Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, cháy rừng có nguy cơ lan rộng, bà con và các lực lượng chức năng của Sơn La đang rất tập trung triển khai loạt giải pháp ngăn chặn 'giặc lửa'.
MC: Thưa quý vị và bà con! Theo trang thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm, từ đầu năm đến nay, tỉnh Sơn La có hơn 1.300 điểm cháy, xảy ra ở tất cả 12 huyện, thành phố. Qua kiểm tra thực tế, đa số các điểm cháy này không nằm trong diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp, chỉ có 13 vụ cháy lan vào diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, hiện tượng cháy rừng có nguy cơ lan rộng, bà con và các lực lượng chức năng của Sơn La đang rất tập trung triển khai các giải pháp ngăn chặn giặc lửa.
Những ngày cuối tháng 3, trên các khu vực làm nương rẫy gần rừng ở bản Tin Tiến, xã Yên Hưng của huyện Sông Mã, bà con đang tập trung phát dọn thực bì để canh tác mùa vụ năm 2024. Các thành viên tổ quản lý bảo vệ rừng của bản thường xuyên túc trực, nhắc nhở người dân không phát vén vào rừng, hướng dẫn đốt nương, sử dụng lửa đúng giờ quy định, tránh thời điểm trưa nắng nóng, nhiệt độ trong ngày tăng cao, gió lớn và yêu cầu phải làm đường băng cản lửa, có người canh phòng lửa cháy lan.
Ông HỜ A DẠ
Trưởng bản Tin Tiến, xã Yên Hưng, Sông Mã, SơnLa
Bản có hơn 100 ha rừng, được giao đến các hộ, nhóm hộ quản lý. Thành lập tổ quản lý bảo vệ rừng với 10 thành viên, thường xuyên tuần tra rừng, nhất là các khu vực rừng giáp ranh. Đồng thời, bản đưa nội dung quản lý bảo vệ rừng và PCCCR (phòng cháy, chữa cháy rừng) vào quy ước, hương ước của bản để bà con thống nhất thực hiện; tổ chức ký cam kết giữa các hộ dân với trưởng bản về bảo vệ rừng và PCCCR.
Huyện Sông Mã có hơn 67.000 ha rừng, trong đó, gần 9.000 ha rừng đặc dụng, hơn 27.700 ha rừng phòng hộ, 27.400 ha rừng sản xuất. Với phương châm “Phòng là chính, chữa cháy khẩn trương, kịp thời và hiệu quả”, ngay từ đầu mùa khô, lực lượng kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng. Thành lập ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững của huyện. Phân công các thành viên Ban chỉ huy phụ trách các xã, thị trấn, sẵn sàng các phương án để kịp thời xử lý khi có cháy rừng xảy ra.
Ông VŨ VĂN HẢI
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sông Mã, Sơn La
Kiểm lâm địa bàn xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, xác định được các vị trí có thể cháy cao sẽ khoang vùng, tuyên truyền nhân dân đề cao cảnh giác. Khi có cháy rừng xảy ra sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng để giảm thiểu cháy rừng xảy ra trên địa bàn.
….Trôi hình khoảng 5-7 giây
Nằm trong lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, để đi tới khu vực rừng cộng đồng của Bản Kẻ, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La phải mất hơn 1 tiếng đi bộ. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, nguy cơ cháy rừng thường xuyên xảy ra, bà con nhân dân trong bản đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm địa bàn, tổ chức phát dọn thảm thực bì làm đường băng cản lửa, hạn chế đến mức tối đa xảy ra cháy rừng trên địa bàn.
Ông LÒ VĂN LUẤN
Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Kẻ, xã Ngọc Chiến, Mường La, Sơn La
Về công tác tuyên truyền và về rừng mùa khô hanh thì với chức trách của Bí thư, trưởng bản tuyên truyền cho bà con nhân dân được hiểu biết mà phối hợp với kiểm lâm Bảo tồn để xuống tuyên truyền cho bà con mùa khô hanh thì triệt để không cho bà con đốt nương những ngày nắng nóng, Trời nắng nóng bây giờ là nó cũng đang cấp độ 5 cấp độ 4 thì là bà con sẽ có ý thức nghe tuyên truyền của bản.
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Mường La nằm ở sườn Đông Nam của dãy Hoàng Liên Sơn với tổng diện tích tự nhiên hơn 15.800ha, trong đó có trên 9.000 ha vùng lõi. Đây là khu vực có hệ sinh thái động thực vật đa dạng, nhiều loài nằm trong sách đỏ. Chính vì vậy việc quản lý bảo vệ rừng luôn được các lực lượng chức năng đặt biệt quan tâm. Trong đó tập trung công tác dự báo, cảnh báo, theo dõi kịp thời các diễn biến rừng qua các phần mềm hỗ trợ để chủ động các giải pháp khi có tình huống xấu xảy ra.
Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc 2023, Sơn La có gần 670.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,5%. Trước bối cảnh lực lượng mỏng, địa bàn rộng, ngành kiểm lâm đã đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác theo dõi rừng, qua đó, phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.
Ông HOÀNG VĂN KÝ
Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn, Sơn La
Trước đây thì có thể lâu mới phát hiện nhưng bây giờ nhờ công nghệ thông tin mà chúng tôi đã phát hiện sớm hơn rất nhiều, có khi là người ta mới vi phạm, chúng tôi đã phát hiện được. Thứ 2 là liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, việc khi có đám cháy rừng xảy ra việc ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi điểm cháy qua vệ tinh, đặt biệt là sau khi đám cháy xảy ra, chúng tôi sự dụng flycam theo dõi các đám cháy để có biện pháp khống chế phù hợp.
Theo cảnh báo của trang quản lý cháy rừng, mất rừng và khai thác thông tin của Cục Kiểm Lâm, từ đầu năm đến nay Sơn La đã xảy ra gần 3.900 điểm cháy. Tất cả đều được phát hiện kịp thời qua các phần mềm công nghệ thông tin. Qua đó, kịp thời xử lý không để cháy rừng lan ra diện rộng.
Ông NGUYỄN HUY TUẤN
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La
Thực hiện tốt công tác chuyển đổi số ứng dụng chuyển đổi số trong lâm nghiệp đặc biệt đó là công tác theo dõi diễn biến biến động rừng và đất lâm nghiệp để kịp thời phát hiện những cái điểm biến động lực tăng cũng như là biến động rừng, để làm sao mà phấn đấu đạt được cái độ che phủ rừng trên địa bàn tán tỉnh năm 2024 đạt 48%.
Toàn tỉnh Sơn La cũng đã xảy ra 6 vụ cháy rừng ở các huyện Bắc Yên, Mai Sơn, Mường La thành phố Sơn La, gây thiệt hại đến 46,84 ha rừng, trong đó có cả rừng tự nhiên. Nguyên nhân gây cháy là nền nhiệt độ cao, lượng mưa thấp, bên cạnh đó, một số chủ rừng vẫn chưa thực hiện nghiêm việc sử dụng lửa trong rừng.
Ông HÀ NHƯ HUỆ
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La
Hiện nay thì tập trung vào các cái giải pháp trước hết là tuyên truyền. Thứ hai là kiện toàn các cái tổ đội về quản lý bảo vệ rừng và tiếp tục dùng các nguồn vốn như là tiền dịch vụ môi trường rừng để trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy, cũng như các dụng cụ để đảm bảo chủ động trong việc huy động phương tiện, các điều kiện với phương châm 4 tại chỗ để chúng ta triển khai không bị bất ngờ cũng như là khi có các tình huống xảy ra thì chúng ta sẽ chủ động để ứng phó và kịp thời khắc phục.
Mùa nắng nóng sắp đến, ngoài sự chủ động của các lực lượng chức năng, thì các chủ rừng, những người sống gần rừng cũng cần nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác, hạn chế tối đa sử dụng lửa rừng, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra trên địa bàn.
MC: Thưa quý vị và bà con! Trong điều kiện thời tiết như hiện nay, không chỉ Sơn La mà ở tất cả những tỉnh thành có rừng đều có thể xảy ra cháy vào bất cứ thời điểm nào. Do đó, các địa phương cũng cần tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, chính quyền địa phương cùng với chủ rừng và người dân theo phương châm "bảo vệ rừng tại gốc".