| Hotline: 0983.970.780

Con tôm - câu chuyện vùng nuôi Bắc Trung bộ: [Bài cuối] Tôm vẫn đứng đầu bảng, áp dụng đúng cách sẽ hái ra tiền

Thứ Hai 04/12/2023 , 06:14 (GMT+7)

Nhiều hộ quả quyết nuôi tôm vẫn là sự lựa chọn tối ưu, để gia tăng ‘phần thắng’ bắt buộc phải lựa chọn con giống chất lượng, kết hợp ứng dụng công nghệ cao.

Mô hình nuôi tôm trên ao nổi của ông Nguyễn Đình Thanh là xu thế tất yếu hiện nay. Ảnh: Việt Khánh.

Mô hình nuôi tôm trên ao nổi của ông Nguyễn Đình Thanh là xu thế tất yếu hiện nay. Ảnh: Việt Khánh.

Thành bại tại công nghệ cao

Theo nghề hơn 20 năm rồi, hân hoan cũng lắm mà buồn tủi cũng nhiều, tất thảy cung bậc đều đã nếm đủ, bản thân ông Nguyễn Đình Thanh, chủ mô hình nuôi tôm trên bể nổi tại xã Nghi Quang (Nghi Lộc, Nghệ An) hiểu hơn ai hết thời cơ và thách thức.

Phong thái từ tốn, ông Thanh chậm rãi chia sẻ những lời gan ruột: “Phải thừa nhận nghề nuôi tôm đang đối diện với nhiều rào cản, hàng loạt yếu tố bất thuận làm gia tăng mức độ rủi ro. Dù vậy nếu đánh giá khách quan thì nghề này vẫn đứng đỉnh bảng, người nuôi vẫn có thể hái ra tiền nhưng phải chung chi nhiều hơn, vất vả hơn, nhất thiết phải ứng dụng công nghệ cao, triển khai nuôi nhiều giai đoạn. Năm nay gia đình tôi nuôi 4 vụ, mất 2 được 2, thu trên dưới 10 tấn tôm, lãi hơn 1 tỷ đồng”.

Triển khai nuôi nhiều giai đoạn, đưa công nghệ cao vào ứng dụng là tiền đề của thành công.

Triển khai nuôi nhiều giai đoạn, đưa công nghệ cao vào ứng dụng là tiền đề của thành công.

Chính thức “bén” duyên từ năm 2003, trên diện tích 1,7ha ông Thanh xắn tay nuôi tôm thâm canh bằng hệ thống ao chìm (ao đất) truyền thống. Ngày ấy môi trường, con giống, nguồn nước chưa biến động như bây giờ, họa hoằn lắm mới xuất hiện biến cố nho nhỏ, bằng không nuôi vụ nào thắng lớn vụ đó, tình hình diễn tiến thuận lợi giúp gia đình đổi đời chóng vánh. Chẳng mấy danh tiếng của ông Thanh đã vang khắp các vùng nuôi.

Với vốn liếng kinh nghiệm dạn dày, ông Thanh thừa hiểu nghề nuôi tôm đang trên đà lao dốc, muốn trụ vững bắt buộc phải có những điều chỉnh mang tính căn cơ, nếu không kịp thời thích ứng cái giá phải trả vô cùng đắt đỏ: “Tôi bám trụ với nghề vì đam mê, phần khác vẫn thấy giá trị to lớn từ con tôm mang lại. Thời thế thay đổi buộc mình phải thay đổi, đó là chuyện hết sức bình thường trong kinh doanh. Sau 20 năm diện tích nuôi của gia đình vẫn thế nhưng được chia thành nhiều ao nhỏ, mỗi ao dao động khoảng 600 m2, khác biệt là nâng cấp từ ao đất lên ao nổi, đan xen với đó là nhiều hạng mục thiết yếu khác. Không tính đất cát, riêng chi phí đầu tư mô hình mới ngốn hơn 2 tỷ đồng rồi, dẫu tốn kém nhưng phải chấp nhận”.

Mạnh bạo áp dụng công nghệ cao, đưa quy trình tiên tiến vào vận hành mới là một phần của cuộc chơi, để hưởng trọn vẹn thành quả đòi hỏi phải có được con giống đảm bảo. Dẫu vậy công tác quản lý, kiểm soát đầu vào bấy lâu nay cơ bản không đáp ứng được nhu cầu, đây thực sự là nút thắt khó nhằn đối với nghề nuôi tôm khu vực Bắc Trung Bộ, chí ít là ở thời điểm này.

Tất cả các công đoạn đều được thực hiện tỉ mẩn, công phu. Ảnh: Việt Khánh.

Tất cả các công đoạn đều được thực hiện tỉ mẩn, công phu. Ảnh: Việt Khánh.

Số đông người nuôi cùng chung quan điểm, con giống giữ vai trò then chốt, quyết định 50% thành bại của nghề. Ông Thanh thuộc diện kinh tế vững vàng nên chẳng dại gì kì kèo bớt một thêm hai, tự đẩy mình vào tình cảnh hên xui. Bao năm nay ông chỉ nhập giống của C.P. Việt Nam, dẫu đắt đỏ nhưng đáng đồng tiền bát gạo.

“Nếu tôm giống của C.P. giá 14,5 (10 vạn con hết 14,5 triệu đồng) thì thị trường chỉ khoảng 13,5. C.P chỉ khuyến mãi 10%, chẳng thấm tháp vào đâu so với 100% của các cở khác, tức mua 10 vạn con được hẳn 20 vạn con. Động thái này đánh thẳng vào tâm lý của số đông, nhiều hộ ham rẻ tức thì nếm ngay trái đắng. Nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng từ đây mà ra, bởi lẽ nguồn nước lấy vào đều chung một dòng chảy”, ông Thanh nói.

Bình quân mỗi ao nuôi ông Thanh tiêu tốn trên 15 triệu tiền giống, vị chi 5 ao dao động 75 - 80 triệu đồng, mỗi năm rải khoảng 3 - 4 vụ đã mất đứt 300 triệu. Rồi tiền điện, tiền nhân công, chi phí thuốc men, cải tạo ao đầm… kinh phí chung chi quá lớn, quả thực nếu còn tính chệch đường ray thì nguy cơ đổ nợ là điều khó tránh.

Thực tế thì dịch bệnh trên tôm chuyển biến rất khó lường trong những năm qua, ngoài đốm trắng, hoại tử gan tụy, hồng thân… thì vi bào trùng tử, một loại bệnh đặc biệt nguy hiểm do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây nên khiến ai nấy đều hoang mang. EHP là tác nhân chính cản trở con tôm hấp thụ chất dinh dưỡng, từ đó dẫn đến còi cọc, chậm lớn và suy giảm sức đề kháng.

Năm rồi gia đình ông Thanh có 1 ao nuôi bị nhiễm EHP, báo hại tôm nuôi mãi chẳng lớn, qua kiểm đếm phải trên 200 con mới được non 1kg: “Bệnh này không cứu vãn được, càng nuôi càng lỗ. Cũng may tuân thủ đúng quy trình nên mức độ lây lan không lớn, bằng không thì nguy to”, ông Thanh thở phào.

Ông Thanh đang áp dụng mô hình nuôi tôm 4 giai đoạn, rất tỉ mẩn và khắt khe. Ban đầu thả 24 vạn con giống ở ao nhỏ, sau 27 ngày nuôi sẽ chuyển tôm con sang ao lớn hơn, tiếp tục nuôi trong vòng 1 tháng, kế đó chia đều ra 2 ao, sau cuối tùy thuộc vào diễn biến thực tế sẽ bố trí phương án phù hợp. Chuyển trạng thái, thay đổi môi trường giúp con tôm hấp thụ tốt thức ăn, đẩy nhanh quá trình phát triển. Trước đó, nguồn nước cũng được xử lý qua 4 bước trước khi nuôi.

Ông Thanh trải lòng về hành trình đằng đẵng hơn 20 năm gắn bó với nghề. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Thanh trải lòng về hành trình đằng đẵng hơn 20 năm gắn bó với nghề. Ảnh: Việt Khánh.

“Trước đây ao đất diện tích quá lớn (4.000 m2/ao) thành thử khó quản lý. Hệ thống ao nổi lại khác, bất kỳ sự cố bất thường nào cũng dễ nhận thấy, tôm chết con nào biết con đó. Nuôi truyền thống thường cho ăn định kỳ 3 lần/ngày, còn tôi chủ động chia thành 6 bữa nhỏ, trọng lượng thức ăn không đổi. Áp dụng cách này tiện lợi đôi đường, vừa tránh dư thừa thức ăn lại hạn chế ô nhiễm nguồn nước, quan trọng nhất là con tôm hấp thụ đầy đủ dưỡng chất”.

Con tôm đặc biệt nhạy cảm với điều kiện thời tiết, lớp đáy của ao nổi lại đổ bê tông chống thấm, khả năng hấp thu nhiệt rất cao, do đó phải theo dõi sát sao để điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, thường sẽ dao động trong khoảng 22 - 30 độ C. Nghệ An với điều kiện đặc thù rất khó đáp ứng tiêu chí trên, để cân bằng người nuôi phải chủ động phủ lưới lam bên trên vào mùa hạ để giảm nhiệt, đông đến lại dùng ni lông bịt kín.

Lực cản vô hình

Thực hiện chủ trưởng đẩy mạnh phát triển kinh tế thông qua mô hình nuôi trồng thủy sản, trong đó con tôm đóng vai trò chủ lực. Từ những năm 2000, nhiều hộ dân của xã Nghi Quang, Nghi Hợp… của huyện Nghi Lộc đã chủ động “vỡ đất” khu vực bãi bồi, ven sông, từng bước hình thành một dải nuôi trù phú rộng hàng chục ha.

Có công tiên phong mở lối, các hộ được tạo điều kiện thuê đất trong 20 năm nhưng miễn nghĩa vụ… nộp thuế, đến năm 2023 chủ trương này chấm dứt. Hiểu rằng quyền lợi và nghĩa vụ phải song đôi, tuy nhiên đặt trong bối cảnh nghề nuôi đối diện với nhiều rủi ro thì tâm lý đắn đo, ái ngại là điều dễ hiểu.

Dù gặt hái được nhiều thành công nhưng ông Thanh vẫn trăn trở với chính sách hiện tại. Ảnh: Việt Khánh.

Dù gặt hái được nhiều thành công nhưng ông Thanh vẫn trăn trở với chính sách hiện tại. Ảnh: Việt Khánh.

Trong số 1,7ha diện tích nuôi tôm của ông Thanh chỉ 1,1ha thuộc sở hữu của gia đình, 6.000m2 còn lại phải đi thuê: “Ăn nên làm ra chẳng nói làm gì, tình hình hiện tại thì đây là một gánh nặng thực sự. Gia đình tôi còn đỡ chứ nhiều hộ đang trầy trật giữ nghề, rất khó để gồng gánh thêm”.

Nội dung ông Thanh đề cập đến chỉ là một trong muôn vàn nút thắt xoay quanh cơ chế, chính sách đang “buộc chặt” nghề nuôi tôm. Nan giải và tốn nhiều giấy mực hơn cả là “hạn mức thời gian” cho thuê đất dành cho các hộ nuôi. Vấn đề này được các cấp, ngành liên quan đưa ra bàn bạc, mổ xẻ nhiều lần nhưng chưa thông suốt.

Trong số hàng chục ngàn ha nuôi trồng thủy sản (riêng nuôi tôm đạt khoảng 2.200 ha) dọc khắp địa phận Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, phần nhiều là đất công ích 5% do UBND các xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý. Tại Khoản 3 Điều 132 Luật Đất đai 2013 cho phép hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê đất để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên thời hạn sử dụng mỗi lần thuê không quá… 5 năm.

Cái sảy nảy cái ung, vướng mắc cũng từ đây mà ra. Cần biết rằng chi phí đầu tư cho nghề nuôi tôm rất cao, tiền trăm bạc tỷ lắm lúc chưa thấm tháp vào đâu, do đó cần thời gian đủ dài để gỡ gạc đồng vốn trước khi toan tính sinh lời. Từ cơ sở trên, thấy rằng việc áp chế khung thời gian quá ngắn chẳng khác nào đòn đau, giáng mạnh vào tham vọng của các chủ đầm.  

Hạn mức '5 năm' khiến nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn Nghệ An đắn đo, bối rối. Ảnh: Việt Khánh.

Hạn mức "5 năm" khiến nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn Nghệ An đắn đo, bối rối. Ảnh: Việt Khánh.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Quảng Bình giám sát chặt hơn 150 tàu cá của một số tỉnh vào tránh bão

Sau bão số 6, tỉnh Quảng Bình đã quản lý chặt chẽ hơn 150 tàu cá của ngư dân các tỉnh vào tránh trú bão.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.