Đảm bảo môi trường trong nuôi tôm nước lợ được ngành nông nghiệp Sóc Trăng quan tâm, ưu tiên phát triển theo hướng nâng cao giá trị, ứng dụng công nghệ nuôi mới, tiên tiến.
Nhân rộng mô hình nôi tôm công nghệ cao, xanh, thân thiện môi trường
Đây là ao nổi công nghệ xanh quy mô 150m2 được Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ đầu tư tại Hợp tác xã nông ngư 14/10, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên. So với mô hình tôm công nghiệp tuần hoàn nước đã được ứng dụng phổ biến, mô hình này được thực hiện theo nguyên lý: Lấy nước từ ao nuôi, chuyển qua túi biogas, rồi dẫn nước trở lại trong ao nuôi để tái sử dụng. Nguồn nước được giữ an toàn, tránh được ô nhiễm từ chất thải trong quá trình nuôi tôm.
PB Ông NGÔ CÔNG LUẬN – Giám đốc HTX nông ngư 14/10, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng:“Mình không lấy nước từ môi trường vào, mình lấy nước 1 lần. Mình đã xử lý hoàn chỉnh thì mình sử dụng 1 năm hoặc 2 năm. Rồi còn cái hệ thống nước thải, cái phân của nó mình đã thu rồi. Mình thu lên vô túi biogas rồi”.
Tại xã Trung Bình, huyện Trần Đề, một số hộ dân sau nhiều năm gắn bó với cách nuôi tôm trong ao đất theo kiểu truyền thống, bà con nhìn thấy những rủi ro cả về kinh tế và môi trường. Từ đó, quyết định chuyển sang hình thức nuôi công nghệ cao, lót bạt.
Ông Huỳnh Hàn Châu sau 6 năm thực hiện chuyển đổi, ông nhận thấy mô hình phát huy hiệu quả cao, tỷ lệ tôm nuôi thành công đạt cao trên 95%, tôm đạt cỡ lớn khoảng 25 con/kg. Bên cạnh đó, việc ứng dụng máy móc, công nghệ để quản lý chất lượng nước, kiểm soát các thông số môi trường trước và trong ao nuôi cũng tạo điều kiện thuận lợi cho tôm phát triển.
PB Ông HUỲNH HÀN CHÂU – Xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng :“Trong các khu nuôi của tôi, tôi tâm đắc nhất là chúng tôi dành một lượng đất rất lớn cho trữ nước và xử lý nước, khoảng 80% tổng diện tích hơn 10ha tại chỗ. Và chỉ 20% đất chúng tôi sử dụng cho ao nuôi, từ đó cung cấp đủ nguồn nước trong sạch cho các ao nuôi”.
Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 5.000ha nuôi tôm theo hình thức thâm canh, siêu thâm canh, công nghệ cao với hình thức lót bạt. Công tác bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản được ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm, ưu tiên phát triển theo hướng nâng cao giá trị, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào quá trình nuôi.
PB Ông HUỲNH NGỌC NHÃ – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng: “Tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp hơn, điều kiện dịch bệnh cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thứ hai thị trường cũng tương đối khó khăn, ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài của các nước nhập khẩu về suy thoái kinh tế toàn cầu…đặc biệt nữa là trong nội tại, công tác quản lý cũng như các vấn đề sản phẩm đầu vào của ngành tôm, đặc biệt chất lượng con giống cần phải quan tâm. Quản lý về vật tư đầu vào để làm sao hài hòa chuỗi lợi ích trong ngành hàng”.
Vừa qua, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cũng phối hợp với Trường Thủy sản (Đại học Cần Thơ) tổ chức chương trình tập huấn “Người nuôi tôm chuyên nghiệp” cho 50 cán bộ quản lý, kỹ thuật, doanh nghiệp, HTX, nông dân nuôi tôm trong tỉnh. Qua đó, các đối tượng được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng về: Nguyên lý nuôi tôm công nghệ cao, thân thiện môi trường; Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thủy sản và ngành tôm; Quản lý môi trường nuôi tôm...
Linh hoạt trong cách làm gắn với thực tiễn nông dân thiếu gì và cần gì, sự nhạy bén này sẽ tạo đà cho ngành tôm Sóc Trăng phát triển trong bối cảnh mới, song hành giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.