| Hotline: 0983.970.780

Con tôm - câu chuyện vùng nuôi Bắc Trung bộ: [Bài 3] Khuyến khích chuyển từ quảng canh sang thâm canh

Thứ Tư 29/11/2023 , 09:18 (GMT+7)

HÀ TĨNH Trong thời gian 3 năm, đã có 27 mô hình ở huyện Kỳ Anh đầu tư hạ tầng, chuyển đổi từ nuôi tôm quảng cang sang thâm canh, thâm canh công nghệ cao.

Tỷ lệ nuôi quảng canh, bán thâm canh chiếm phần lớn

Huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh là địa phương có tiềm năng, lợi thế về nuôi trồng thủy sản (NTTS) mặn lợ với tổng diện tích khoảng 500 ha; trong đó, chủ lực vẫn là nuôi tôm thẻ chân trắng. Tính đến cuối tháng 9/2023, diện tích thả nuôi toàn huyện đạt hơn 412 ha, tập trung nhiều ở các xã Kỳ Thư, Kỳ Hải, Kỳ Thọ. Tuy nhiên, người dân vẫn đang chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh, bán thâm canh; diện tích nuôi tôm thâm canh mới chỉ đạt 110 ha, chiếm 22% tổng diện tích nuôi trồng; cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm tập trung bị xuống cấp, chưa có hướng đầu tư, nâng cấp.

Mặc dù có lợi thế nhưng diện tích nuôi tôm quảng canh, bán thâm canh trên địa bàn huyện Kỳ Anh đang chiếm tỷ lệ lớn. Ảnh: Thanh Nga.

Mặc dù có lợi thế nhưng diện tích nuôi tôm quảng canh, bán thâm canh trên địa bàn huyện Kỳ Anh đang chiếm tỷ lệ lớn. Ảnh: Thanh Nga.

Kỳ Hải là một trong 2 xã có diện tích NTTS mặn lợ lớn nhất của huyện Kỳ Anh. Từ những năm 1997, 1998 rộ lên phong trào toàn dân sản xuất ruộng lúa 1 vụ kém hiệu quả chuyển đổi sang đào ao nuôi tôm ở các thôn Bắc Sơn Hải , Bắc Hải, Nam Hải, Trung Hải. Các hộ dân đã tự bỏ kinh phí đào đắp ao hồ đưa vào nuôi tôm xen ghép, quảng canh, sau đó hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác NTTS.

Tuy nhiên, do việc nuôi trồng không được chú trọng đầu tư về ao hồ, môi trường nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra, khiến một số hộ bỏ nghề hoặc chuyển đổi sang sản xuất đối tượng khác. Những hộ duy trì cho đến nay thì việc đầu tư cầm chừng, thu nhập không cao, chủ yếu lấy công làm lãi.

“Thời điểm giữa năm 2021, toàn xã có đến 133 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, xen ghép; diện tích nuôi bán thâm canh công nghiệp chỉ được 11 ha; hiệu quả kinh tế trên diện tích nuôi quảng canh, xen ghép chỉ đạt từ 45 – 100 triệu đồng/ha”, một lãnh đạo xã Kỳ Hải chia sẻ.

Chung thực trạng, xã Kỳ Thọ có 221ha nuôi tôm thẻ chân trắng thì có đến 196ha nuôi quảng canh, bán thâm canh. Theo lãnh đạo xã này, mặc dù trên địa bàn đã có hợp tác xã NTTS nhưng việc quản lý chưa chặt chẽ cộng với người dân đang nuôi trồng theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm; khi có dịch bệnh xẩy ra chưa phối kết hợp với nhau để tập trung dập dịch… dẫn đến hiệu quả sản xuất giảm dần theo thời gian.

Để khuyến khích người dân đầu tư chuyển hướng sang nuôi tôm thâm canh, thâm canh công nghệ cao, huyện Kỳ Anh ban hành một số chính sách hỗ trợ. Ảnh: Thanh Nga.

Để khuyến khích người dân đầu tư chuyển hướng sang nuôi tôm thâm canh, thâm canh công nghệ cao, huyện Kỳ Anh ban hành một số chính sách hỗ trợ. Ảnh: Thanh Nga.

Hơn nữa, do trước đây người dân nuôi tự phát nên vùng nuôi chưa được quy hoạch tập trung, diện tích nhỏ lẻ; hạ tầng như điện lưới, đường giao thông, kênh mương, đê bao xuống cấp cũng là lý do khiến người dân “ngại” đầu tư thâm canh.

Hơn 23ha chuyển đổi từ quảng canh sang thâm canh

Rõ ràng lợi thế về đất đai, nguồn nước, con người để phát triển NTTS mặn lợ ở Kỳ Anh rất lớn nhưng giá trị kinh tế, xã hội mang lại cho người dân lại chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, ngày 5/1/2021, HĐND huyện Kỳ Anh đã ban hành Nghị quyết thông qua một số chính sách hỗ trợ nhằm kích cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 – 2023.

Nhiều chủ cơ sở đã đầu tư công nghệ nuôi tôm tuần hoàn nước. Ảnh: Hưng Phúc.

Nhiều chủ cơ sở đã đầu tư công nghệ nuôi tôm tuần hoàn nước. Ảnh: Hưng Phúc.

Theo đó, lĩnh vực thủy sản được hỗ trợ như sau: “Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp ao nuôi với kết cấu bờ ao được vỗ bằng hỗn hợp bột đá - xi măng, thực hiện nuôi thủy sản thâm canh, có quy mô liền vùng, liền ao tối thiểu 0,5 ha/tổ chức, cá nhân, được hỗ trợ kinh phí vỗ cứng bờ ao, mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha, tối đa 100 triệu đồng/tổ chức, cá nhân”.

Từ chính sách này, cùng với sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương, đến nay toàn huyện Kỳ Anh đã xây dựng được 38 mô hình (diện tích 35,2 ha) chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh cải tiến, bán thâm canh sang thâm canh và thâm canh công nghệ cao. Trong đó, số mô hình được nghiệm thu, hỗ trợ là 28, với diện tích hơn 23 ha; tổng kinh phí hỗ trợ gần 1,2 tỷ đồng.

“Hiện có khoảng 9,3 ha của 7 hộ ở các xã Kỳ Thọ, Kỳ Thư, Kỳ Khang, Kỳ Hải đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ nuôi thâm canh, thâm canh công nghệ cao khá bài bản, thu về hàng tỷ đồng trong các vụ nuôi năm 2022, 2023. Đây là kết quả khẳng định sự ra đời kịp thời, hiệu quả của Nghị quyết, góp phần thúc đẩy phát triển nghề NTTS bền vững”, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh nhấn mạnh.

Góp phần đưa sản lượng tôm tăng lên gấp 3,5 lần so với trước đây. Ảnh: Hưng Phúc.

Góp phần đưa sản lượng tôm tăng lên gấp 3,5 lần so với trước đây. Ảnh: Hưng Phúc.

Là một trong những hộ dân đầu tiên tiếp cận chính sách của HĐND huyện Kỳ Anh, ông Phạm Quốc Chinh ở thôn Bắc Hải, xã Kỳ Hải kể lại, vụ tôm xuân hè năm 2021 ông nhận được số tiền hỗ trợ 32 triệu đồng cho việc vỗ bờ 7.000 m2 ao nuôi. Gia đình ông đã mua sắm, củng cố lại toàn bộ hệ thống điện lưới, quạt nước, nhà kho, hộp tôn bảo quản động cơ điện… để hướng tới nuôi thâm canh công nghệ cao.

Tính đến thời điểm này, xã Kỳ Hải phát triển được 123 ha diện tích nuôi tôm, trong đó, vùng nuôi thâm canh tăng lên đạt hơn 20 ha, với 107 hộ nuôi. Ngoài việc hấp thụ chính sách từ Nghị quyết HĐND huyện, những năm gần đây Kỳ Hải cũng ưu tiên nguồn lực củng cố, nâng cấp, đồng bộ hóa hạ tầng vùng nuôi, phục vụ phát triển nuôi tôm thâm canh.

Theo ông Chinh, việc đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa bờ bao và các hạng mục trong hệ thống hạ tầng ao nuôi sẽ nâng cao chất lượng sản xuất thâm canh lên một bước mới. Không chỉ tránh được tình trạng sụt lún, xói lở bờ bao, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ mà công tác phòng chống dịch bệnh cũng tốt hơn; mật độ tôm nuôi được nâng lên nhiều lần, giúp gia đình nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.

Đầu tư bài bản, quy mô hơn hộ ông Chinh, mô hình nuôi tôm thâm canh bằng công nghệ tuần hoàn nước do anh Lê Văn Sỹ, xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh làm chủ mới đây thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 1/2023, anh Sỹ thuê nhân công, huy động máy móc xây dựng lại hệ thống ao đầm. Trên tổng diện tích 3 ha, anh đã dành 2/3 diện tích để làm 1 ao lắng, 1 ao xử lý nước đầu vào, 1 ao gom nước xả thải từ ao nuôi, 2 ao chứa nước đã được xử lý qua lớp lọc sinh học và 1 ao cuối cùng là ao “sẵn sàng” (chứa nguồn nước đảm bảo tất cả các yếu tố để cấp vào ao nuôi bất cứ khi nào cần).

Sau khi đảm bảo hạ tầng, đầu tháng 5/2023 mô hình xuống giống với số lượng 100 vạn con, mật độ 250 con/m2. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, tôm đạt tỷ lệ sống 85%, trọng lượng 38 con/kg, sản lượng thu hoạch đạt hơn 22 tấn, mang lại lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng cho gia đình.

Việc đầu tư thâm canh cũng giúp công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm thuận lợi và đạt hiệu quả hơn. Ảnh: Hưng Phúc.

Việc đầu tư thâm canh cũng giúp công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm thuận lợi và đạt hiệu quả hơn. Ảnh: Hưng Phúc.

Chia sẻ về ưu điểm của công nghệ nuôi tôm tuần hoàn nước, anh Sỹ nói: “Nguồn nước ao nuôi chúng tôi không xả ra môi trường mà xử lý để tái sử dụng theo một chu kỳ khép kín tuần hoàn, mọi yếu tố môi trường đều được kiểm soát tốt. Từ đó, cho phép nuôi dài ngày với mật độ cao, hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm được nguồn nước, giảm chi phí sản xuất và tạo ra sản phẩm an toàn. Ngoài ra, tôm được nuôi bằng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường giúp hấp thụ dinh dưỡng triệt để, tăng cường sức đề kháng”.

Anh Lê Văn Sỹ cho rằng, điều kiện thời tiết, môi trường phục vụ hoạt động nuôi tôm hiện nay rất phức tạp. Nếu người dân vẫn giữ tâm lý nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến theo kiểu “ăn may” mà không đầu tư thâm canh thì rủi ro khó tránh khỏi, thiệt hại có khi lên đến tiền tỷ, “cụt” luôn cả vốn.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho hay, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết HĐND huyện, dễ dàng nhận thấy, hệ thống cơ sở hạ tầng các vùng NTTS trên địa bàn huyện được đầu tư nâng cấp khang trang, hiện đại với hàng chục mô hình nuôi tôm chuyển từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh công nghệ cao; dịch bệnh trên tôm giảm rõ rệt; sản lượng tôm tăng cao hơn 3,5 lần so với trước đây.

Điều quan trọng nhất là nhận thức của người nuôi trồng nâng lên rõ rệt, tác phong công nghiệp cũng hình thành trong các hộ nuôi. Đây là tiền đề hết sức quan trọng để hiện thực hóa chủ trương đưa nghề nuôi tôm thành mũi nhọn trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện”.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất