Việc các hộ dân chiếm dụng mặt nước, đóng lồng bè nuôi cá, hàu và vẹm đen, gây cản trở tàu thuyền ra vào khu vực neo đậu; gây ô nhiễm môi trường. Đây là những thách thức không nhỏ trong quản lý nhà nước tại một số địa phương của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua.
Thanh Hóa là địa phương có điều kiện thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước mặn, nước lợ. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề nuôi trồng thủy sản tại các cửa sông, cửa biển đang giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định trong bối cảnh nguồn lợi khai thác thủy sản đang dần cạn kiệt. Tuy nhiên, song song với việc quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện từng vùng, thì vài năm trở lại đây, tình trạng nuôi trồngthủy sản tự phát (chủ yếu là nuôi cá lồng, hàu, vẹm) tại một số địa phương trong tỉnh có xu hướng gia tăng.
Việc các hộ dân dân chiếm dụng mặt nước, đóng lồng bè nuôi cá, hàu và vẹm đen, gây cản trở tàu thuyền ra vào khu vực neo đậu; gây ô nhiễm môi trường. Đây là những thách thức không nhỏ trong quản lý nhà nước tại một số địa phương của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua.
Vùng cửa sông Lạch Bạng, đoạn chảy qua các phường Hải Thanh, Hải Bình, Xuân Lâm và Bình Minh, thị xã Nghi Sơn, từ năm 2012 là khu tránh trú bão cho tàu thuyền của ngư dân. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, tại khu vực khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Bạng (trên dòng sông kênh Than, đoạn từ đầu luồng nối với sông Bạng đến gần cầu Đò Bè) xuất hiện việc nhiều hộ dân đặt lồng, bè nuôi trồng thủy sản tự phát. Hiện nay, tại khu vực này có 55 hộ dân đặt lồng, bè nuôi thủy sản, trong đó có 623 lồng nuôi cá, 464 bè nuôi hàu, vẹm.
Phỏng vấn anh Nguyễn Văn Chung (thôn Thanh Xuyên, xã Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn): Vài năm gần đây, cá mực khan hiếm cho nên người dân mới đầu tư lồng bè nuôi thủy sản để kiếm thêm thu nhập. Người dân biết là làm trái phép nhưng không còn cách nào cả…”.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại nhiều vị trí trên tuyến sông Lạch Bạng bị chật kín các lồng cá, không còn chỗ neo đậu tàu thuyền. Điều đáng nói, mặc dù tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Việc nuôi trồng thủy sản tự phát này diễn ra đã hơn 10 năm, vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Phỏng vấn ông Đinh Tiến Đạt, cán bộ phụ trách cảng cá Lạch Bạng (Thanh Hóa): Trước tình trạng lồng nuôi trồng thủy sản tự phát ảnh hưởng không nhỏ tới tình trạng tàu thuyền ra vào khu neo đậu tránh trú bão. Trước thực trạng trên, đơn vị đã báo cáo với Sở NN-PTNT và phối hợp với lực lượng chức năng trong việc vận động hộ dân tháo dỡ, di dời các lồng bè trong khu neo đậu.
Phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) có 13 hộ dân nuôi trồng thủy sản trái phép chủ yếu là hàu, vẹm tại khu vực âu thuyền Lạch Bạng với 121 bè nuôi tự phát. Sau khi Sở NN-PTNT Thanh Hóa và thị xã Nghi Sơn có văn bản chỉ đạo rà soát và xử lý việc nuôi trồng thủy sản tự phát, UBND phường Hải Thanh đã phối hợp với các tổ dân phố tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự nguyên tháo dỡ bè mảng nuôi hàu, vẹm trái phép.
Phỏng vấn ông Phạm Văn Định, cán bộ phụ trách nuôi trồng thủy sản phường Hải Thanh: “Sau khi có kế hoạch của thị xã Nghi Sơn, UBND phường đã vận động các hộ dân ký vào văn bản tháo dỡ. Ban đầu người dân chư đồng thuận vì nếu thực hiện sẽ gây thiệt hại tiền của đã đầu tư. Tuy nhiên, sau một thơi gian, được sự vận động, tuyên truyền của cán bộ nhiều hộ dân đã tự nguyện giải bản lồng bè. Trong quá trình thực hiện, do dân không có nhân lực thực hiện tháo dỡ, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng để phụ giúp”.
Tính đến tháng 6/2024, toàn thị xã Nghi Sơn có 251 hộ dân nuôi trồng thủy sản trái phép với tổng số 3.434 lồng, bè nuôi, trong đó có 2.674 lồng nuôi cá; 1.698 bè nuôi hàu, vẹm; 62 hộ dân nuôi tôm. Việc nuôi trồng thủy sản tự phát không chỉ khiến người dân đối diện với nhiều rủi ro dịch bệnh mà còn gây ô nhiễm môi trường; chịu thiệt hại về kinh tế khi bị cưỡng chế tháo dỡ các bè, mảng đã đầu tư.
Hiện nay, thị xã Nghi Sơn phối hợp với Ban quản lý Cảng cá Thanh Hóa tiếp tục thực hiện tuyên truyền, vận động người dân giải bản bè mảng, di dời các lồng bè nuôi thủy sản tại khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Bạng. Đến nay, tại âu thuyền đã có hàng trăm bè mảng nuôi hàu, vẹm, cá lồng trái phép đã được tháo dỡ.
Phỏng vấn ông Nguyễn Thành Nhân, Phó trưởng Phòng Kinh tế, UBND thị xã Nghi Sơn: “Hiện nay, các địa phương đã ra quân giải bản khu vực neo đậu tàu thuyền tại sông Lạch Bạng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, bố trí các hộ dân có nhu cầu nuôi trồng thủy sản vào khu vực được quy hoạch; phối hợp với phòng Lao động, thương Binh, xã hội hướng dẫn và đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi nghề nghiệp”.
Thưa quý vị và bà con!
Song song với việc khắc phục những tồn tại trong hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, để phát triển bền vững ngành thủy sản, ngày 5/6/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án phát triển thủy sản nhanh và bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, ngành thủy sản của tỉnh được định hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững, gắn với chế biến và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phục vụ mục tiêu quốc phòng. Đồng thời, khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi hợp lý để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Hy vọng rằng, với chiến lược phát triển bài bản ngành thủy sản nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng, các sản phẩm thủy sản của tỉnh Thanh Hóa sẽ khẳng định được vị thế và chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.