Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN-PTNT Hưng Yên) cho biết, toàn tỉnh có 1,2 triệu gà đẻ, bình quân mỗi tháng khai thác và cung ứng ra thị trường gần 10 triệu con giống lai 1/2 - 3/4 máu Đông Tảo. Hơn 30% trong số này được “khai sinh” thông qua thụ tinh (phối giống) nhân tạo.
Thụ tinh nhân tạo cho gà không còn là tiến bộ kỹ thuật mới, nhưng vẫn là công nghệ đột phá trong chăn nuôi gia cầm những năm gần đây và vẫn còn mang tính thời sự cao. Chỉ việc lấy tinh trùng từ gà trống, nhỏ vào lỗ huyệt gà mái, các nhà nông đã có thể lai tạo ra vô số đàn gà con mang đầy đủ đặc tính ưu tú của gà bố mẹ như mã đẹp, thể trọng lớn, khả năng chống chịu cao, ít dịch bệnh, nuôi mau lớn, tiêu tốn ít thức ăn. Đặc biệt, gà giống và gà thịt loại này luôn bán được giá rất cao.
Từ năm 2017, ông Nguyễn Tiến Thắng ở xã Bình Kiều (Khoái Châu, Hưng Yên) đã là người đầu tiên trong tỉnh nuôi gà trong nhà lạnh và phối giống nhân tạo thành công cho giống gà Đông Tảo của địa phương, mỗi năm sản xuất được gần 10 nghìn con gà Đông Tảo lai 3/4 máu, giá bán luôn cao gấp 2-3 lần gà giống không thụ tinh nhân tạo. Nhờ đó, mấy năm nay, ông Thắng đã mua được ô tô để đi lại và mở rộng giao thương.
Là tiến bộ công nghệ dễ áp dụng, mô hình phối giống gà nhân tạo của ông Thắng đã được Sở NN-PTNT Hưng Yên hỗ trợ, khuyến khích phát triển, cộng với cán bộ khuyến nông "cầm tay chỉ việc" cho bà con nên mô hình này đã nhanh chóng lan rộng ra khắp các địa phương.
Đến nay, hấu hết các trại gà sinh sản quy mô lớn của Hưng Yên đều đã áp dụng kỹ thuật phối giống nhân tạo cho gà. Không dừng lại ở đó, một số trang trại nuôi gia cầm trên địa bàn còn lấy tinh gà trống Đông Tảo phối cho gà mái lông màu Lương Phượng cho hiệu quả kinh tế rất cao như: Thời gian cho khai thác trứng kéo dài hơn (đạt gần 10 tháng), tỷ lệ gà đẻ đạt cao hơn (khoảng 60 - 70% tổng đàn). Đặc biệt sau mỗi chu kỳ đẻ, gà mái không ấp bóng như nhiều giống gà đẻ khác
Huyện Yên Mỹ là “vựa” sản xuất giống gà Đông Tảo lai lớn nhất tỉnh Hưng Yên. Tổng đàn gà nuôi sinh sản ở huyện này ước đạt 500 nghìn con (gần 200 nghìn gà đẻ và trên 300 nghìn con hậu bị bố mẹ), mỗi tháng nhà nông trong huyện khai thác được trên 60 nghìn con gà lai Đông Tảo từ 1 ngày tuổi trở lên. Hơn 30% số gà này được sinh thông qua phối giống nhân tạo, đảm bảo tỷ lệ lai đạt từ 3/4 máu Đông Tảo thuần trở lên.
Bà Trần Thị Len, thú y viên xã Yên Hoà (huyện Yên Mỹ) cho biết, toàn xã nuôi hơn 200 nghìn con gà Đông Tảo các loại. Trong đó có gần 120 nghìn gà đẻ, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo cho gà ước đạt gần 30%. Ông Vũ Văn Chỉnh, thú y viên xã Hoàn Long (huyện Yên Mỹ) cũng cho hay, xã này có 75 nghìn gà Đông Tảo đẻ, mỗi ngày sản xuất ra gần 20 nghìn con giống, tỷ lệ gà được phối giống nhân tạo khoảng 35%. Các loại gà này đang bán 20 nghìn/con giống 1 ngày tuổi, cao gấp 2 lần gà giống không thụ tinh nhân tạo.
Ông Nguyễnn Văn Tính ở xã Hoàn Long nuôi gà Đông Tảo đẻ và áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà từ năm 2017 so sánh: Trước đây, gà giống 1 ngày tuổi lai 3/4 máu Đông Tảo thuần có giá lên tới 100-150 nghìn đồng/con. Hiện giờ, cùng số tiền đó, người chăn nuôi có thể sở hữu được 5 - 7 con giống như vậy.
Đặc biệt, 6-7 năm về trước, chỉ các đại gia mới dám xuống tiền mua để chơi hoặc làm thịt thưởng thức những con gà Đông Tảo chân to gộc, da dày giòn, thịt dai đậm, trọng lượng lớn từ 5 - 5,5kg/con. Nhưng từ vài năm trở lại đây, mọi tầng lớp nhân dân đều đã có thể thoả mãn được thú ăn, chơi kể trên. Bởi công nghệ phối giống nhân tạo cho gà đã giúp hạ giá thành con giống, thúc đẩy mở rộng chăn nuôi giống gà đặc sản độc đáo này.
“Gà trống Đông Tảo thuần do thể trọng lớn, chân to và hơi ngắn nên rất khó nhảy đè lên gà mái để tự phối. Nếu có giao phối được cũng rất dễ làm vỡ các quả trứng còn đang trong bụng con mái. Vì vậy, thành công trong thụ tinh nhân tạo trên gia cầm đã giúp hồi sinh lại giống gà Đông Tảo đặc sản bản địa Hưng Yên”, ông Tính đánh giá.
Để nhân nuôi giống gà Đông Tảo đạt hiệu quả cao, yêu cầu nhà nông phải rất tâm huyết, đồng thời cần có nguồn vốn đầu tư lớn để xây dựng chuồng trại khép kín và phải biết nhận dạng, chọn lọc nguồn vật liệu khởi đầu (giống gà bố, mẹ Đông Tảo thuần). Đây cũng là vấn đề khó khăn trong việc đẩy nhanh kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho toàn bộ đàn gà Đông Tảo nuôi sinh sản trên địa bàn Hưng Yên hiện nay.