Biện pháp hạn chế lúa ma phát triển cần mang tính chất căn cơ, hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi phương thức canh tác từ gieo sạ sang cấy tay, mạ khay - cấy máy.
Trước tình hình lúa ma hay còn gọi là lúa cỏ xâm hại, gây thiệt hại tại nhiều tỉnh, tỉnh phía Bắc , Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc – Cục Bảo vệ thực vật tổ chức Hội thảo “Kỹ thuật phòng chống lúa cỏ các tỉnh phía Bắc”. Ông Nguyễn Qúy Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Ghi nhận những năm qua cho thấy, diện tích nhiễm lúa cỏ có mức độ gia tăng qua các vụ là vấn đề rất đáng quan ngại. Đặc biệt, khi các tỉnh phía Bắc đang bước vào vụ hè thu. Trước đó, trong vụ xuân 2022, diện tích nhiễm lúa ma gần 1.800ha, nhiễm nặng 453ha, mất trắng hơn 35ha. Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo, người dân chỉ sử dụng giống lúa đủ tiêu chuẩn chất lượng, hạn chế việc tự để giống qua các vụ, tuyệt đối không sử dụng lúa tự để giống ở những vùng đã bị lúa cỏ xâm nhiễm. Ngoài ra, bà con cần vệ sinh sạch máy gặt trước và sau khi gặt để hạn chế lúa cỏ lây nhiễm.
Các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ người dân ở những diện tích lúa nhiễm nặng phải tiêu hủy để nhanh chóng khôi phục sản xuất. Các đại biểu đều thống nhất rằng, để giải quyết triệt để lúa cỏ, không phải là việc có thể thực hiện trong “ngày một ngày hai” mà phải áp dụng các biện pháp mang tính liên tục, dài hơi. Với đặc điểm dễ rụng hạt, lúa ma dễ phát tán trên đồng ruộng, tồn tại sang các vụ tiếp theo. Hạt lúa có sức sống mạnh, sau khi rụng xuống nếu gặp điều kiện thuận lợi thì nẩy mầm luôn, nếu gặp bất lợi thì ngủ và duy trì sức nảy mầm trong vài năm. Năm 2021, diện tích canh tác bị nhiễm lúa cỏ tại các tỉnh phía Bắc hơn 1.300ha, nhiễm nặng 152ha, mất trắng 9,7ha.