Mekong bao dung. Mekong nghĩa tình. Mekong đã bồi đắp nên giá trị văn hóa, giá trị nhân văn, giá trị lịch sử của vùng đất đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng biến đổi khí hậu đang đặt ra quá nhiều thách thức muốn thử sức nỗ lực của con người.
Như một dòng trôi của lịch sử, MeKong phía cuối hạ nguồn cũng mang theo bao nhiêu câu chuyện ân tình nao nức lòng người. Đoàn làm phim báo NNVN đã đi theo nhịp điệu của Mekong lặng lẽ xuôi ra biển, mà nghe xôn xao tiếng gọi phù sa bất tận. Bởi lẽ, Mekong hùng vĩ khi vào lãnh thổ Việt Nam, không còn là một con sông đơn độc và lạnh lùng nữa, mà chia thành những nhánh rẽ uyển chuyển và những con nước đầy vơi.
Mekong phía cuối hạ nguồn, định vị một danh phận mới, gần gũi hơn và tha thiết hơn, đó là sông Cửu Long bạt ngàn thương nhớ.
Sau khi rời tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, dòng Mekong băng qua Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia, rồi chia hai nhánh hạ nguồn Mekong đổ vào lãnh thổ Việt Nam gọi là sông Tiền và sông Hậu.
Hai nhánh hạ nguồn Mekong với lưu lượng trầm tích vạn dặm thiên lý đã tạo nên một khu vực miền Tây Nam bộ trù phú. Sông Tiền và sông Hậu không chỉ chảy song song mà còn gắn kết nhau qua những con sông nhỏ, như sông Vàm Nao dài 17 km nối hai huyện Chợ Mới và Phú Tân của tỉnh An Giang.
Hai nhánh Mekong phân dòng ra biển qua chín cửa sông: cửa Đại, cửa Tiểu, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu, cửa Định An, cửa Trần Đề và cửa Ba Thắc. Chín cửa sông như chín con rồng vươn ra đại dương, được đặt tên là Cửu Long.