Ngày 23/2, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển tôm nước lợ năm 2024. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đồng chủ trì hội nghị.
Ngoài ra, hội nghị còn có sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an; đại diện các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ NN-PTNT; Đại diện Hiệp hội VASEP, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam; UBND, Sở NN-PTNT 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Ngành thủy sản chưa hết khó
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Bạc Liêu hiện có trên 140.000ha nuôi trồng thủy sản và là một trong 3 tỉnh thành có diện tích, sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước. Sản lượng hằng năm của tỉnh Bạc Liêu đóng góp từ 20-21% tổng sản lượng tôm nuôi toàn quốc.
"Tỉnh Bạc Liêu rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của Bộ NN-PTNT và có những chỉ đạo giúp ngành tôm Bạc Liêu phát triển bền vững, đạt chỉ tiêu xuất khẩu 1,3 tỷ USD đến năm 2025", ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, bày tỏ.
Trong năm 2023, diện tích thả nuôi tôm tỉnh Bạc Liêu trên 132.000ha. Đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đã có 25 tổ chức và trên 800 cá nhân đầu tư với diện tích gần 5.000ha. Nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á.
Những năm gần đây, nghề nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu nói riêng và cả nước nói chung phát triển cả về số lượng và chất lượng. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp tôm như hiện nay, thách thức đang đặt ra không chỉ riêng Bạc Liêu mà đối với tất cả các tỉnh, thành nuôi tôm là môi trường và dịch bệnh.
"Ngành thủy sản chưa hết khó", Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu dẫn chứng: Khó vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu và ngư trường gần như cạn kiệt. Do đó, hội nghị là dịp để các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ thẳng thắn, đặt ra các vấn đề còn vướng mắc để tháo gỡ nhằm phát triển bền vững ngành tôm trong thời gian tới.
Sản xuất và ương dưỡng được 153 tỷ tôm giống nước lợ
Theo Cục Thủy sản, năm 2023 cả nước sản xuất được hơn 30.000 con tôm thẻ chân trắng, sú bố mẹ; còn phải nhập khẩu khoảng 168.000 tôm thẻ, sú bố mẹ phục vụ cho sản xuất giống. Ngoài ra, còn có hơn 2.140 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tôm nước lợ. Năm 2023, cả nước sản xuất và ương dưỡng được 153 tỷ con tôm giống nước lợ.
Năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 622.000ha, tôm thẻ chân trắng khoảng 115.000ha. Sản lượng đạt 1,12 triệu tấn (tăng 5,5% cùng kỳ 2022), trong đó sản lượng tôm sú đạt 274.000 tấn và tôm thẻ chân trắng 845.000 tấn. Sản lượng sản xuất tôm giống đạt khoảng 150 tỷ con. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,45 tỷ USD, giảm gần 20% so với năm 2022.
Theo Cục Thủy sản, năm 2024 nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con (tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000 và tôm sú 60.000 con). Tôm giống khoảng 140-150 tỷ con, trong đó tôm thẻ chân trắng 100 - 110 tỷ con và tôm sú 30 - 40 tỷ con.
Diện tích nuôi tôm đạt 737.000ha (tôm sú 622.000ha, tôm thẻ 115.000ha), sản lượng tôm các loại ước đạt 1.065.000 tấn (trong đó tôm sú 300.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 765.000 tấn), kim ngạch xuất khẩu đạt từ 4 - 4,3 tỷ USD.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ từ 10-15%
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam cho biết, năm 2023 Việt Nam đứng Top 12 xuất khẩu, chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm. Năm 2023, tôm Việt Nam "bơi" sang 100 thị trường so với 102 thị trường cùng kỳ năm 2022.
Trong năm 2024, dự báo biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề cần quan tâm giải quyết, việc sản xuất tôm thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là giải pháp cấp trong thời gian tới. Chi phí đầu tư vẫn tiếp tục tăng cao hơn so với các nước.
Dự báo năm 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn cạnh tranh về giá với các nước Ecuador và Ấn Độ. Dù vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ từ 10-15% vào năm 2024.
Hướng đến sản xuất xanh, ít phát thải
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận và biểu dương các địa phương đã nỗ lực vượt qua những khó khăn để hoàn thành các mục tiêu sản xuất và xuất khẩu tôm nước lợ trong năm qua. Thứ trưởng đánh giá cao công tác tổ chức và lãnh đạo của các địa phương từ thực tế phát triển tôm nước lợ. Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp đã nâng cao năng lực chế biến, đẩy mạnh xuất khẩu.
“Năm 2023, trước khó khăn thách thức của thị trường thế giới, đặc biệt là tổng thu toàn cầu thay đổi, nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đạt trên 53 tỷ USD, lúa gạo đạt 43,5 triệu tấn, chăn nuôi 7,79 triệu tấn thịt các loại, thủy sản 9,3 triệu tấn và gỗ rừng trồng là 32 triệu m2, nông nghiệp tăng trưởng hơn 3,8%”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Thứ trưởng đề nghị, để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và định hướng phát triển ngành tôm bền vững, các địa phương chú ý liên kết trong chuỗi sản phẩm từ giống, sản xuất đến tiêu thụ.
Theo đó, vùng ĐBSCL cần chú ý đến việc xây dựng nguồn giống đạt chất lượng cao để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi. Cùng với đó, cần đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển vùng nuôi, hướng đến sản xuất xanh, ít phát thải và ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản.
"Để phát triển ngành tôm bền vững các địa phương cần tăng cường quản lý Nhà nước về tôm giống, vận chuyển, chất lượng tôm giống. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ về giống, chế phẩm sinh học, tôm nuôi, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị.