Các dự án ODA do Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk thực hiện những năm qua đã góp phần thay đổi cơ bản đời sống của đồng bào các dân tộc trong vùng nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.
Trong thời gian qua, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk được giao thực hiện 5 dự án ODA. Đây là các dự án do Bộ NN-PTNT chủ trì cùng một số tỉnh tham gia. So với các tỉnh trong khu vực, Đắk Lắk là địa phương được tham gia nhiều dự án và được phân bổ số vốn lớn nhất. Trong đó: 4 Dự án đã kết thúc hiện đang thực hiện các thủ tục quyết toán; 1 Dự án đang triển khai. Các dự án gồm: Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP); Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT); Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả; Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); Dự án Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây nguyên và Nam Trung bộ (SACCR) tỉnh Đắk Lắk. Các dự án đã mang lại lợi ích cho hàng trăm nghìn hộ dân tại Đắk Lắk trong những năm qua.
Phỏng vấn:Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk
Qua việc đầu tư của dự án đã có 100km đường nông thôn được bê tông hóa, khoảng 70km kênh mương được kiên cố hóa bằng bê tông, khoảng 30 công trình thủy lợi đầu mối được nâng cấp sửa chữa đảm bảo an toàn và phục vụ sản xuất tốt hơn, có khoảng 16.000 hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của quốc gia, bằng ¼ số hộ được sử dụng nước sạch sau bao nhiêu năm thực hiện chương trình nước sạch đến nay.
Để có được kết quả đó phải nói rằng là dự án ODA đã tranh thủ được nguồn vốn tập trung, hỗ trợ qua các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á. Ngoài tiền bạc, dự án ODA được tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ, được các nhà tài trợ cùng xây dựng mục tiêu, cùng giám sát để tổ chức thực hiện. Cho nên, những vùng được hưởng lợi từ dự án ODA thì đã thay đổi hẳn cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất, bộ mặt nông thôn đa số đã đáp ứng được các tiêu chí để các địa phương này trở thành các xã, các huyện về đích nông thôn mới.
Là đơn vị được hưởng lợi từ dự án VnSAT, HTX Ea Tân, huyện Krông Năng đã có sự thay đổi rõ rệt từ cơ sở hạ tầng, đường giao thông nội đồng đến phương thức canh tác theo hướng sản xuất cà phê bền vững. Đây là một trong 60 Tổ hợp tác, HTX được dự án VnSAT hỗ trợ trong giai đoạn 2015-2022.
Dự án VnSAT đã giúp 80.563 người hưởng lợi trực tiếp, vượt 34,3%. Các mục tiêu về Diện tích áp dụng quy trình canh tác, tái canh cà phê bền vững; Lợi nhuận cho nông dân trồng cà phê; Diện tích cà phê áp dụng các biện pháp kỹ thuật tưới nước tiết kiệm; Diện tích cà phê tái canh sử dụng giống xác nhận trong vùng dự án đề vượt xa so với kế hoạch đề ra. Thông qua hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của dự án, nông dân trồng cà phê trong vùng Dự án đã nâng cao năng suất cà phê bình quân từ 28,5 tạ/ha (năm 2015) lên 32,5 tạ/ha (năm 2021). Dự án VnSAT đã được Nhà tài trợ (Ngân hàng Thế giới) đánh giá là Dự án hình mẫu, thành công nhất từ trước tới nay trong hợp tác quốc tế về nông nghiệp, đồng thời giành được Giải thưởng Đồng đội Khu vực Đông Á năm 2023 (FY23 EAP Team Awards) của Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Phỏng vấn: Ông Nguyễn Trí Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Ea Tân
HTX Ea Tân tham gia dự án Vinasat từ năm 2018, đã được dự án Vinasat hỗ trợ từ nhà kho, sân phơi, các thiết bị chế biến cà phê chất lượng cao và hỗ trợ con đường vào khu sản xuất. Những hỗ trợ của dự án Vinasat đã mang lại lợi ích to lớn cho bà con nông dân cũng như HTX Ea Tân thuận tiện hơn trong thu hoạch, vận chuyển, sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cho hạt cà phê.
Từ những hỗ trợ của dự án Vinasat thì năm 2022, HTX Ea Tân đã đạt giải nhất của cuộc thi cà phê đặc sản của Việt Nam và xuất khẩu công cà phê đặc sản đầu tiên của Việt Nam sang thị trường châu Âu. Và sau đó một năm, năm 2023 HTX Ea Tân xuất khẩu thêm một công cà phê đặc sản sang thị trường Nhật Bản. Từ việc xuất khẩu qua các thị trường khó tính thì mang lại lợi ích về thu nhập cho bà con nông dân và HTX.
Còn dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập được triển khai từ 2016 - 2022, kéo dài đến 31/12/2023. Đây là dự án do Bộ NN-PTNT chủ trì, có 34 tỉnh thành tham gia sử dụng vốn vay của ngân hàng thế giới và vốn đối ứng trong nước có tổng mức đầu tư gần 500 triệu đô để sửa chữa 450 hồ chứa.
Hợp phần tại Đắk Lắk gồm 2 tiểu dự án: Thực hiện sửa chữa và nâng cao an toàn cho 19 hồ chứa trên địa bàn 10 huyện, thị xã. Đảm bảo năng lực phục vụ tưới ổn định cho 5.452,3 ha cây trồng. Đến nay, dự án đã có 93.003 người hưởng lợi trực tiếp; 145.697 người hưởng lợi ở vùng hạ du. Cùng với việc đầu tư, nâng cao an toàn cho các công trình theo tiêu chuẩn của ngân hàng thế giới. Cơ quan quản lý và người dân cũng được tận tay đào tạo, nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ nẵng để quản lý, vận hành công trình tốt hơn, ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp, nguy hiểm có thể xảy ra khi thiên tai bất thường.
Phỏng vấn: Ông Nguyễn Công Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV QLCT thủy lợi Đắk Lắk
Với dự án nâng cao an toàn đập thì Công ty được quan tâm, đầu tư cho 19 hạng mục, đây là những công trình có nguy cơ mất an toàn rất cao. Vì vậy, đối với dự án này đã giúp cho Công ty, thứ nhất là đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ, bảo vệ được tính mạng, tài sản của nhà nước cũng như nhân dân trong vùng hạ du đập.
Mặt khác, phục vụ phát huy hiệu quả tối đa của công trình, các công năng khai thác tổng hợp của công trình thủy lợi để phục vụ cho người dân với hơn 150.000 người dân hưởng lợi sau các công trình mà dự án đã đầu tư nhằm đảm bảo phục vụ tốt cho người dân, đảm bảo được an ninh lương thực cho tỉnh nhà nói riêng và cho chương trình an ninh lương thực toàn quốc nói chung.
Đối với Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, thực hiện trong giai đoạn từ 2016 – 2022, với 3 hợp phần: Cấp nước nông thôn; Vệ sinh nông thôn và Nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá.
Đến hết năm 2022, số hộ dân đấu nối được 16.722; Số xã đạt vệ sinh toàn là 33; Số hộ dân có hệ thống cấp nước bền vững sau hai năm sử dụng là 7.253 đấu nối. Tất cả đều vượt 100% kế hoạch ban đầu. Có 18 xã vệ sinh toàn xã bền vững đạt 120%, đạt kế hoạch toàn giai đoạn; Theo kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tỉnh Đắk Lắk là tỉnh đứng đầu trong 5 tỉnh Tây Nguyên và trong nhóm 5/21 tỉnh đã hoàn thành tất cả các chỉ số giải ngân từ năm 2021.
Việc tham gia thực hiện Chương trình đã góp phần tăng 16.722 hộ được sử dụng nước sạch (tương đương 4,2% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch); 154 công trình cấp nước và vệ sinh trường học và 67 trạm y tế được cải thiện chất lượng. Người dân nông thôn được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh giúp điều kiện vệ sinh được cải thiện, góp phần làm giảm tình trạng bệnh tật, tăng cường sức khỏe người dân. Về mặt xã hội, đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về nước sạch, nâng cao nếp sống văn hóa, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Ngoài ra, Chương trình đã tạo tiền đề để địa phương có thể nhân rộng mô hình đầu tư nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhất là đầu tư công trình cấp nước nông thôn.
Phỏng vấn: Ông Phạm Ngọc Bình, Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Đắk Lắk.
Qua việc được sử dụng nước sạch góp phần nâng cao điều kiện vệ sinh của người dân nông thôn, góp phần giảm bệnh tật liên quan đến nguồn nước và đặc biệt thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước sạch, thay đổi nếp sống gần với đô thị hơn, được tiếp cận các dịch vụ gần với đô thị và thay đổi nhận thức trong bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao điều kiện sống, cải thiện được nguồn sống của người dân nông thôn, thay đổi bộ mặt nông thôn.
Phỏng vấn: Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk
Trong khoảng 10 năm qua, Sở NN-PTNT Đắk Lắk được giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai 5 dựa án ODA trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đây là những dự án do Bộ NN-PTNT chủ trì và một số tỉnh cùng tham gia. Đối với Đắk Lắk thì 5 dự án đó đã được chủ động, xây dựng và triển khai rất là quyết liệt, chủ yếu trong các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xây dựng các mô hình canh tác, bền vững, hiệu quả; vấn đề hỗ trợ để chuyển đổi các mô hình sản xuất theo những liên kết hợp tác ở một số các hợp phần khác.
Có thể nói rằng là từ khi bắt đầu vào cuộc, xây dựng, triển khai, các dự án ODA nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Bộ NN-PTNT, từ các chuyên gia các nhà tài trợ nước ngoài, sự nỗ lực của tỉnh, của sở nên các dự án được triển khai nhanh chóng, mạnh mẽ, quyết liệt. Mặc dù có những khó khăn, phức tạp trong quá trình triển khai và cần sự nỗ lực vượt qua nhưng nhìn chung các dự án cũng đã hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của dự án đề ra. Nhiều dự án đã được Bộ NN-PTNT, nhà tài trợ đánh giá rất cao, là một trong những dự án có nhiều ý nghĩa và hoàn thành các mục tiêu hàng đầu trong các dự án ODA của cả nước.
Nhìn chung các dự án ODA tôi đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng, đóng góp rất tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp ở khu vực nông thôn ở Đắk Lắk trong thời gian qua. Chúng tôi cũng hi vọng trong thời gian tới, Trung ương và các nhà tài trợ tiếp tục quan tâm, đầu tư đến các dự án ODA trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trong thời gian tới.