| Hotline: 0983.970.780

'Cởi trói' cơ giới hóa vùng Đồng bằng sông Hồng

Cánh đồng lớn mở đường cho cơ giới hóa

Thứ Hai 07/08/2023 , 14:10 (GMT+7)

Bên cạnh tiến bộ kỹ thuật, máy móc, thực tế cho thấy chỉ có tích tụ ruộng đất, tổ chức cánh đồng lớn mới có thể mở đường cho cơ giới hóa vào sản xuất.

Phương pháp gieo cấy ưu việt phải giảm được giống

Về việc lựa chọn phương pháp gieo cấy để mang lại hiệu quả và phù hợp nhất với hoạt động sản xuất lúa ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) đánh giá, chúng ta đang ở giai đoạn chuyển tiếp từ sản xuất bằng phương pháp thủ công sang áp dụng rộng rãi cơ giới hóa.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ về giải pháp thúc đẩy cơ giới hóa khâu gieo cấy tại ĐBSH. Ảnh: Trung Quân.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ về giải pháp thúc đẩy cơ giới hóa khâu gieo cấy tại ĐBSH. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Vì vậy, tại các tỉnh ĐBSH vẫn song song tồn tại nhiều hình thức gieo cấy. Mỗi hình thức có những ưu, nhược điểm khác nhau, được người dân sử dụng phù hợp với tập quán canh tác và điều kiện đồng đất ở từng khu vực. Do đó, việc đưa cơ giới hóa vào khâu gieo cấy nói riêng, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa nói chung phải tiến dần từng bước.

Thực tế sản xuất trên đồng ruộng cho thấy, trong các phương pháp gieo cấy, phương pháp sử dụng mạ khay - cấy máy được đánh giá là mang lại hiệu quả hơn cả. Bên cạnh việc hội tụ những ưu điểm như tiết kiệm công lao động, rút ngắn thời gian gieo cấy… của phương pháp gieo thẳng, sạ hàng, sạ cụm; cấy thưa, hạn chế sâu bệnh, tăng khả năng chống đổ… của phương pháp cấy tay thì cấy máy còn có ưu điểm nổi trội hơn cả là khả năng giảm giống. Theo thống kê, nếu sản xuất trên cùng 1ha thì khi sử dụng mạ khay - máy cấy có thể giảm ít nhất 10kg giống so với cấy tay, 20kg giống so với gieo thẳng bằng tay.

Bài liên quan

Đối với phương pháp sạ cụm, đây là phương pháp có nét tương đồng với phương pháp sử dụng mạ khay - cấy máy vì cùng áp dụng máy móc vào sản xuất. Phương pháp này không tốn diện tích làm mạ nhưng đòi hỏi kỹ thuật ngâm, ủ thóc rất nghiêm ngặt về độ nảy mầm để đảm bảo sự đồng đều về mật độ gieo khi máy hoạt động (nếu mầm, rễ mạ quá dài, khi máy hoạt động hạt thóc sẽ không lọt qua hố gieo).

Máy cấy đã được đưa vào sản xuất từ khá lâu ở ĐBSH, song đến nay tốc độ mở rộng sản xuất bằng phương pháp này vẫn còn rất chậm. Ảnh: Trung Quân.

Máy cấy đã được đưa vào sản xuất từ khá lâu ở ĐBSH, song đến nay tốc độ mở rộng sản xuất bằng phương pháp này vẫn còn rất chậm. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Bên cạnh đó, công tác làm đất và điều tiết nước trên ruộng cũng đòi hỏi phải luôn được chủ động. Điều này ở các tỉnh ĐBSH sẽ gặp nhiều khó khăn vì diện tích canh tác nhỏ chiếm đa số, trên cùng một vùng tồn tại nhiều hình thức cấy...

Về lượng giống, cấy máy và sạ cụm đều tiết kiệm giống (máy cấy chỉ sử dụng khoảng 40 - 50kg giống/ha, sạ cụm 40 - 70kg giống/ha). Đây là một điểm rất quan trọng vì khi lượng giống giảm sẽ kéo theo các loại vật tư khác giảm theo như phân bón, thuốc BVTV... Tuy vậy, với sạ cụm, sau khi sạ vẫn phải đợi từ 1 - 2 ngày để hạt thóc "đứng mũi chông" mới có thể đưa nước vào ruộng, đây là cơ hội để cỏ dại nảy mầm và phát triển, dẫn tới mật độ cỏ trên ruộng sẽ nhiều hơn.

Ngoài ra, khi sạ cụm, hạt thóc không có độ chìm sâu nên khả năng bám rễ của cây lúa sẽ kém hơn việc cấy bằng máy, dẫn tới khả năng chống đổ cũng sẽ kém hơn. Đồng thời, mật độ cấy thưa khi cấy bằng máy sẽ giúp ruộng lúa thông thoáng, triệt tiêu môi trường thuận lợi cho sâu bệnh phát triển, giảm chi phí thuốc BVTV và tăng năng suất.

Phương pháp mạ khay - cấy máy tốn ít lượng giống nhất trong các phương pháp cấy hiện nay. Ảnh: Trung Quân.

Phương pháp mạ khay - cấy máy tốn ít lượng giống nhất trong các phương pháp cấy hiện nay. Ảnh: Trung Quân.

Không có cánh đồng lớn, khó cơ giới hóa

Bài liên quan

Ông Hồng cũng cho rằng, ưu điểm của phương pháp cấy máy đã được chứng minh trên thực tế sản xuất. Tuy nhiên, để tháo gỡ những khó khăn và nhân rộng được phương pháp này thì các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) cần phải giải quyết được những “điểm nghẽn”.

Cụ thể, phải có diện tích sản xuất lớn, tạo thuận lợi cho máy móc hoạt động, phát huy tối đa được công suất (mỗi hộ có thể tự mình đầu tư một máy cấy nhưng với quy mô sản xuất nhỏ sẽ rất lãng phí). Để có được diện tích sản xuất lớn thì việc tích tụ, tập trung ruộng đất, hình thành các “đại điền” đang được nhiều nơi triển khai. Tuy nhiên, nhiều đại điền vẫn lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra khi mới chỉ đạt được thỏa thuận thuê đất bằng miệng với các hộ có ruộng.

Một ví dụ tại Nam Định, Công ty TNHH Cường Tân đã thuê lại diện tích hơn 200ha của nông dân để tổ chức sản xuất lúa, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến sau thu hoạch. Đồng thời, Công ty thuê luôn chủ đất đó làm công nhân cho đơn vị mình (nếu có nhu cầu). Như vậy, chủ ruộng vừa có tiền cho thuê đất vừa có công ăn việc làm, thu nhập. Từ đó, mối quan hệ giữa hai bên sẽ trở nên bền chặt hơn. Điều này minh chứng cho việc hoàn toàn có thể thuê đất của người dân một cách chặt chẽ, có tính pháp lý cao.

Đẩy nhanh áp dụng máy cấy vào sản xuất phải giải quyết nhiều khâu vướng mắc hiện nay. Ảnh: Trung Quân.

Đẩy nhanh áp dụng máy cấy vào sản xuất phải giải quyết nhiều khâu vướng mắc hiện nay. Ảnh: Trung Quân.

Yếu tố quan trọng nhất là hợp đồng thuê đất phải rõ ràng các nội dung để người dân không còn tâm lý sợ mất đất như: Thuê đất chỉ để sản xuất nông nghiệp, không phá vỡ hiện trạng đất, thời gian thuê, giá cả thuê, ràng buộc khi kết thúc hợp đồng, phá vỡ hợp đồng… Khi hai bên cùng nhau thỏa thuận, tường minh mọi vấn đề thì việc mời chính quyền địa phương làm đơn vị trung gian giám sát để đảm bảo việc thực thi hợp đồng được chuẩn chỉ sẽ trở nên thuận lợi hơn.

Một điểm mà các đơn vị cũng cần lưu ý là việc có diện tích sản xuất lớn ở đây không có nghĩa là phải bắt buộc tích tụ ruộng đất mà vận động nhiều hộ trong cùng một vùng, thửa thống nhất sử dụng chung phương pháp mạ khay - cấy máy.

Muốn làm được điều này, trước hết các đơn vị làm dịch vụ cần chuẩn chỉ trong hoạt động của mình từ việc đảm bảo chất lượng mạ, kỹ thuật vận hành máy, hỗ trợ người dân xử lý những vấn đề phát sinh sau cấy… Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức đoàn thể để từng bước thay đổi cách hiểu, thói quen canh tác truyền thống của người dân, chỉ rõ sự cần thiết phải áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Hiện nay, máy sạ cụm được xem là tích hợp nhiều ưu việt trong khâu gieo cấy lúa, song vẫn hạn chế khi áp dụng ở ĐBSH do quy mô thửa ruộng quá nhỏ. Ảnh: KT.

Hiện nay, máy sạ cụm được xem là tích hợp nhiều ưu việt trong khâu gieo cấy lúa, song vẫn hạn chế khi áp dụng ở ĐBSH do quy mô thửa ruộng quá nhỏ. Ảnh: KT.

Một cản trở khác mà nhiều đơn vị làm dịch vụ mạ khay - máy cấy gặp phải là giá thể và diện tích lớn để sản xuất mạ khay. Đối với giá thể, thực chất giá thể chỉ là phần để cây mạ sống nhờ phát triển. Trong thực tế, khi cây mạ đạt 2,5 - 3 lá đã được đưa vào cấy nên dinh dưỡng của cây mạ chủ yếu dựa vào dinh dưỡng dự trữ trong hạt, không phải sử dụng dinh dưỡng bên ngoài.

Hiện tại, nhiều đơn vị ở các tỉnh thành tìm về Thanh Hóa để lấy đất làm giá thể vì chất đất ở Thanh Hóa rất phù hợp để làm mạ khay, trong khi giá thành không quá cao. Vì vậy, vấn đề giá thể xét đến cùng cũng không quá lo ngại.

Ở một số tỉnh, hiện đã có đơn vị, cá nhân tự lấy đất ngay tại địa phương để làm giá thể mạ khay. Tuy nhiên, lưu ý là đất làm mạ khay không phải chỗ nào cũng có thể lấy được, vì chất đất phải đảm bảo không mang mầm bệnh, có chất độc hại, chưa nói đến khi sản xuất với số lượng nhiều, nếu lấy đất tự do sẽ liên quan tới công tác quản lý đất đai, thủy lợi của các đơn vị có thẩm quyền. Do đó, các đơn vị phải cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng khi muốn sử dụng đất tại chỗ để sản xuất giá thể.

Đối với diện tích sản xuất mạ khay đang gặp khó khăn do quỹ đất của các đơn vị có hạn, đa phần các đơn vị triển khai dịch vụ cấy máy đều chủ động làm mạ khay, việc hình thành các đơn vị sản xuất mạ khay chuyên nghiệp hầu như chưa có. Cho nên, không có gì bằng việc các đơn vị làm dịch vụ bám sát, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để chủ động xây dựng phương án hoạt động hiệu quả.

Quỹ đất để làm mạ khay hiện nay cũng đang là khâu mà nhiều đơn vị, HTX loay hoay mỗi khi vào vụ sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

Quỹ đất để làm mạ khay hiện nay cũng đang là khâu mà nhiều đơn vị, HTX loay hoay mỗi khi vào vụ sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

“Người làm dịch vụ mạ khay - cấy máy cần chủ động nắm bắt lịch thời vụ của địa phương, lên phương án ngay từ cuối vụ trước, thỏa thuận với những hộ có nhu cầu cấy máy ở vụ sau nhằm tận dụng diện tích ruộng của chính hộ đó để đặt mạ khay, chăm sóc. Điều này sẽ giúp đơn vị làm dịch vụ giảm được áp lực về diện tích chứa giá thể và đặt khay”, ông Hồng nêu giải pháp.

"Tiến tới chuyên nghiệp hóa khâu làm mạ khay nhằm tạo thuận lợi để gia tăng số máy và diện tích cấy lúa bằng máy là hướng đi rất khả quan, tuy nhiên cần có sự thống nhất về cơ cấu giống từ sớm để xây dựng phương án sản xuất. Bởi lẽ, một giàn máy gieo sau khi gieo xong một giống phải tiến hành vệ sinh máy để tránh lẫn giống, nếu số lượng đặt hàng quá ít sẽ tốn thêm thời gian và chi phí vận hành máy, điều này lại được tính vào giá thành khay mạ thì sẽ không kích thích được người dân sử dụng.

Do đó, cơ sở sản xuất mạ khay chuyên nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn nhà nước để nắm bắt khung thời vụ, cơ cấu giống. Từ đó, thống nhất với các hộ sử dụng những giống lúa nhất định, đảm bảo thuận lợi cho hoạt động", ông Hoàng Văn Hồng nêu quan điểm.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.