Sóc Trăng đầu tư trên 67 tỷ đồng phát triển nông nghiệp hữu cơ
Thứ Sáu 11/04/2025 , 16:13 (GMT+7)
Sóc Trăng đầu tư trên 67 tỷ đồng triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, hướng đến sản xuất bền vững và nâng cao giá trị nông sản.
Sóc Trăng đầu tư trên 67 tỷ đồng phát triển nông nghiệp hữu cơ
MC: Thưa quý vị và các bạn. Mặc dù được xác định là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, nhưng cũng như nhiều tỉnh thành khác trong khu vực, sản xuất nông nghiệp tại Sóc Trăng hiện đang đứng trước những thách thức lớn về hàng rào kỹ thuật đối với nông sản nhập khẩu, nhất là những đòi hỏi gắt gao về tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Trước các thách thức đang đặt ra, tỉnh Sóc Trăng đã xác định những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực để định hướng phát triển sản xuất hữu cơ. Đến nay, các mô hình canh tác theo hướng hữu cơ và hữu cơ trên địa bàn tỉnh đã và đang mang đến những tín hiệu tích cực, góp phần thay đổi từ nhận thức đến hành động của bà con nông dân.
Nhằm thúc đẩy sản xuất hữu cơ, UBND tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện “Đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng”giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030. Với tổng kinh phí trên 67 tỷ 600 triệu đồng, đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích đất sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt trên 400 ha; trong đó, diện tích sản xuất hữu cơ được chứng nhận hữu cơ khoảng 370 ha. Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt hữu cơ có chứng nhận cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Theo nhiều chuyên gia, với việc xác định đối tượng sản xuất chủ lực cùng những giải pháp cụ thể được đề ra theo từng giai đoạn, đề án sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của tỉnh từ những lợi ích kép mang lại.
Phát biểu Tiến sĩ NGUYỄN CÔNG THÀNH - Viện trưởng, Viện nghiên cứu phát triển nông nghiệp hữu cơ Á Châu: (Đề án này rất có ý nghĩa, bởi vì qua các chính sách quan tâm của tỉnh và các ban, ngành sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết tiêu thụ sản phẩm hữu cơ cùng các hợp tác xã. Sóc Trăng đã có chứng nhận đầu tiên về lúa hữu cơ tại vùng tôm – lúa rồi, nên việc xây dựng đề án này sẽ góp phần nhân rộng ra trên cây lúa cũng như nhiều cây trồng đặc thù khác. Hy vọng rằng với sự xúc tác từ đề án này, phong trào sản xuất hữu cơ tại tỉnh Sóc Trăng sẽ ngày càng phát triển mạnh hơn)
Với sản lượng trung bình mỗi năm trên 800 tấn trái vú sữa, HTX nông nghiệp Quyết Thắng ở ấp Hòa Lộc 2, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng được sự hỗ trợ từ Đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh đã nâng cấp quy trình canh tác vú sữa lên hướng hữu cơ.
Từng thành viên được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật canh tác hữu cơ, ưu tiên bón phân hữu cơ cho cây trồng thay cho phân hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời tiến hành bao trái để tránh được các loại sâu hại tấn công. Việc tuân thủ đúng quy trình sản xuất sạch, an toàn đã góp phần “mở đường” để sản phẩm vú sữa của HTX có đầu ra ổn định hơn.
Phát biểu Ông NGUYỄN VĂN THIÊN - Giám đốc HTX nông nghiệp Quyết Thắng, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng: (Được lãnh đạo và Sở Nông nghiệp quan tâm, có hướng đàu tư và liên kết cho HTX tiêu thụ sản phẩm, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và mỗi năm có đề án làm vườn mẫu cho HTX)
Sau 3 năm triển khai, Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã hỗ trợ triển khai được 32 mô hình sản xuất hữu cơ trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh . Đề án đã khẳng định được tính hiệu quả thông qua các mô hình sản xuất thuộc phạm vi được triển khai; quan trọng là những chuyển biến tích cực từ nhận thức của người trực tiếp tham gia sản xuất.
Phát biểu Ông VƯƠNG QUỐC NAM - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: (Về phía tỉnh, chúng tôi rất hoanh nghênh sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp đến với Sóc Trăng để thực hiện các mô hình sản xuất hữu cơ. Về chính sách của tỉnh sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp trong điều kiện cho phép. Trước nhất là sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về vấn đề khuyến nông, khuyến ngư từ các nguồn kinh phí sự nghiệp theo quy định để xây dựng các mô hình cho nông dân sản xuất)
Chuyển từ phương thức sản xuất truyền thống sang quy trình canh tác hữu cơ không chỉ giúp người nông dân cải thiện đáng kể lợi nhuận kinh tế thông qua việc nâng tầm giá trị nông sản; mà còn góp phần quan trọng trong việc sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, sản xuất theo xu hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản phù hợp với lợi thế vùng, tiến đến xây dựng thương hiệu và đáp ứng nhu cầu thị trường.
MC: Thưa quý vị, nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Với sự quyết tâm của chính quyền địa phương và sự đồng lòng của bà con nông dân, Sóc Trăng đang từng bước khẳng định vị thế về phát triển nông nghiệp sạch. Cảm ơn quý vị đã theo dõi phóng sự. Xin kính chào và hẹn gặp lại!