Khám phá bè cá của ông Lý Văn Bon tại phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, nơi được xem là kho lưu giữ nhiều loài cá quý sông Mê Kông.
Khám phá nơi bảo tồn hàng trăm loài cá quý sông Mêkong
Mỗi khi đến với TP Cần Thơ, du khách không còn xa lạ với địa danh Cồn Sơn. Khai thác thế mạnh sông nước, vườn cây ăn trái, bà con nơi đây cùng tham gia vào HTX du lịch nông nghiệp hoạt động theo hình thức cộng đồng thu nhỏ.
Nông dân Lý Văn Bon, mọi người hay gọi với cái tên thân mật là ông Bảy Bon. Ông là một trong số ít nông dân phát triển kinh tế thành công khi kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch, lấy điểm nhấn là bè cá đặt trên sông Hậu. Từ người nuôi cá ít ai biết đến trên dòng sông Hậu, nhờ nhạy bén, ông vừa bán cá thương phẩm kết hợp cho khách đến tham quan, trải nghiệm và được nghe những câu chuyện thú vị về đặc tính, hình ảnh, tập quán sinh sống của các loại cá chỉ có ở miền Tây như: cá vồ đếm, cá tra dầu, cá bông lau, cá tra bần…
Du khách LÂM HẢI YẾN:“Em nghĩ đây là loại hình du lịch thú vị, tại vì ở đây mình được xem những loại cá mình chưa từng được thấy, hiếm khi được thấy trước đây. Bên cạnh đó mình còn được có những trải nghiệm như là massage cá, cho cá ăn, ăn thử chả cá ở đây nữa. Ấn tượng nhất ở đây là cách chú nói về mô hình của chú rất thú vị, ý nghĩa”.
Với diện tích 10.000m3 mặt nước, ngoài thả nuôi cá thác lác cườm để bán thương phẩm, ông Bảy Bon đang “nắm giữ” trong tay 15 loại cá quý hiếm như: cá tra dầu, cá tra cờ, cá hú, cá chốt chuột, cá trà sóc… trong đó có những loài có kích thước khủng, khiến du khách từ ngỡ ngàng đến thích thú khám phá.
Bên cạnh đó, với mong muốn bảo tồn các loại thủy sản tự nhiên, được sự khích lệ và ủng hộ từ phía chính quyền địa phương, ông Bảy Bon đã xây dựng khu bảo tồn đặt ngay giữa “rốn” các bè cá, để người dân không bắt được, cá tự nhiên cũng dễ dàng làm quen với môi trường xung quanh, thuận tiện cho việc nuôi dưỡng và bảo tồn.
Ông LÝ VĂN BON – Quận Bình Thủy, TP Cần Thơ:“Mình đến nuôi cá mình thấy trong môi trường bị mất đi nhiều con cá quý hiếm trên sông Mekong so với những bảng của Viện Nghiên cứu thủy sản, thì có nhiều con bị mất đi. Và mình thấy dân người ta bắt vô tội vạ, bắt nhiều những con cá lớn, cá nhỏ rồi bắt bằng điện, thuốc, chài, lưới nhiều thứ cho nên nhiều con bây giờ bị tuyệt chủng. Tôi có ý định bảo tồn những con đó để đời sau con cháu mình còn biết những con cá trên sông Mekong”.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày bè cá Bảy Bon tiếp đón khoảng 300 lượt khách. Vào những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ Tết, lượng khách có thể tăng gấp 2 - 3 lần. Du khách tìm đến Cồn Sơn vừa trải nghiệm và mua sản phẩm nông nghiệp, bà con trên cồn lại không tốn thêm chi phí vận chuyển hoặc thông qua thương lái để tiêu thụ sản phẩm. Điều này minh chứng, mô hình du lịch nông nghiệp tại Cồn Sơn đã tạo được kênh bán hàng và quảng bá du lịch hiệu quả.
Ông TRẦN XUÂN LỢI – Trường Thủy sản, Đại học Cần Thơ: “Nếu phát triển cộng đồng và cộng với pháp lý để bảo vệ tốt vùng này mình nhân rộng nhiều ở hết các cồn ở dọc sông Mekong thì tôi nghĩ là sẽ bảo vệ rất tốt nguồn lợi thủy sản, thay vì phải bỏ số tiền lớn để làm khu bảo tồn lớn, tốn nguồn nhân lực lớn và khó sử dụng đất thì mình sử dụng những cái nhỏ như vậy, vừa phát triển du lịch vừa nâng cao ý thức người dân”.
Thay vì tiếp tục mở rộng mô hình nuôi cá lồng bè trênsông Hậu này, nông dân Bảy Bon muốn giữ nguyên hiện trạng, nhường cơ hội cho bà con khác trong vùng cùng khai thác phát triển mô hình này. Ông dự kiến tạo thêm các dịch vụ trên bè cá để đa dạng sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Một người không phải thế mạnh mà là một tập thể, tạo sự đa dạng, phong phú cho du khách trải nghiệm, chính tư tưởng làm giàu và quan điểm sống này, đã giữ được sự hồn hậu, hào sảng rất riêng cho lão nông miền Tây.