| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về người Dao cùng kho thuốc quý hiếm trên núi Ba Vì

Chủ Nhật 12/03/2017 , 13:25 (GMT+7)

Dân ven đường ở quanh khu du lịch Vườn quốc gia Ba Vì, Hà Nội đều quen gọi người Dao ở xã Ba Vì là người Mán. Ông già bên quán nước chỉ đường cho tôi giải thích, người Dao ở đây gọi là Dao quần chẹt, xưa còn có tên là Mán sơn đầu, vì họ thường dùng sáp ong chải đầu...

09-02-36_trng-18
 

Chợt có tiếng kèn từ trong con đường nhỏ vọng ra cùng một giọng hát trong trẻo cất lên. Tôi bần thần đi theo tiếng hát; ngỡ như đó là con đường âm thanh dẫn lối tới thôn người Dao…
 

Say đắm một đời “páo dung”

Tôi được biết tới hai chữ “páo dung” là nhờ anh Hạnh, chồng lương y Triệu Thị Thịnh ở thôn Yên Sơn nói lại. “Páo dung” tiếng Dao là ca hát, nhưng nó bao gồm nhiều giai điệu dân ca của người Dao, thường được cất lên trong mọi sự kiện trong đời sống xã hội, sinh hoạt và nghi lễ. Đặc biệt là “páo dung” cho tình yêu, cho đám cưới, thì có tới hàng trăm lời ca với sự liên tưởng thật kỳ thú. Có thể coi “páo dung” là báu vật của người Dao, một kho tàng quý được lưu giữ hàng ngàn năm qua.

Người Dao ở cả ba thôn của xã Ba Vì đều thuộc dòng Dao quần chẹt, ở phía tây dãy Tản Viên Sơn, với đặc điểm về trang phục độc đáo của con gái. Họ thường mặc quần ống nhỏ, ôm chặt tới đầu gối; còn bắp chân được quấn xà cạp trắng tới mắt cá chân. Đó là hình ảnh của tục bó chân, tạo dáng trong nghệ thuật làm đẹp dân gian từ xưa. Áo chàm và mẫu thêu thì đều giống các dòng người Dao khác.

Nhất là hình tượng rồng biểu hiện cho sức mạnh và linh thiêng thì không thể thiếu trong các mẫu thêu trên quần áo và khăn…Đặc biệt các giai điệu “Páo dung”, thì Dao nào cũng giống nhau, cho dù mỗi nơi, mỗi triền núi cao có những câu hát cởi mở hơn, nhưng âm giai thì không thay đổi. Đó là một cõi linh thiêng bất biến, phần hồn của Dao mỗi khi vào hội lễ.

Tôi tiếp tục theo con đường bê tông nhỏ đi men theo chân núi, kéo dài hơn 12 cây số, từ thôn Yên Sơn tới Ủy ban xã Ba Vì. Rừng cây rì rào, cùng những đàn chim bay xao xác và thấp thỏm trong cơn mưa kéo đến. Thời tiết cuối tháng ba, nhưng gió vẫn lạnh và mây buông quanh sườn núi, tạo cảm giác trầm buồn. Bất ngờ một ngôi nhà sàn hiện ra bên cạnh con đường. Có lẽ đó là một trong những căn nhà sàn đẹp và hiếm hoi được dựng lên, khi gần 500 hộ người Dao rời núi cao xuống sinh sống quanh đây.

Nhưng có điều làm tôi vô cùng thích thú là tiếng kèn Pí-lè vang lên từ ngôi nhà đó. Xe tôi đi chậm lại như một sự chờ đón. Tôi lắng nghe như nhập từng lời hát và lên cùng tiếng kèn réo rắt. Đó là ngôn ngữ tình yêu chăng. Đúng như anh Hạnh đã nói với tôi rằng, nghe “Páo dung” thì khó đi nổi, nghe hát giao duyên sẽ vấp bước chân. Quả nhiên tôi dừng chân chỉ vì một lời ca xao xuyến vang lên như dòng suối chảy róc rách tràn qua các tảng đá.

Từng lời ca ngọt lịm tai tôi: “Khi đi săn, đi núi/ Anh hãy cõng hồn em/ Khi nóng bức, mệt mỏi/ Anh hãy “uống hồn em”/ Thì sẽ làm cho mát dịu/ Mọi nhọc nhằn khó tiêu tan”. Tiếng kèn Pí-lè lại vút lên không trung. Một ánh sáng của âm thanh soi rọi muốn làm tan chảy khối mây đen đang trĩu nặng những hạt mưa. Và, tiếng chàng trai giao duyên lại cất lên: “Nghe em hát, tim anh vời vợi/ Từng lời em như cháy bỏng trong lòng/ Khi em về, anh chẳng biết làm sao nữa/ Nghĩ về em/ Nhớ về em…”.

Người ta nói, người Dao quần chẹt ở xã Ba Vì không còn được chất Dao như hồi còn ở trên núi cao hơn ngàn mét. Họ đã bỏ lại trên đỉnh núi những thói quen sinh hoạt mấy trăm năm sống với mây đen và gió lộng. Nhưng riêng hát “Páo dung” thì chẳng bao giờ rơi vãi. Người Dao đi tới đâu, thì “Páo dung” theo đó. Từ nhỏ họ đã thấm được cái hồn của “Páo dung”.

Trong lễ Cấp sắc, đặt tên “âm” để cúng bái sau này, hay Tết Nhảy đầu năm cúng tổ tiên, hoặc ăn hỏi và mừng thọ, thì tất cả đều “Páo dung” cùng với hàng chục điệu múa kèm theo. Dao là vậy, múa và hát. Họ thay nhau múa và hát trong suốt mấy ngày liền không dứt. Ai mệt thì nghỉ, để cho người khác múa tiếp, sau hết mệt, khi sang “Páo dung” khác lại vào nhảy tiếp.

Với trang phục quần chẹt, người Dao chân núi Ba Vì lại càng thể hiện sức sống mãnh liệt, khi chống trọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Dường như người Dao quần chẹt được sinh ra là để cho ca múa. Hát “Páo dung” trong suốt cuộc đời…
 

Cuốn sách thuốc của người Dao Ba Vì

Người Dao ở đây còn một điều bí ẩn khác; đó là kho thuốc quý hiếm trải khắp Tản viên sơn, nơi họ đã bươn chải, mưu sinh hàng trăm năm qua. Nếu nói “Páo dung” là báu vật là hồn thiêng của Dao, thì hàng trăm bài thuốc thiên nhiên chữa bệnh là mỏ vàng của người Dao, với đúng nghĩa của nó, để tồn tại, phát triển giống nòi.

Câu chuyện tôi được nghe chính một người Dao ở thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì kể lại rằng, đó là 500 vị thuốc quý, mà người Dao đã sưu tầm hàng vài thế kỷ qua trên đỉnh Tản Viên Sơn. Gặp tôi lương y Triệu Phú Quý tâm sự, gần 50 năm qua hơn 2000 người Dao quần chẹt đã phải rời xuống sống dưới chân núi, và tạo thành xã Ba Vì hiện nay.

09-02-36_trng-21
 

Biết bao câu chuyện cổ vẫn chập chờn vỗ cánh trên cánh rừng đầy hoa lá, chim muông. Những làn điệu Páo dung vẫn quấn quýt trên con đường nhỏ mờ ảo sương bay. Chia tay đỉnh núi. Nỗi buồn cũng cao vời vợi. Nhưng cuộc hạ sơn ấy, bất ngờ lại được coi như một cuộc đổi đời cho những người Dao quần chẹt ở nơi đây. Bởi xã đã dần dần hình thành ba làng nghề thuốc Nam.

Lương y Triệu Phú Quý, một người rất giỏi bắt bệnh bốc thuốc, và đã có nhiều ứng dụng công nghệ về chế sắc thuốc, để giúp người bệnh tai qua nạn khỏi. Cả nhà ông từ vợ, đến con trai, con dâu đều làm nghề chữa bệnh cứu người. Đúng lúc đó, con trai út của ông vừa đi lấy một giấy xác nhận của xã về để xin vào học trường thuốc trên thành phố.

Ông chỉ về phía đỉnh núi Ba Vì rồi kể, những năm tháng tuổi thơ phải đi theo mẹ đi hái thuốc vất vả thế nào, đã nhiều lần gặp thú dữ nhưng đều thoát khỏi. Vậy mà giờ đây xã đã có Công ty cổ phần thuốc Nam, bà con thà hồ mà phát huy làm ăn, không phải đi lang thang kiếm dạo lần hồi. Ông vừa nói, vừa cười, nhưng ánh mắt hơi đỏ vì khóe lệ; có lẽ ông chợt nhớ lại những hình ảnh một thời lận đận, cam go trên mọi nẻo đường lần hồi kiếm ăn.

Sau đó, thật may tôi được gặp lại lương y Triệu Thị Thanh, người mà tôi đã từng làm quen ở mấy hội chợ thương mại, trong thành phố. Nói về quá trình để trở thành một lương y giỏi như hiện nay, bà Triệu Thị Thanh nhớ lại, để cho những người dưới xuôi tin những bài thuốc của người Dao Ba Vì không đơn giản chút nào. Ban đầu tiếp thị, hai mẹ con bà đã phải đi lang thang khắp chốn để rao bán và giới thiệu từng toa thuốc. Thậm chí về giá cả, đôi khi chỉ cần lấy chút lãi nhỏ, để làm lộ phí mà thôi. Hành trang lận đận đường dài. Bữa đói bữa no.

Hôm nào bán được hết thuốc là mừng lắm. Bõ công cả nhà đi hái thuốc trên núi. Mẹ bà là cụ Dương Thị Cao cũng là một lương y, giờ đã sống hơn trăm tuổi, nhưng vẫn thuộc từng bài thuốc. Cụ nói, hàng chục năm nay nguồn thuốc cạn kiệt lắm rồi, nhiều nhà đã phải đi tận Tuyên Quang, Yên Bái để tìm cây thuốc. Bà Thanh có một vườn thuốc tự trồng, nhưng cũng chỉ áng chừng được một trăm loại, còn lại đều phải thu mua nếu không lên núi hái được.

Nói khó là thế, nhưng bà Thanh xởi lởi, ánh mắt tràn niềm vui, bởi giờ đây cả nước đã biết đến và tin cậy ở những kết quả của những thang thuốc người Dao. Nhiều người đã đặt hàng. Có đơn vị đã nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn để sản xuất những bài thuốc độc đáo của người Dao ở đây.

09-02-36_trng-20
 

Đặc biệt là Viện dược liệu Việt Nam đã lập dự án thực hiện đề tài “Cây thuốc người Dao Ba Vì”. Sau hai mươi năm nghiên cứu thành công, tiến sĩ Trần Văn Ơn, chủ biên đã cho xuất bản được cuốn sách thuốc này. Đây là quả là một công trình mới lạ, nếu không nói là duy nhất chỉ người Dao quần chẹt ở Ba Vì mới có. Đồng thời, vừa qua thôn Yên Sơn, một trong ba thôn của xã được Thành phố Hà Nội chứng nhận là làng nghề thuốc Nam của người Dao.
 

Con đường mới và ngôi trường mới

Chuyến đi về sơn trại người Dao xã Ba Vì lần này, tôi bỗng có cái duyên được đi trên một con đường mới đang làm từ thôn Hợp Nhất thông sang thôn Hợp Sơn. Cậu bé Triệu Văn Nghĩa học sinh lớp tiểu học còn khoe, người ta đang làm thêm con đường phía bên phải thôn lên sườn núi cao dẫn tới khu nhà du lịch hay bể bơi gì đó.

Tôi định đi lên nhưng đá dăm còn trơn trượt vì cơn mưa tối hôm trước, thế là đành quay lại đi qua con đường mới làm còn dang dở. Bùn vẫn còn đoạn lầy, nhưng với niềm vui thôn dã của hàng trăm hộ người Dao ở đây đó là con đường đổi mới mà họ đã chờ đợi gần nửa thế kỷ, kể từ ngày rời xuống chân núi sinh sống.

Nắng đã hừng lên, mây nhè nhẹ tan đi, mang theo hơi gió lành lạnh. Mấy đứa trẻ thích thú và nô đùa bên con đường mới. Nụ cười trẻ thơ bật sáng bên những tảng đá hộc làm tôi liên tưởng đến bài thơ: “Lời đá tảng” của một thi nhân, vẽ lên hình ảnh một tảng đá mồ côi, lạnh lùng bỗng run rẩy ứa lệ vì niềm vui và tiếng cười trẻ thơ. Ấy thế rồi có cô gái xinh xắn, từ đầu con dốc bên kia sườn núi hát gọi bạn tình.

Lời ca “Páo dung” bảng lảng bay theo làn gió, dịu dàng cất lên. Phía xa, những bông hoa gạo cuối cùng như những búp nắng bập bùng cháy đỏ. Trước mắt tôi là một ngôi trường nhỏ, mới được xây trên đồi cao, cạnh con đường đang mở; như một lời chào, lời hẹn của Ba Vì trong tiếng kèn Pí lè lảnh lót ngân vang.

(Kiến thức gia đình số 9)

Xem thêm
Chánh văn phòng Bộ TN-MT làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ

Ông Phạm Tân Tuyến, Chánh Văn phòng Bộ TN-MT được điều động, bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ TN-MT).

Cây bưởi góp phần xây dựng nông thôn mới ở Thượng Mỗ

Cách đây 30 năm một số nông dân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội đã tiên phong trong việc mang giống bưởi Diễn về trồng thử ở quê mình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

200 hộ dân bị cô lập do ngập cầu tràn

Sự cố ngầm tràn bị ngập do mưa lớn khiến 200 hộ dân bị cô lập, chính quyền địa phương đã cử người túc trực, không để dân qua lại nhằm đảm bảo an toàn.