| Hotline: 0983.970.780

Tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, tràn lan

Thứ Năm 03/11/2022 , 21:20 (GMT+7)

Quảng Ninh đang tồn tại tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, tràn lan. Để giải quyết vấn đề đó cần quy hoạch vùng nuôi để phát triển nuôi biển bền vững.

z3851387474162_c94d79abfc4f97e091d9fd111f30fd1d

Hội thảo quốc gia "Nuôi biển Việt Nam" năm 2022 diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh là tỉnh có bờ biển dài 250 km chạy dọc từ Móng Cái đến Quảng Yên, có vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ cùng hơn 43 nghìn héc-ta rừng ngập mặn và bãi triều. Đặc biệt, vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng được xác định là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước, có nguồn lợi hải sản đa dạng, phong phú. 

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông thủy, bộ và hàng không được đầu tư đồng bộ và nằm trong quy hoạch hệ thống khu kinh tế ven biển của quốc gia; có thị trường tiêu thụ rộng lớn như thị trường Đông Bắc Á, vùng đồng bằng sông Hồng và nội tỉnh Quảng Ninh. Đây là những tiềm năng, lợi thế nổi trội của tỉnh Quảng Ninh, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế thủy sản, nhất là nghề nuôi trồng thủy sản trên biển.

Tính đến thời điểm hiện nay, diện tích thủy sản nuôi trồng tại Quảng Ninh đạt 32.092 ha, trong đó có 7.500 ha nuôi tôm, cá biển ao đầm đạt 2.208 ha, 9.500 ha nuôi nhuyễn thể, 2.500 ha nuôi nước ngọt, 10.384 ha nuôi các đối tượng khác và 14.502 lồng nuôi cá biển.

Toàn tỉnh có 18 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản (trong đó có 8 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá biển; chiếm tỉ lệ 44%) đã sản xuất, ương dưỡng tại chỗ và cung ứng khoảng 2.221 triệu giống thủy sản ra thị trường trong, ngoài tỉnh: giống tôm là 1.820 triệu con, giống cá biển là 7 triệu con, nhuyễn thể là 285 triệu con, cá nước ngọt là 39 triệu con và đối tượng nuôi khác là 70 triệu con.

Song song với những thành quả đã đạt được, tỉnh Quảng Ninh vẫn còn tồn tại tình trạng phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa bền vững, có nơi, có lúc còn tự phát. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch vùng nuôi.

20211202_152708

Quảng Ninh có tiềm năng, lợi thế để phát triển nghề nuôi biển. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ngày 3/11, Bộ NN-PTNT  phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo quốc gia "Nuôi biển Việt Nam" năm 2022. Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, nuôi biển ở nước ta hiện còn nhiều hạn chế như mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết; trình độ kỹ thuật của người dân chưa đáp ứng yêu cầu; khoa học công nghệ sản xuất giống còn yếu, công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè chưa thích ứng với điều kiện thời tiết... Bên cạnh đó bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý môi trường biển và kiểm soát dịch bệnh.

Theo đại diện Sở NN-PTNT Quảng Ninh, đến tháng 10/2022, đơn vị cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương ven biển đã chủ động rà soát, cập nhật, tích hợp quy hoạch vùng nuôi biển tập trung vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Quy hoạch bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu Tổng cục Thủy sản phối hợp với tỉnh Quảng Ninh cùng Sở NN-PTNT vẽ bản đồ, các quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Đây là việc làm cần thiết khi nhìn về tổng thể trước mắt và lâu dài là phải thực hiện.

Thứ trưởng đề nghị quy hoạch phải rà soát chi tiết, đến từng đối tượng, tổng hợp lại các khu vực như nội đồng, vùng ven bờ, trước 6 hải lý và sau 6 hải lý phải rõ ràng, để khi mở đến quy hoạch kinh tế của tỉnh ra, nói đến quy hoạch thủy sản phải thấy rõ, đầy đủ.

Kế hoạch đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu dịch chuyển và giảm diện tích, mật độ nuôi ở vùng biển từ 3 hải lý trở vào; mở rộng diện tích nuôi thủy sản biển phù hợp với sức tải môi trường trong giới hạn từ 3 đến 6 hải lý; phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển tại các địa phương ven biển (Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Hạ Long,…) có điều kiện tự nhiên thích hợp và phù hợp với định hướng, kế hoạch sử dụng không gian biển.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng đầu năm 2022 đạt 65.185 tấn. Tỉnh đã thả nuôi khoảng 5.181 triệu con giống các loại, trong đó có 1.790 triệu con tôm giống, 3.100 triệu con giống nhuyễn thể, 52 triệu cá biển giống, 49 triệu giống cá nước ngọt, 190 triệu con giống khác.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.