Phân viện Chăn nuôi Nam bộ mới lai tạo thành công nguồn gen lợn cỏ Bình Thuận và Nhật Bản, phù hợp với định hướng sản phẩm đặc sản cho khu vực chăn nuôi trang trại và nông hộ.
Lai tạo thành công giống lợn cỏ đặc sản
Phân viện Chăn nuôi Nam bộ mới lai tạo thành công nguồn gen lợn cỏ Bình Thuận và Nhật Bản, phù hợp với định hướng sản phẩm đặc sản cho khu vực chăn nuôi trang trại và nông hộ.
Đây là 50 con lợn giống hạt nhân đầu tiên mà Phân viện Chăn nuôi Nam bộ vừa mới lai tạo và chăn nuôi nhằm bảo tồn nguồn gen bản địa. Trước đó vào đầu năm 2023, Bộ KHCN cùng Phân Viện chăn nuôi miền Nam thực hiện đề tài cấp Quốc gia nhằm bảo tồn giống lợn cỏ Bình Thuận.
Phỏng vấn ThS Nguyễn Văn Hợp - Phân viện Chăn nuôi Nam bộ: Đây là đề tài nghiên cứu cấp quốc gia. Chúng tôi kỳ vọng là bảo tồn được giống lợn quý ở Việt Nam. Sau đó chúng tôi sẽ sử dụng những loại gen này để tạo ra chất lượng thịt, đặc biệt tạo ra được những sản phẩm đặc sản cho các địa phương, khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ.
Giống lợn cỏ Bình Thuận được đánh giá là loài có khả năng thích nghi tốt, dễ nuôi, sinh sản và nuôi con tốt. Tuy nhiên, yếu điểm của loài lợn này là sinh trưởng khá chậm, khối lượng nhỏ, lưng võng và nhiều mỡ. Trong khi đó, mục tiêu của đề tài là chọn được giống lợn cỏ Bình Thuận có đặc điểm ngoại hình chuẩn, năng suất cao.
Phỏng vấn Ông Nguyễn Hữu Tỉnh - Giám đốc Phân viện Chăn nuôi Nam bộ: Để khắc phục cái này thì chúng tôi đã nhập 1 nguồn gen là lợn đen Nhật Bản, gọi là Kagoshima Berkshire. Giống này được giới thiệu là có chất lượng thịt ngon thứ 2 thế giới, chỉ sau giống lợn đen của Tây Ban Nha. Chúng tôi phải dùng giống lợn đó để lai với lợn cỏ.
Phỏng vấn ThS Nguyễn Văn Hợp - Phân viện Chăn nuôi Nam bộ: Bước đầu kết quả chúng tôi ghi nhận là cái năng suất nó tăng lên, đặc biệt là khối lượng cơ thể tăng lên. Thứ hai là tỉ lệ mỡ giảm xuống, nạc tăng lên. Ngoài ra, chất lượng và màu sắc của thịt tốt hơn và người tiêu dùng rất thích những loại thịt như thế này.
Hiện nay, chăn nuôi nông hộ tại các tỉnh khu vực phía Nam chiếm từ 5-10%. Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, chăn nuôi nông hộ phải có hướng đi đặc thù, cung cấp ra thị trường những loại động vật, gia cầm đặc sản. Với dòng lợn lai F1 từ lợn cỏBình Thuận và lợn đen Nhật Bản, có thể nuôi nhốt hoặc chăn thả sẽ phù hợp với định hướng sản phẩm đặc sản cho trang trại và nông hộ. Đặc biệt thức ăn của nó có thể sử dụng từ phế phụ phẩm nông nghiệp với nguồn nguyên liệu sẵn có từ các địa phương.
Sắp tới, Phân Viện chăn nuôi miền Nam sẽ chọn lọc qua các thế hệ, sau đó sẽ chuyển các giống bố mẹ ra các trại chăn nuôi và nông hộ tại Ninh Thuận và Bình Thuận để nhân rộng mô hình.