| Hotline: 0983.970.780

Con tôm - câu chuyện vùng nuôi Bắc Trung bộ: [Bài 4] Môi trường vấn đề lớn

Thứ Năm 30/11/2023 , 09:18 (GMT+7)

Nghề nuôi tôm tại Nghệ An một thời phát triển cực thịnh, nay con tạo xoay vần đẩy người dân vào cảnh khốn cùng, ô nhiễm môi trường trầm trọng được xem là nguyên do.

Nghề nuôi tôm một thời hưng thịnh, giúp nhiều hộ đổi đời chóng vánh. Ảnh: Việt Khánh.

Nghề nuôi tôm một thời hưng thịnh, giúp nhiều hộ đổi đời chóng vánh. Ảnh: Việt Khánh.

Môi trường bất ổn, nuôi tôm như... đánh bạc

Với chiều dài bờ biển trên 82 km cùng diện tích vùng biển hơn 4.230 hải lý vuông, dọc bờ biển lại có đến 6 cửa lạch, Nghệ An đã từng bước gầy dựng, hình thành vùng nuôi trồng thủy sản quy mô hàng chục ngàn ha, trong đó diện tích nuôi tôm đạt khoảng 2.310 ha. Với đông đảo người dân vùng bãi ngang con tôm luôn giữ vững vị thế độc tôn, có thể giúp họ “một bước lên tiên” và đổi đời chóng vánh.

Ấy là khi mọi việc xuôi chèo mát mái, bằng không chính con tôm là tác nhân đẩy hằng hà sa số gia đình vào tình cảnh bần hàn, túng quẫn. Đó là thực trạng buồn tiếp diễn liên hồi trong dăm bảy năm trở lại, tình hình bi quan đến mức chẳng ai dám tự tin vỗ ngực sẽ nắm chắc phần thắng dẫu cho đó là những đại gia lắm của nhiều tiền hay những chuyên gia sành sỏi trong nghề.

Tuy nhiên gió đã đổi chiều, không kham nổi nhiều hộ nuôi ở vùng Trịnh Môn đã quyết định treo đầm. Ảnh: Việt Khánh.

Tuy nhiên gió đã đổi chiều, không kham nổi nhiều hộ nuôi ở vùng Trịnh Môn đã quyết định treo đầm. Ảnh: Việt Khánh.

Chính những người trong cuộc quả quyết họ đang chơi dao, mà khả năng đứt tay là khó tránh khỏi. Đảo khắp các vùng nuôi trọng điểm, dọc từ thị xã Hoàng Mai kéo về các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu tất thảy đều lo ngay ngáy khi càng nuôi càng đổ nợ. Không đành tâm nhìn con tôm “nuốt nhà”, “nuốt sổ đỏ” nhiều gia đình bấm bụng chơi tất tay để gỡ gạc vốn liếng, có điều càng lấn sâu càng bê bết.

Bi đát ra sao cứ nhìn vào thực trạng khốn khó của Công ty CP nuôi trồng thủy sản Trịnh Môn, tiền thân là Nông trường Trịnh Môn, thành lập năm 1956 sẽ rõ. Mãi đến năm 2006, sau cổ phần hóa đơn vị này mới “nghiêng” về nuôi trồng thủy sản hòng tạo bước đột phá, con tôm được số đông gửi gắm niềm tin. Đây là sự lựa chọn đúng đắn trong… già nửa thời gian đầu.

Trong phạm vi nuôi trồng của công ty Trịnh Môn có hàng trăm hộ được giao khoán diện tích nuôi tôm, buồn thay số hộ được hưởng trọn vẹn niềm vui thưa dần qua từng năm, đến nay họa lắm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây là điều mà 7 – 8 năm trước chẳng mấy ai mường tưởng đến, bởi lẽ thời hoàng kim con tôm được ví như “quý nhân phù trợ” giúp nhà nhà sắm sửa nhà lầu, xe sang, tiền bạc chung chi không phải nghĩ.

Tiền dễ kiếm thành thử người người đổ vào nuôi tôm, khắp vùng Trịnh Môn khi đó tiếng cười chưa bao giờ tắt, quá trình sản xuất, kinh doanh xuyên suốt cả năm, người mua kẻ bán giao dịch từ đầu hôm đến suốt sáng, cả một vùng bãi ngang dài tít tắp chưa một ngày thiếu ánh điện hay ngớt tiếng động cơ sục nước. Hoành tráng là vậy mà nay gió đổi chiều chóng vánh, giờ nhắc đến con tôm ai nấy đều sụt sùi, tiếc nuối.

Con tôm, quý nhân phù trợ một thời giờ là tác nhân chính khiến nhiều nhà đổ nợ. Ảnh: Việt Khánh.

Con tôm, quý nhân phù trợ một thời giờ là tác nhân chính khiến nhiều nhà đổ nợ. Ảnh: Việt Khánh.

Chị Đinh Thị Kiều, cán bộ phụ trách mảng thủy sản của công ty Trịnh Môn chia sẻ, công ty quản lý hơn 300 ha, trong đó 180 ha là diện tích nuôi thủy sản. Dù vẫn kinh doanh song song cả 2 lĩnh vực nhưng sản xuất nông nghiệp là phụ, chủ lực vẫn là nuôi tôm. Độ 20 năm về trước, nhắc đến cái tên “Trịnh Môn” là bảo chứng cho sự thịnh vượng của nghề. Xuất phát điểm là con tôm sú, về sau chuyển sang áp dụng nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn nào cũng cho tín hiệu khả quan.

Tiếc thay kí ức vàng son dường như đã bị bỏ lại phía sau. Khi môi trường nuôi bị bức tử nặng nề, dịch bệnh thi nhau phát sinh cũng là lúc khốn khó bủa vây. Tiền của đổ vào ao đầm quá lớn nhưng thua lỗ triền miên, gánh gồng không nổi nhiều hộ buộc phải chuyển đổi hình thức sang nuôi bán thâm canh, từng bước giảm dần mật độ thả nhằm hạn chế rủi ro.

“Dịch bệnh chuyển biến ngày một khó lường, ban đầu cơ bản chỉ phải đối phó với bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy nhưng những năm gần đây phát sinh thêm bệnh hồng thân với mức độ nguy hại hơn nhiều. Bệnh này không có thuốc chữa, tốc độ lây lan nhanh chóng mặt, nếu không phát hiện kịp thời thì của nả đổ sông đổ biển, chỉ sau một đêm có thể khiến tôm nuôi trong đầm chết sạch bách”.

Tiếc nuối về những tháng ngày hoàng kim. Ảnh: Việt Khánh.

Tiếc nuối về những tháng ngày hoàng kim. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Hồ Văn Thành được công ty Trịnh Môn phân công quán xuyên, theo dõi các vùng nuôi, đồng thời là người nuôi tôm thẻ chân trắng có tiếng của vùng này. Dẫu có thừa kinh nghiệm nhưng bản thân vẫn hết sức ái ngại với tình cảnh hiện giờ, bởi lẽ chính ông cũng từng trải qua những biến cố nhớ đời.   

“Giai đoạn 2017, 2018 đổ lại tình hình khó kiểm soát, vận dụng đủ cách chẳng ăn thua, năm được năm mất chẳng biết đường nào mà lần. Thời tiết thất thường là một nhẽ, phần nhiều do giống, dịch bệnh, môi trường gây nên, chung quy người nuôi chúng tôi khốn đốn thực sự.

Trước kia nước ở cửa sông, cửa bể trong veo như nước cất, bằng mắt thường có thể nhìn rõ mồn một dưới đáy, nhà nào nhà nấy an tâm thả giống tràn diện tích. Thả 10 con được 10 con, chả cần thuốc men gì sấc. Nay sông Mai Giang bị bồi lấp nặng nề, bùn lầy, rác thải chất đống, dày cộm hàng mét, nước chắt lọc rồi vẫn đen như mực, lúc đỉnh điểm dậy mùi kinh khủng thì con gì sống cho nổi. Nhà tôi có 1 ha với tổng cộng 5 ao đầm nhưng chẳng dám tận dụng hết diện tích, đành xoay vòng để dễ bề xử lý”.

Chẳng một ao đầm nào chưa đặt chân đến, nằm lòng diễn biến chung nên ông Thành quả quyết nghề nuôi tôm hiện tại được thì ít mà mất thì nhiều. Môi trường nuôi thay đổi, chất lượng đầu vào không đảm bảo đẩy quy trình nuôi kéo dài lê thê (4,5 - 5 tháng/ lứa), tốn thời gian, tốn tiền bạc nhưng sản lượng thu về giảm mạnh.

Thị trường bấp bênh cũng đóng vai trò chi phối, nếu trước đây giá tôm nuôi giao động từ 90.000 – 100.000 đồng/kg, chi phí thức ăn chỉ tầm 16.000 - 17.000 đồng/kg. Bây giờ giá tôm nhích lên chút đỉnh (120.000 - 130.000 đồng/kg) nhưng giá thức ăn lại tăng gấp đôi, chưa kể công cán cải tạo ao đầm, tiền thuốc phòng trừ. Chi đồng bạc lớn thu về cắc bạc lẻ, bảo sao nghề nuôi tôm trên đà thoái trào.  

Khi ông trời còn chiều lòng người, gia đình ông Thành nuôi vụ nào trúng đậm vụ đó. Từ khi thả giống đến lúc thu hoạch chỉ trên dưới 3 tháng, tôm lớn nhanh như thổi, mỗi ao đầm diện tích chừng 1.200 - 1.500 m2 đủ sức thu về 3,5 - 4 tấn tôm dễ như bợn. Chỉ cần triển khai nửa diện tích (5.000 m2 - PV) thôi đã bỏ túi 500- 700 triệu/ năm, đỉnh điểm những năm 2010, 2011 thu lãi hàng tỷ đồng. Từ chỗ thừa mứa tiền sắm sang vật dụng đắt tiền, gửi ngân hàng giờ phải loay hoay, khổ sở cầm cố tận 3 bìa đỏ để… bám lấy nghề.

Mòn mỏi ngóng trông vùng nuôi sạch

Chia sẻ cùng PV NNVN, ông Lê Văn Hướng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An xác nhận tình trạng ô nhiễm là mối đe dọa thường trực đến nhiều vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, nan giải hơn cả là khu vực của xã Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu), phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai) với quy mô lên đến hàng trăm ha, phần nhiều thuộc quản lý của Công ty CP nuôi trồng thủy sản Trịnh Môn:

“Nước lấy trực tiếp từ hệ thống sông Mai Giang đổ vào các vùng nuôi, nơi vốn dĩ nằm giao thoa giữa 2 cửa lạch, nguồn nước cấp vào và thải ra đều chung 1 đường nên tình trạng ô nhiễm là điều khó tránh. Cái khó nữa là dòng chảy của sông Mai Giang cao hơn so với các điểm nuôi, nguồn thải bị ứ đọng, tích tụ từ năm này qua năm khác nhưng không được xử lý, lâu dần tăng cao nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh”.

Sông Mai Giang ô nhiễm trầm trọng là nguyên nhân chính đẩy nghề nuôi tôm vào cảnh khốn khó. Ảnh: Việt Khánh.

Sông Mai Giang ô nhiễm trầm trọng là nguyên nhân chính đẩy nghề nuôi tôm vào cảnh khốn khó. Ảnh: Việt Khánh.

Cùng chung góc nhìn, bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Công ty CP nuôi trồng thủy sản Trịnh Môn thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Chẳng riêng gì Trịnh Môn mà đa phần các vùng nuôi tôm đều lấy nước trực tiếp từ sông Mai Giang. 10 năm trước người dân đã kiến nghị các cấp, ngành khẩn trương tiến hành nạo vét, làm sạch lòng sông để tiến tới phát triển bền vững ngành nghề thủy sản. Nội dung này thực sự cấp bách, đã được đưa ra mổ xẻ nhiều lần, có thời điểm Thanh tra Sở TN-MT đã trực tiếp kiểm tra hiện trạng nhưng đến nay chưa thấy làm”.

Biết đến bao giờ cảnh này mới dứt? Ảnh: Việt Khánh.

Biết đến bao giờ cảnh này mới dứt? Ảnh: Việt Khánh.

Nghệ An xác định việc nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp thoát nước để nuôi thủy sản tập trung (chủ yếu là nuôi tôm thâm canh) với diện tích hơn 700 ha vùng Mai Giang, trải dài trên địa bàn thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu là nội dung trọng tâm của Dự án phát triển thủy sản bền vững. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 500 tỷ đồng, tương đương 21,08 triệu USD (áp dụng tỷ giá hạch toán ngoại tệ tháng 7/2023), vay vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB).

Dự án có tính chất cấp thiết, kỳ vọng khi hoàn tất sẽ thay đổi diện mạo và nâng tầm ngành thủy sản Nghệ An lên một tầm cao mới. Có điều do chưa tháo gỡ được những nút thắt liên đới, thành thử kế hoạch dày công ấp ủ vẫn đang nằm… trên giấy.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.