá tôm thương phẩm thấp cũng khiến người nuôi e dè thả giống.

“Hiện nay bà con trong xã ít người thả giống, gia đình cũng mới cải tạo ao đìa. Hi vọng thời gian tới thời tiết thuận lợi, nguồn nước cấp cũng như tôm giống đảm bảo để bà con thả giống hàng loạt”, anh Tiến bày tỏ.

Ông Nguyễn Ngọc Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ cho biết, toàn xã có khoảng 40ha ao nuôi tôm nước lợ. Đến nay khoảng 15% diện tích bà con đã thả giống.

Theo bà Nguyễn Thị Toàn Thư, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa), trước khi thả tôm 5 - 10 ngày, các hộ nuôi tôm cần theo dõi diễn biến thời tiết chặt chẽ. Nếu thời tiết không thuận lợi cho tôm nuôi thì nên tạm dừng thả giống hoặc lấy ý kiến tư vấn của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Người nuôi nên ương dưỡng tôm 2 - 3 giai đoạn và sử dụng con giống cỡ lớn để thả nuôi thương phẩm; áp dụng các mô hình nuôi hiệu quả như mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, Biofloc, tuần hoàn, ít thay nước...

Xem thêm
Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.