Sóc Trăng tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho 526.000 con vật nuôi
Thứ Sáu 11/04/2025 , 08:01 (GMT+7)
Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh Sóc Trăng tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho 526.000 con vật nuôi, đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững.
Sóc Trăng tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho 526.000 con vật nuôi
MC: Thưa quý vị và các bạn! Dịch bệnh trên động vật không chỉ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe con người và nền kinh tế. Trước tình hình đó, tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Trước tình hình trên, cơ quan chuyên môn và người chăn nuôi tại tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp, chủ động kiểm soát dịch bệnh động vật trên địa bàn; nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Sau đây mời quý vị và các bạn cùng xem phóng sự do Báo Nông nghiệp và Môi trường thực hiện.
Là hộ có quy mô chăn nuôi gia cầm khá lớn ở khu vực ấp Nam Hải, xã Đại Hải, huyện Kế Sách với tổng đàn gà hơn 5.000 con; anh Phạm Văn Dân luôn tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về công tác phòng bệnh cúm gia cầm, đặc biệt là việc áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Chuồng nuôi được anh phân theo từng khu nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm khi đàn gia cầm không may mắc bệnh. Đồng thời, có thiết kế máng ăn, máng uống để tránh rơi, đổ; đảm bảo môi trường chăn nuôi luôn thông thoáng, sạch sẽ. Quá trình tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh cho đàn gà cũng được anh Dân chủ động liên hệ với nhân viên thú y địa phương theo đúng lịch tiêm phòng định kỳ.
Anh PHẠM VĂN DÂN - Ấp Nam Hải, xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng (Ở đây tôi thực hiện vệ sinh chuồng trại 1 tuần từ 1 đến 2 lần. Phải chăm sóc cho ăn thật kĩ, nước phải là nước sạch, thức ăn có chất lượng, đảm bảo hàm lượng Protein và khoáng chất, aixt amin để gà phát triển khỏe mạnh, nâng cao sức để kháng, tăng khả năng chống chịu với bệnh tật)
Bên cạnh ý thức chủ động của bà con chăn nuôi; để ngăn chặn hiệu quả nguồn bệnh động vật từ bên ngoài xâm nhập vào địa bàn; tại Trạm Kiểm dịch động vật Đại Hải – An Hiệp cũng bố trí lực lượng túc trực thường xuyên, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, giấy kiểm dịch an toàn dịch bệnh đối với động vật và sản phẩm thịt động vật được vận chuyển vào địa bàn. Đồng thời, thực hiện phun thuốc sát trùng, tiêu độc đối với tất cả các phương tiện.
Ông LÊ VĂN VẠN - Phó trưởng Trạm kiểm dịch động vật Đại Hải – An Hiệp, tỉnh Sóc Trăng (Sau khi được chỉ đạo, chúng tôi phân công anh em trực 24/24. Khi xe vào đến Trạm chúng tôi kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch, xem có còn hiệu lực hay không. Sau đó, kiểm tra sức khỏe đối với từng con gia súc, gia cầm xem coi có đúng với số lượng và chủng loại đã ghi trên giấy hay không,...)
Hiện nay, tổng đàn vật nuôi của tỉnh Sóc Trăng trên 526.000 con, trong đó đàn heo chiếm phần lớn với 470.000 con, đàn bò khoảng 54.000 con và đàn trâu khoảng 2.800 con. Đàn gia cầm của tỉnh đạt 7,792 triệu con. Để phòng ngừa dịch bệnh vật nuôi, từ đầu năm 2025 đến nay công tác kiểm soát dịch bệnh động vật tại tỉnh được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung là nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh nhiều lúc, nhiều nơi chưa được kiểm soát triệt để. Từ thực tế trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để chủ động ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm; nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh mới, đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững.
Ông LÂM MINH HOÀNG - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng : (Cụ thể ngành sẽ tập trung hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Tập huấn cho người chăn nuôi thường xuyên tổ chức tự tổ chức vệ sinh, tiêu độc môi trường chăn nuôi; đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.)
Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng được nhân rộng; ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật của người dân từng bước được nâng cao; công tác dập dịch được triển khai khẩn trương, kịp thời, tránh lây lan trên diện rộng. Tất cả là cơ sở để lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng. Tạo tiền đề quan trọng để thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, tiến đến hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
MC: Thưa quý vị! Công tác phòng chống dịch bệnh động vật không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe vật nuôi mà còn góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Với những giải pháp quyết liệt và sự chung tay của toàn xã hội, tin rằng Sóc Trăng sẽ tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian tới. Đến đây, phóng sự do Báo Nông nghiệp và Môi trường thực hiện xin phép được khép lại. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin kính chào và hẹn gặp lại!