Tại Hà Tĩnh, nơi chịu tác động của El Nino, lượng nước tích trữ tại các hồ đập đến thời điểm này hầu hết thấp hơn cùng kỳ nhiều năm, báo động một mùa hè khốc liệt với những cánh đồng nằm 'trơ gan cùng tuế nguyệt'.
Hà Tĩnh tích nước ở mức thấp, báo động một mùa hè khốc liệt
Cánh đồng lúa hơn 40 ha của thôn 4, 5, 6 xã Hương Thủy, huyện Hương Khê sau thu hoạch vụ xuân đang khô quắt, bạc trắng giữa những ngày nắng nóng 40 – 41 độ C là minh chứng rõ nét nhất về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện Hương Khê nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung.
Hơn ba năm qua, thời tiết thuận lợi nên mỗi năm người dân Hương Thủy canh tác hai vụ lúa trên cánh đồng này. Thế nhưng vụ hè thu năm nay, sau khi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cân đối nguồn nước tại các hồ chứa và lượng mưa dự báo sắp tới đã phải tính toán phương án chuyển đổi một số diện tích sang sản xuất cây trồng cạn như ngô, lạc, đậu để giảm thiểu nhu cầu dùng nước, hạn chế thiệt hại hạn hán có thể gây ra.
Theo ghi nhận, nắng nóng bắt đầu xuất hiện tại Hương Khê từ đầu tháng 4 đến nay. Nền nhiệt ở khu vực này thường cao hơn các huyện đồng bằng và TP Hà Tĩnh khoảng 1 đến 2 độ C, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và hoạt động sản xuất của người nông dân trên địa bàn.
Theo Báo cáo của Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, tính đến ngày 30/5, dung tích các hồ chứa lớn trên địa bàn toàn tỉnh chỉ đạt trung bình từ 60 – 70% dung tích thiết kế và đạt 70 – 80% so với cùng kỳ năm 2022.
Đơn cử như hồ Kẻ Gỗ. Đến thời điểm này, dung tích hồ chỉ đạt hơn 200 triệu m3 nước. Trong 4 tháng đầu năm gần như khu vực này không có mưa và dự báo từ nay đến cuối năm lượng mưa cũng giảm từ 20 – 30% so với lượng mưa bình quân nhiều năm do đó hạn hán là khó tránh khỏi.
Hơn nữa, dự báo ở thời điểm hạn khốc liệt, mỗi ngày hồ chứa này vừa phải tưới chống hạn khoảng 2 triệu m3/ngày vừa tạo nguồn cho các trục chính như kênh Xô Viết Nghệ Tĩnh, kênh Nhà Lê, Lạch sông Quèn để bơm chống hạn cho vùng cuối kênh nên nhiều khả năng cuối vụ hồ chứa sẽ cạn kiệt.
Ngoài ra, ở các địa phương miền núi như huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, vùng thượng huyện Đức Thọ, huyện Kỳ Anh, các vùng ven biển huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Nghi Xuân, thị xã Kỳ Anh, hầu hết nguồn nước sản xuất phụ thuộc vào hồ chứa nhỏ, đã xuống cấp nên năng lực tích nước và tưới chống hạn có hạn. Do đó, tình trạng nắng nóng kéo dài tại các địa phương này sẽ khốc liệt tương đương năm 2015 hoặc 2019.
Vụ hè thu năm 2023, hệ thống thủy lợi trên địa bàn Hà Tĩnh có nhiệm vụ cấp nước tưới cho gần 45 nghìn ha lúa. Tuy nhiên trong điều kiện thời tiết bất lợi hiện nay, dự báo có khoảng hơn 1.000 ha vùng cuối kênh, cao cưỡng sẽ bị hạn, thậm chí diện tích thiếu nước có thể tăng nếu nền nhiệt tiếp tục duy trì cao như hiện nay.
Không chỉ hạn đe dọa, nguy cơ mặn xâm nhập sớm cũng đang tiềm ẩn. Cụ thể, trung bình các năm trước mặn lên đến cống Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh) ở mức 12 phần nghìn nhưng năm nay dự báo thủy triều xuống thấp, mặn nhiều khả năng lên đến cống Đức Xá (huyện Đức Thọ), cách cống Trung Lương khoảng 8km, nên việc lấy nước tạo nguồn từ Sông La đổ về sông Nghèn không thực hiện được. Bắt buộc sử dụng nguồn nước ngàn trươi đổ về sông Nghèn để lấy nước tạo nguồn cho các trạm bơm tưới chống hạn các diện tích ở huyện Can Lộc, Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh.
Để chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị chính quyền các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả; tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.
Cơ quan chuyên môn, các tổ chức thủy lợi cơ sở kiểm kê, đánh giá sát nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa, công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, đập dâng, trạm bơm lấy nước trên sông, tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa phục vụ sản xuất vụ hè thu năm 2023.
Căn cứ vào tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước để điều chỉnh chuyển đổi sang cây trồng cạn. Quan điểm xuyên suốt, trước hết là ưu tiên nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt, chăm lo sức khỏe người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.
Ngoài ra, chủ đầu tư các dự án thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa dự án vào sử dụng, tuyệt đối không để thiếu nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, nhất là đối với vùng núi, vùng ven biển thừa xảy ra thiếu nước sinh hoạt khi hạn hán.