Đẩy mạnh tự chủ, trong đó có tự chủ về tài chính đối với các cơ sở GD-ĐT là xu thế tất yếu trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Do đó, các cơ sở đào tạo đang tập trung đổi mới tư duy theo hướng mở, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo, nhằm khai thác tốt cơ sở vật chất.
Đổi mới tư duy mở để nâng cao chất lượng đào tạo
Việc đẩy mạnh tự chủ, trong đó có tự chủ về tài chính đối với các cơ sở GD-ĐT là xu thế tất yếu trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Do đó, các cơ sở đào tạo đang tập trung đổi mới tư duy theo hướng mở, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo, nhằm khai thác tốt cơ sở vật chất.
Với mục tiêu đến năm 2025 tỉ lệ lao động thông qua đào tạo đạt 70% và phải có bằng cấp, chứng chỉ từ 28 đến 30%, thì các cơ sở đào tạo cần phải đổi mới, đổi mới tư duy nhận thức, thích ứng với sự thay đổi, yêu cầu về tự chủ nhanh nhạy sáng tạo; đồng thời tìm các giải pháp tốt nhất nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành NN-PTNT.
Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra tình trạng mất cân đối giữa các ngành, nghề đào tạo, thậm chí có nghề không tuyển sinh được; tỷ lệ học sinh, sinh viên học tại Trường ít, chủ yếu đào tạo tại các trung tâm liên kết và hệ trung cấp. Nhất là tuyển sinh đại học vào các ngành truyền thống bị suy giảm nên thiếu hụt nguồn nhân lực nông nghiệp có trình độ đại học và sau đại học.
PV Ông NGUYỄN TIẾN HUYỀN, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ: Cái khó khăn của chúng tôi hiện nay chính là cái việc mà cái thu hút người học đến với cái ngành nông nghiệp, các ngành nghề nông nghiệp đó là cái việc nó khá là khó. Bởi vì cái định hướng chung của đất nước là phát triển công nghiệp. Do vậy, cái nhu cầu để các em tham gia học nông nghiệp thì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà trong đó chúng tôi cũng tăng cường công tác quảng bá để tạo cái sự yêu thích ngành nghề đối với nông nghiệp của các em học sinh để thu hút các em vào học trong nhà trường.
Là đơn vị duy nhất của Bộ NN-PTNT thực hiện tự chủ ở nhóm hai và một phần tự chủ về chi thường xuyên đạt 100%, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đơn vị đầu tiên trong khối nông lâm ngư thực hiện thí điểm tự chủ đại học nên có nhiều kinh nghiệm tự chủ, đã được đưa vào trong Luật giáo dục đại học để sửa đổi và nhân rộng.
PV GS.TS NGUYỄN THỊ LAN, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: “Sau khi thí điểm tự chủ chúng tôi thấy rằng đội ngũ cán bộ đã trưởng thành hơn, năng động hơn, sáng tạo hơn và có tư duy về kinh tế nông nghiệp tốt hơn. Mỗi cá nhân đều ý thức được rằng việc tự chủ là rất quan trọng, chúng tôi đang hướng tới việc làm thế nào để gắn tinh thần tự chủ vào trong nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo nhằm đạt hiệu quả cao nhất”.
Để thực hiện tốt vấn đề tự chủ, có đơn vị đã tập trung huy động các nguồn lực từ bên ngoài, kể cả từ quốc tế để tạo ra sự đổi mới tốt hơn nữa trong lĩnh vực đào tạo, thu hút tuyển sinh và thu hút các nguồn đầu tư cho nhà trường.
GS.TS.NDƯT PHẠM VĂN ĐIỂN, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp khẳng định:“Trường Đại học Lâm nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng huy động các nguồn lực từ bên ngoài trường, kể cả từ quốc tế để tạo ra sự đổi mới tốt hơn nữa trong lĩnh vực đào tạo thu hút tuyển sinh và thu hút các nguồn đầu tư cho việc tự chủ toàn phần vào năm 2026”.
PV TIẾN SĨ NGUYỄN VĂN CHƯƠNG, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ giới Thủy lợi: “Hiện nay chúng tôi đang tự chủ, cái chi thường xuyên tới 67% cũng là một trong những cái mức tự chủ lớn nhất của Bộ đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề nghiệp thuộc Bộ thì chúng tôi có những cái tiêu chí đó là sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy cho nó linh hoạt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chương trình đào tạo chất lượng tuyển đầu vào cũng như chất lượng đầu ra, làm sao cả đầu vào và đầu ra phải hài hòa phù hợp với nhu cầu phát triển cũng là nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp đang cần”.
Hiện nay việc đẩy mạnh tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo là xu thế tất yếu trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Tự chủ cho phép các trường ra quyết định nhanh hơn, năng động hơn, từ đó thúc đẩy đổi mới, sáng tạo là yếu tố quyết định tới việc nâng cao chất lượng và lợi thế cạnh tranh của các trường. Giao quyền tự chủ là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.