Những năm gần đây, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã trở thành 'bệ phóng', nâng tầm giá trị những sản phẩm đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân và đưa các sản phẩm này đến với đông đảo người tiêu dùng trên cả nước.
Chào mừng quý vị và bà con quay trở lại với Nongnghiep TV. Thưa quý vị và bà con!
Mang Yang không chỉ được biết đến vùng đất với thiên nhiên trù phú và văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, nơi đây còn là “thủ phủ” của nhiều nông sản đặc trưng. Những năm gần đây, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã trở thành “bệ phóng”, nâng tầm giá trị những sản phẩm đặc trưng, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân và từng bước đưa đặc sản Mang Yang đến gần hơn với người tiêu dùng.
Dù nằm ở vùng sâu, vùng xa, nhưng nhờ lợi thế khí hậu và thổ nhưỡng, HTX Nông lâm nghiệp - Dịch vụ Toàn Diện (thôn Ar Bờ Tôk, xã Đê Ar, huyện Mang Yang) đã mạnh dạn triển khai trồng 10ha cây đu đủ đực lấy hoa và 5ha mướp đắng rừng, tạo nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng cao. Từ đây, các sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao “made in Toàn Diện” ra đời, mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên như: Sản phẩm đu đủ đực, mướp đắng rừng sấy khô; bông đu đủ ngâm mật ong, măng le sấy khô… Hiện các sản phẩm của HTX đã có mặt tại hầu hết các thị trường lớn trong và ngoài tỉnh.
Phỏng vấn: Anh Lê Sỹ Diện, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp – Dịch vụ Toàn Diện (xã Đê Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai):
Mỗi lần được các Sở, ban, ngành hỗ trợ đi xúc tiến thương mại, thì qua mỗi lần tiếp xúc với khách hàng sử dụng quen với sản phẩm của HTX đều rất ưa chuộng và đánh giá tích cực. Phó Thủ tướng Nguyễn Hoà Bình cũng đã đến tham quan gian hàng OCOP của Gia Lai và đánh giá rất là cao, đặc biệt quan tâm đến những sản phẩm đặc trưng vùng miền, OCOP của Gia Lai, nhất là sản phẩm khổ qua rừng sấy – Hoa đu đủ đực sấy của HTX thì Phó Thủ tướng rất quan tâm.
Không dừng lại ở HTX Nông lâm nghiệp - Dịch vụ Toàn Diện, chương trình OCOP còn lan toả mạnh mẽ, hỗ trợ cho nhiều HTX vùng sâu, cùng xa và hộ kinh doanh khác tại huyện Mang Yang phát triển sản phẩm đặc trưng. Trong đó, HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Đăk Trôi (xã Đăk Trôi, huyện Mang Yang) là một ví dụ. Gạo Ba Chăm của HTX đã được ghi danh vào bản đồ OCOP 3 sao cấp tỉnh, chinh phục khẩu vị người tiêu dùng trong cả nước.
Anh Nguyễn Văn Lân, Giám đốc HTX Nông, lâm nghiệp – Dịch vụ Đăk Trôi (xã Đăk Trôi, huyện Mang Yang, Gia Lai).
Hiện Gạo Ba Chăm đã đạt được OCOP 3 sao và thị trường tiêu thụ của sản phẩm đã đi khắp cả nước, nhất là thị trường Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng và Gia Lai. Hầu hết các thị trường có mặt sản phẩm Gạo Ba Chăm đều được người tiêu dùng đón nhận. Trong thời gian tới, HTX cũng mong muốn các cơ quan chức năng, bà con nông dân và HTX liên kết với nhau để tìm ra thị trường lớn hơn, chất lượng hơn, để từ đó đưa sản phẩm Gạo Ba Chăm đến với người tiêu dùng ngày càng rộng hơn.
Huyện Mang Yang hiện có trên 20 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao và 4 sao như: Chanh dây sấy dẻo, bột gừng, tiêu đen hữu cơ, gạo tấm Ba chăm, nụ hoa hèo sấy khô, hạt điều rang muối, dứa rừng sấy khô… Đặc biệt, các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đang ngày càng được ưa chuộng.
Ông Võ Minh Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mang Yang:
Trong những năm qua, nhờ sự chỉ đạo của UBND huyện, cùng với sự tham mưu của phòng Nông nghiệp đã hướng dẫn cho bà con và HTX liên kết từ các vùng nguyên liệu để mà đưa các sản phẩm ra đánh giá, phân hạng đạt sản phẩm OCOP 3 sao trên địa bàn huyện. Ngành nông nghiệp chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện định hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng và bổ sung thêm các sản phẩm hơn nữa qua việc tạo sự liên kết giữa HTX với người dân.
Chính quyền huyện Mang Yang cũng thể hiện quyết tâm cao trong việc phát triển các sản phẩm OCOP, thông qua các chủ trương, chính sách và không ngừng đề ra các kế hoạch hỗ trợ, định hướng phát triển dài hạn cho các sản phẩm đặc trưng địa phương.
Ông Lê Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang:
Về lâu về dài, các sản phẩm đặc trưng của địa phương phải có thương hiệu, mà thương hiệu thì cần đạt được các quy chuẩn do các tổ chức uy tín đánh giá. Vừa qua, đối với các sản phẩm OCOP, chúng tôi đã làm được điều đó; còn đối với các sản phẩm địa phương thì vẫn cần phải tiếp tục được nâng cấp lên thành sản phẩm OCOP và được chứng nhận của các tổ chức liên quan đến chất lượng sản phẩm. Chúng tôi sẽ hỗ trợ cho bà con ổn định vùng nguyên liệu, đặc biệt là các sản phẩm, những nguyên liệu được thị trường tiêu thụ mạnh như là sản phẩm trái cây, sản phẩm dược liệu, là những sản phẩm mà chúng tôi ưu tiên đẩy mạnh, qua đó thúc đẩy bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng cây ăn quả và cây dược liệu theo định hướng của tỉnh. Để sản phẩm của Mang Yang thật sự ra thị trường quốc tế một cách bền vững, lâu dài thì đòi hỏi sự hỗ trợ của Sở Công Thương và các ban ngành của tỉnh; về phía địa phương, chúng tôi sẽ cố gắng động viên bà con xã viên phải chú ý đến chất lượng sản phẩm đảm bảo thị hiếu của quốc tế thì lúc đó chúng ta mới có thể cạnh tranh được với các sản phẩm của các địa phương khác.
- Quý vị và bà con thân mến!
Thành công của các sản phẩm đặc trưng gắn với thương hiệu OCOP có được là nhờ sự chung tay của người dân, HTX và đặc biệt là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương. Những tư vấn tiêu chuẩn kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, xúc tiến thương mại đến hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện, tất cả vì mục tiêu đưa sản phẩm OCOP Mang Yang bay cao – vươn xa và mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương.
Phóng sự của Báo Nông nghiệp Việt Nam xin được khép lại tại đây. Cảm ơn và hẹn gặp lại quý vị và bà con trong các chương trình sau.