Sinh kế ngày một khó, dưới nước tôm cá ngày một cạn kiệt, lên bờ cũng không xong vì cảnh không đất, không nhà, không cách kiếm sống. Người Việt ở Biển Hồ còn một nỗi lo lớn hơn thế, phận tứ cố vô thân lại không giấy tờ tùy thân, xin đâu cũng bế tắc, khiến lắm người rơi cảnh phó mặc, hai - ba đời người rồi vẫn vậy.
Tiếp tục hành trình hạ nguồn MeKong, chúng tôi đã đến khu vực Biển Hồ. Tonle Sap theo tiếng Campuchia nghĩa là “con sông lớn”, còn Biển Hồ là cách gọi của người Việt Nam. Người Việt Nam gọi Biển Hồ với ý nghĩa một hồ nước rộng như biển, không thấy bến không thấy bờ.
Biển Hồ là một phần vô cùng đặc biệt của Sông MeKong tại Campuchia. Bởi lẽ, dòng Mekong sau cuộc hành trình chảy hết đất nước Lào, ở đoạn cuối đã chia thành nhiều nhánh tạo nên vùng đất lạ kỳ Si Phan Don với hơn 4.000 hòn đảo. Vào lãnh thổ Campuchia, cứ tưởng dòng Mê Kong sẽ xuôi theo hướng Đông Nam mà chảy, hóa ra thiên nhiên biến ảo ngoài sức tưởng tượng của con người. Khi đến chỗ gần Thủ đô Phnom Pênh con sông Mẹ bất ngờ đẻ ra dòng Tonle Sap rồi lấy nước của mình bơm ngược hơn 100 cây số để tạo ra Biển Hồ, một hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 1997.
Biển Hồ có diện tích mặt nước khoảng 16.000 km2 vào mùa mưa và có diện tích mặt nước khoảng 10 mk2 vào mùa khô. Biển Hồ góp phần điều tiết lượng nước ở vùng hạ lưu Sông MeKong, giảm bớt lũ lụt vào mùa mưa, và bù vào khoảng 50% lượng nước ở châu thổ Cửu Long là vào mùa khô.
Do có lịch sử cùng nhau quần cư ở hạ nguồn sông Mê Kong, nên một bộ phận người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã di chuyển đến tạm trú và mưu sinh ở khu vực Biển Hồ. Các tỉnh miền Tây Nam bộ quen gọi bà con lập nghiệp ở Biển Hồ là “dân Hồ Hải”.
Biển Hồ Tonle Sap có chu vi vắt qua 5 tỉnh của Campuchia là Pursat, Battambang, Siem Reap, Kampong Thom, Kampong Chhnang. Đoàn làm phim báo Nông Nghiệp VN vào Biển Hồ Tonle Sap từ hướng Siem Reap.
Người Việt đến Biển Hồ từ khi nào? Chưa có tài liệu chính xác nào đủ thuyết phục tất cả mọi người. Tác phẩm du ký đầu tiên của văn học quốc ngữ Việt Nam viết về Angko Wat và Angko Thom là cuốn “Đế Thiên Đế Thích” của Nguyễn Hiến Lê từ năm 1943, đã thấy nhắc đến người Việt ở Biển Hồ.
Theo số liệu từ các cơ quan chức năng ở Vương quốc Campuchia, dù thường xuyên thay đổi nhưng hiện nay có khoảng gần 8.000 hộ dân gốc Việt Nam đang sinh sống ở Biển hồ. Họ sống chủ yếu trên những ngôi nhà nổi, ven những cánh rừng ngập nước hoặc ở các khúc sông gần Tonle Sap. Quần tụ với nhau thành từng xóm, từng làng, lại có những nhóm người nay đây mai đó, theo mùa nước lên nước xuống, rải rác ở khắp mọi nơi.
Thế nhưng, trên sóng nước mênh mông của hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, những số phận người Việt tha hương cầu thực vẫn vô cùng bấp bênh.