Phá cả nhà làm ao nuôi tôm thẻ chân trắng
Cán bộ Phạm Văn Định có vẻ già hơn so với tuổi 56. Là công chức được giao quản việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phường Hải Thanh (Thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) nên nhất cử nhất động của người nuôi tôm, ông đều nắm trong lòng bàn tay.
Nói về con tôm thẻ chân trắng, ông Định nửa muốn kể, nửa không, bởi khi nhắc đến chuyện này, ký ức dội về trong đầu ông toàn chuyện không vui. “Cách đây vài năm, dân phố nghe phong phanh có hộ nuôi ở phường trúng đậm vụ tôm thẻ chân trắng, nên rủ nhau làm ao, thả tôm. Sau gần 5 năm, toàn phường đã có 73 hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng nay giảm còn 50 hộ vì làm ăn thua lỗ. Có năm người dân bỏ ao tôm tới hơn một nửa”, ông Định kể.
Kể cũng lạ, Hải Thanh là phường giáp biển, ngõ phố chật ních như nêm, lấy đâu ra đất nuôi trồng thủy sản? Tôi đinh ninh trong đầu nên buột miệng hỏi ông Định. Cán bộ Định có vẻ đau đáu chuyện này, nhưng khá cởi mở trước phân vân của tôi.
“Vài năm trước, khu vực biển Hải Thanh tự nhiên ít cá, người dân phải đổi nghề để kiếm sống. Nhiều người đã tận dụng diện tích đất ở để làm ao nuôi tôm, kiếm thu nhập. Được cái tiện ở chỗ, dân chỉ cần bơm trực tiếp nước biển lên bể bê tông là thành ao nuôi. Nói vậy thôi, chứ nghề này cũng bấp bênh! Đa phần các hộ nuôi đều thất bát chứ ít khi có lãi lắm!", ông Định chia sẻ.
Phường đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát, rồi năm nào cũng nhắc nhở nhưng bà con không nghe. Có hộ bị phạt còn không có tiền nộp vì làm ăn thua lỗ. Nhưng hễ nghe thấy ai trúng vụ tôm là họ lại bàn nhau tái đầu tư mặc dù vụ trước lỗ chổng vó”.
Ngồi kế bên, ông Hồ Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND phường Hải Thanh có vẻ là người am hiểu nuôi tôm thẻ chân trắng nên tiếp lời: “Lẽ ra khi bơm nước từ biển lên, người dân phải xử lý độ mặn cho phù hợp rồi mới đưa vào ao nuôi. Đằng này họ đưa nước trực tiếp vào ao nuôi thì tôm làm sao sống nổi. Ngoài ra, vệ sinh ao nuôi cũng không đúng kỹ thuật khiến tôm nuôi không những không phát triển mà còn dần hao hụt đầu con…”.
Cũng từ việc nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát nên nhiều chuyện bi hài xung quanh con tôm bắt đầu được người dân truyền miệng nghe có vẻ khá ngụ ngôn. Cán bộ Định ấp úng trong miệng định nêu hẳn tên một vài nhân vật mà ông định kể trong câu chuyện của mình, nhưng lại tặc lười cho qua: “Toàn anh em họ hàng, khu phố với nhau cả. Nêu hẳn tên họ ra thì người ta lại nghĩ mình có ý đồ không hay”.
Ông Định bảo, cách đây không lâu, có gia đình đến vụ thu hoạch tự tin đạt sản lượng khoảng 1,5 tấn tôm, nên thuê sẵn 2 chiếc xe tải để vận chuyển đi tiêu thụ. Thế nhưng, tôm khai thác trong ao chỉ đạt sản lượng vài ba tạ, bởi vậy, gia chủ mất ăn mất ngủ mấy ngày vì thua lỗ nặng.
Lại có chuyện một kỹ sư công nghệ thông tin sẵn sàng bỏ việc với mức lương 14-15 triệu đồng/tháng để về quê góp vốn cùng người thân nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, do vụ được vụ mất, trong khi tiền vốn đang âm, nên cậu thanh niên có vẻ nản và có ý định đi xuất khẩu lao động để thu hồi lại tiền đầu tư. Có hộ dân học đòi làng xóm nuôi tôm thẻ chân trắng nên phá cả nhà để đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng với hy vọng làm giàu, nhưng giàu chưa thấy đã thấy mất nhà.
Cho thuê ao tôm để gỡ lại vốn
Ông Hồ Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND phường Hải Thanh biết chúng tôi có ý định đi thực tế mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nên dặn dò kỹ: “Anh em cứ trực tiếp xuống cơ sở thực tế. Gọi điện chưa chắc họ đã nghe máy, vì nói đến nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát chưa chắc họ dám mở lời”. Ngồi kế bên, cán bộ Định nhanh ý gọi điện thẳng cho ông V.V.B. (phố Thanh Đông) rồi nại ra lý do “xuống thăm nhà và xin cốc nước chè”.
Nhà ông B. ngay sát đê biển Hải Thanh. Gia chủ có vẻ khấm khá hơn các hộ còn lại trong phường. Vài năm trước ông B. từ TP. Hồ Chí Minh đem theo khoản tiền tích lũy về quê xây dựng nhà nghỉ và làm du lịch sinh thái. Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh của ông có vẻ không khả quan do hạ tầng du lịch ở địa phương chưa tốt và cũng bởi cách làm du lịch theo kiểu “đơn thương độc mã” nên khó thu hút được khách.
Bởi vậy, cụ ông quyết định tận dụng phần đất nhàn rỗi để xây dựng ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, làm được vài vụ, ông B. thua lỗ nhiều hơn thắng. Do không kham nổi công việc, mới đây, chủ nhà nghỉ quyết định cho thuê ao nuôi với giá 150 triệu/năm để gỡ lại số tiền đã đầu tư (700 triệu đồng).
Ông B. thú thật: “Sức tôi già yếu, không kham nổi việc nặng nhọc. Tôm thẻ chân trắng vẫn là con nuôi có triển vọng, nhưng phải có kinh nghiệp và đầu tư bài bản. Đặc biệt phải lưu ý đến việc chọn con giống và liên kết sản xuất thì mới thành công. Nếu người dân chỉ nuôi tự phát khó thành công lắm!”.
Cán bộ Định tiếp tục dẫn chúng tôi đi dọc đê biển Hải Thanh. Dọc tuyến đê dài hơn 1km nhưng có gần chục hộ nuôi tôm theo kiểu tự phát. Thoạt nhìn chả ai nghĩ rằng, mấy căn nhà na ná cấp 4 lại trở thành ao nuôi tôm. Có hộ dân tận dụng khung nhà cấp 4, căng màng làm che mái, bảo vệ ao tôm phía trong. Bên trong ao có nhiều ao nuôi nhưng không có bể lắng lọc, ao xử lý nước thải. Quy trình bơm nuôi, xả nước thải đều nhờ cả vào biển.
Bởi thế, nhiều người đầu tư số tiền lớn để nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng số người thất bại nhiều hơn thành công vì nuôi không đảm bảo kỹ thuật. Khuôn mặt cán bộ Định có vẻ đăm chiêu khi nhắc đến chuyện này. Ông bảo, nhiều người dân trong xã đã bỏ cuộc vì không thể chạy theo “con tôm nhà giàu”. Số ít khác vẫn cố bám trụ để vớt vát lại đồng vốn vì trót đầu tư khoản tiền lớn nên tiếc công. Chính quyên địa phương cũng nhiều lần khuyên can các hộ dân chuyển nghề nhưng họ vẫn không nghe.
Phó Chủ tịch phường Hải Thanh - Hồ Văn Dũng thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân về việc thua lỗ trong nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn phường: “Hiện nay, toàn phường vẫn chưa hộ dân nào được cấp phép nuôi trồng thủy sản. Các hộ nuôi tôm chủ yếu không theo quy hoạch và không có kinh nghiệm nuôi nên hầu hết các hộ nuôi đều thua lỗ do nuôi không đảm bảo kỹ thuật. Trong khi đó, hệ lụy là, nước thải và bùn đáy ao sau thu hoạch sẽ được bơm thẳng ra kênh rạch mà không qua xử lý, làm cho hệ thống kênh rạch bị ô nhiễm. Chúng tôi cũng đau đầu chuyện này".
Cũng theo ông Dũng, địa phương không đồng tình về việc các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát, nhưng giải quyết những bất cập về vấn đề này không phải là chuyện trong nay mai, bởi nó liên quan tới sinh kế, tài sản của người dân.
“Thời gian tới chúng tôi tiếp tục vận động, thuyết phục người dân giải thể ao nuôi, chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Bên cạnh đó, nếu các hộ dân có nguyện vọng tiếp tục nghề nuôi trồng thủy sản, địa phương sẽ xem xét, kiến nghị và bố trí họ vào vùng nuôi đã được tỉnh quy hoạch”, ông Dũng chia sẻ.
Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản Thanh Hóa để nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả, người nuôi cần chuyển đổi hình thức nuôi tự phát sang nuôi theo hướng công nghiệp đầu tư công nghệ cao và nhận chuyển giao khoa học. Bên cạnh đó, các hộ nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, từ khâu chọn giống, thức ăn đến việc xử lý ao nuôi. Ngoài ra, người nuôi cần chú ý đến việc đảm bảo môi trường trong quá trình nuôi, góp phần giúp nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển bền vững.
Tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch được các vùng nuôi tôm tập trung ở huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn cùng nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới. Đến nay, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đạt 700 ha, với 670 hộ nuôi. Trong đó, 170 ha ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới, 530 ha thâm canh trong ao bạt ngoài trời.