Ngoài cành đào, bánh chưng ăn Tết Nguyên đán như người Kinh, người Dao ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì còn có những ngày Tết riêng với nét độc đáo.
Độc đáo với lễ Tết của người Dao ở Ba Vì
Ngoài cành đào, bánh chưng ăn Tết Nguyên đán như người Kinh, người Dao ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì, còn có những ngày Tết riêng với nét độc đáo.
Theo phong tục, hôm nay là ngày ăn Tết cổ truyền của gia đình anh chị Cường, Hương ở xã Ba Vìhuyện Ba Vì thành phố Hà Nội. Từ sáng sớm, anh em, họ hàng, hàng xóm đã đến gia đình để làm cỗ ăn Tết.
Cũng giống như người kinh và đồng bào các dân tộc khác. Các món cỗ Tết hôm nay cũng được làm từ những cây trồng, vật nuôi của gia đình như thịt lợn, gà, gạo nếp.
Mâm cỗ hôm nay có lẽ là quan trọng nhất nên có rất nhiều món ngon được chế biến. Đàn ông thì chế biến những món được mổ từ con lợn. Phụ nữ thì giúp làm các món khác.
Theo phong tục của người Dao tại đây, Tết cổ truyền của họ sẽ bắt đầu từ rằm tháng 11 âm lịch cho tới ngày 30 tháng chạp hàng năm và mỗi nhà sẽ tổ chức ăn tết một ngày để tránh trùng nhau và cũng là để mời được nhiều khách hơn tới nhà mình vui xuân, đón Tết. Hơn lúc nào hết, đây là khoảng thời gian vui nhất của đồng bào người Dao tại đây.
Phỏng vấn
Chị DƯƠNG THỊ THU HƯƠNG
Xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội
Người Dao mình thì bắt đầu ăn tết từ cuối tháng 11 âm và bắt đầu từ tháng 12 âm lịch, có nghĩa là cả làng sẽ ăn tết thay phiên nhau thì sẽ là có thể người này làm sáng hôm nay, anh em làm chiều hôm nay. Và hôm nay nhà chú mình làm Tết nên anh em mình sẽ đi sang giúp nhà chú mình để bày mâm cỗ bên mình ăn Tết khá là đông, khoảng tầm 15 đến 20 mâm cơm ăn Tết cổ truyền. Mình cảm thấy đó là một nét truyền thống rất là vui, mọi người đi làm xa thì sẽ cố gắng trở về nhà để ăn tết với gia đình và bạn bè.
Khác hẳn với những ngày thường, nhà ông Liên hôm nay có vẻ như đang rất đông vui. Từ đầu ngõ, tiếng băm, chặt thịt lợn, tiếng cười nói rôm rả của người nhà, bà con lối xóm báo hiệu một lễ Tết to của gia đình.
Nhà ông Liên là nhà gốc, vì vậy cỗ Tết cũng sẽ làm to hơn, khác với người Kinh và các đồng bào các dân tộc khác, những thứ lễ dành cho cúng tế tổ tiên như giấy tiền, đồ hàng mã chỉ những người nam giới trong dòng tộc mới được chuẩn bị. Những người đàn ông này tự tay cắt, vẽ rồi đóng dấu để lát nữa làm lễ cúng tế.
Nếu như bánh Chưng là đặc trưng cho Tết Nguyên Đán của người Kinh thì bánh dày là thứ bánh không thể nào thiếu trong Tết của người Dao. Công việc này đòi hỏi phải là những thanh niên trai tráng trong dòng họ thực hiện. Cùng với thịt lợn, thịt gà và những đồ cúng khác thì bánh dày là thứ không thể thiếu trên mâm cỗ cúng gia tiên.
Với Người Dao, bàn thờ gia tiên là rất quan trọng, vì thế luôn được đặt ở góc nhà nơi được xem là thâm nghiêm, yên tĩnh và linh thiêng nhất. Khi mâm cỗ được bày lên, thầy cúng và chủ nhà và những người trong họ sẽ cùng hành lễ. Nghi lễ này được thực hiện khoảng hơn một tiếng. Chủ yếu là để báo cáo với tổ tiên về thành quả lao động trong một năm qua và cầu may mắn cho năm mới.
Phỏng vấn
Ông DƯƠNG TRUNG LIÊN
Xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội
Nhân dân ở trong thôn bản cũng như là trong gia đình tôi thì cuối năm cũng tổ chức một cái lễ ăn tết thì cái lễ ăn Tết này cũng rất quan trọng, bởi vì là từ xưa tổ tiên người Dao đã truyền lại. Thì đầu năm có một cái lễ cầu cuối năm thì có một tạ lễ cho tổ tiên thần thánh. Ở cái vùng đất này, phù hộ độ trì cho gia đình làm ăn trong một năm qua đó cũng là một cái văn hóa của đồng bào Dao nói chung của gia đình tôi thì nay cũng làm tết mời tất cả 4 cụ là những người biết về phong tục tập quán để làm lễ.
Việc tổ chức ăn tết cuối năm của các gia đình phải tuân theo quy tắc nhất định. Đầu tiên, các gia đình đóng góp lương thực, thực phẩm có thể là gà, lợn, gạo. Sau đó, cùng nhau lên miếu để làm lễ rồi ăn Tết Nguyên đán làng ở nhà người tổ chức lễ họ. Từ hôm sau trở đi, các gia đình mới được tổ chức riêng tại nhà. Riêng tục Tết nhảy, các gia đình quy định 12 năm mới tổ chức 1 lần. Mục đích nhằm khao ông bà, tổ tiên và thường được tổ chức vào dịp cuối năm.
Phỏng vấn
Ông DƯƠNG TRUNG PHONG
Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội
Có thôn làm từ 25 tháng 11 âm lịch thì cũng đã làm Tết, có thôn thì bắt đầu vào tháng 12 âm lịch, có thôn thì 29 tháng 11 có nghĩa là để làm như thế xong cái Tết làm cho bà con mới kíp thời gian để tổ chức các cái lễ của hộ gia đình thế ngoài ra một số hộ thì coi trả một cái lễ
Phỏng vấn
Ông BÙI HUY GIÁP
Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì, Hà Nội
Đối với đồng bào dân tộc Dao hiện nay thì có một cái phong tục rất là đặc biệt trong những dịp lễ Tết, thì người dân tộc Dao có một cái lễ Tết nhảy và một cái phong tục tập cấp sắc. Đối với phong tục truyền thống của họ, đã gìn giữ gìn nhiều năm trên địa bàn, và trong cuộc sống của họ hàng năm thì cũng rất là đa sắc màu, đó là một phong tục rất đặc biệt của người dân tộc Dao hiện nay.
Đến xã Ba Vì những ngày này, không khí xuân đã tràn ngập từng con ngõ, những cánh đào rừng bắt đầu khoe sắc trong sân nhà của nhiều hộ gia đình người Dao, hay trên những sườn đồi, góc núi... Tết cuối năm của người Dao đã về. Cuộc sống của người Dao ở xã miền núi huyện Ba Vì mỗi năm một sung túc, ấm no hơn. Đó cũng là điều kiện để người Dao giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa độc đáo với lễ Tết của dân tộc mình.