Ngành nuôi trồng thủy sản tại Nghệ An đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là nghề nuôi tôm. Thua lỗ triền miên khiến nhiều hộ nuôi lâm vào cảnh nợ nần.
Môi trường ô nhiễm: Lực cản của nghề nuôi trồng thủy sản Tại Nghệ An tình hình thực sự bất lợi, số hộ nuôi tôm thành công rất hạn chế, trong khi phần đa càng nuôi càng lỗ. Đây là vấn nạn chung tại khắp các vùng biển của thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc.
Nhìn vào Công ty CP nuôi trồng thủy sản Trịnh Môn sẽ thấy rõ thực trạng. Thời hoàng kim, nhiều hộ dân được công ty giao khoán đất nuôi trồng thủy sản thắng lớn nhờ con tôm. Tuy nhiên càng về sau tình hình càng bi đát.
200 ha nuôi trồng của công ty Trịnh Môn và nhiều khu vực nuôi thủy sản khác tại địa bàn thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu đều lấy chung nguồn nước từ hệ thống sông Mai Giang. Những năm qua dòng sông bị bồi lấp nặng nề, bùn lầy, rác thải chất đống nhưng không được xử lý triệt để, tích tụ lâu dần càng làm gia tăng mức độ ô nhiễm. Thua lỗ triền miên, nhiều hộ gắng gượng không nổi đành bỏ nghề, hoặc treo đầm vô thời hạn. Không được đầu tư, nhiều vùng nuôi xuống cấp trầm trọng.
Tương tự là diễn biến tại HTX Hưng Hòa 2, thuộc xã Hưng Hòa, thành phố Vinh. Lúc đỉnh điểm vùng này có 120 ha nuôi trồng thủy sản, thu hút khoảng 300 hộ tham gia. Nay một phần nhường đất cho dự án, phần khác do làm ăn thua lỗ diện tích nuôi giảm đến 2/3, chỉ còn khoảng 40 ha nuôi.
Ông Đinh Quang Trung, Phó Giám đốc HTX Hưng Hòa 2, đồng thời là hộ nuôi tôm lâu năm thừa nhận khó khăn: "5 năm trở lại đây dịch bệnh xảy ra triền miên, gan tụy, đường ruột, phân trắng, hồng thân gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của các hộ nuôi tôm".
Môi trường nuôi bị xáo trộn nặng nề, dịch bệnh chuyển biến khó lường, chất lượng sản phẩm khó đảm bảo, sản lượng khai thác chưa được như kỳ vọng… đang tạo ra muôn vàn cho ngành thủy sản Nghệ An.
Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An gợi mở hướng đi trong thời gian tới: Ngành nông nghiệp đang tham mưu cho UBND tỉnh định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Nuôi tôm nước lợ ven biển cần chuyển giao công nghệ, tập trung nuôi nhiều giai đoạn để tăng năng suốt, sản lượng trên cùng đơn vị diện tích. Đối với nuôi nước ngọt, cùng với việc giữ vững diện tích các ao hồ nhỏ hiện có, cần phát triển nuôi lồng trên các hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Nghệ An đang có dư địa rất lớn để áp dụng theo cách này".
Nghề nuôi trồng thủy sản tại Nghệ An đang tồn tại nhiều nút thắt, từ định hướng của UBND tỉnh, ngành NN-PTNT người dân cần bám sát quy hoạch chung, vừa đảm bảo tính pháp lý lại hạn chế được mức độ rủi ro.