| Hotline: 0983.970.780

Nuôi thủy sản tự phát mất mát đủ đường

Chủ Nhật 04/08/2024 , 08:34 (GMT+7)

Tại thị xã Nghi Sơn, việc nuôi trồng thủy sản tự phát gây hệ lụy xấu về môi trường, làm cản trở tàu thuyền cập bến.

Xả thải ra biển 

Dù không có quy hoạch đất nuôi trồng thủy sản tại khu vực ven biển, thế nhưng vài năm trở lại đây, tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát trên địa phường Tĩnh Hải (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) phát triển khá mạnh.

Theo ghi nhận, tại phường Tĩnh Hải có 5 khu nuôi trồng thủy sản tự phát, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng, tập trung chủ yếu tại tổ dân phố Liên Vinh. Mỗi khu vực nuôi cách nhau khoảng vài trăm m2. Diện tích khu vực nuôi lớn nhất khoảng 4.000m2, nhỏ nhất cũng phải vài trăm m2. Bên trong, các ao nuôi được lót bạt, xây bể nổi để nuôi, chiều cao khoảng 1,2-1,5m; Các khu vực nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát chủ yếu nằm trên đất ở, đất nông nghiệp của người dân.

Khu vực nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình ông Ngợi không thuộc quy hoạch đất nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Quốc Toản.

Khu vực nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình ông Ngợi không thuộc quy hoạch đất nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nguyễn Văn Ngợi (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) cách đây 4 năm đã thuê 4.000m2 đất nông nghiệp của một vài hộ dân tại khu phố Liên Vinh và đầu tư hàng tỷ đồng để làm 8 ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Để có được khu nuôi bề thế như hiện nay, ông Ngợi đã bỏ ra khá nhiều công sức và tiền của để san lấp mặt bằng, đầu tư thiết bị, máy móc, xây dựng nhà màng…

Cũng theo tiết lộ của chủ đầm tôm, có vụ, sản lượng thu hoạch tôm thẻ chân trắng đạt tới 10 tấn. Sau khi trừ chi phí, nông dân này thu lãi khoảng hơn 1 tỷ đồng/vụ. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều hộ dân nuôi tôm tự phát khác, năng suất và sản lượng tôm các năm của gia đình ông Ngợi không ổn định, gây nhiều khó khăn cho người nuôi, nhất là vấn đề vốn để tái thả giống. Trước đây ông Ngợi có 2 khu vực nuôi tôm thẻ chân trắng, thì nay đã chuyển nhượng lại 1 đầm tôm cho hộ dân khác.  

Theo quan sát, nhiều ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại phường Tĩnh Hải không được đầu hệ thống xử lý nước thải bài bản; nước thải được lắng lọc hoặc xử lý qua loa rồi thải ra ao chứa và đổ ra biển, khiến môi trường ở khu vực nuôi bốc mùi hôi thối.

Nước thải tại khu vực nuôi tôm được xử lý sơ sài và tuồn ra ao chứa nhỏ. Ảnh: Quốc Toản.

Nước thải tại khu vực nuôi tôm được xử lý sơ sài và tuồn ra ao chứa nhỏ. Ảnh: Quốc Toản.

Theo thống kê, tính đến tháng 6/2024, trên địa bàn thị xã Nghi Sơn có khoảng 62 hộ và doanh nghiệp nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát, tập trung chủ yếu tại phường Hải Thanh, Tĩnh Hải, Hải Bình…

Mặc dù UBND thị xã Nghi Sơn đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê số hộ nuôi tôm tự phát, đồng thời vận động các hộ dân ký cam kết tự tháo dỡ các công trình vi phạm, tuyệt đối không để các hộ thả con giống mới, thế nhưng một số phường của thị xã (điển hình như tại phường Tĩnh Hải) khá thờ ơ, hoặc không có động thái quyết liệt trong xử lý nghiêm vi phạm.

Nước thải từ ao tôm chảy ra biển bốc mùi hôi thối khó chịu. Ảnh: Quốc Toản.

Nước thải từ ao tôm chảy ra biển bốc mùi hôi thối khó chịu. Ảnh: Quốc Toản.

Khi được hỏi về tình trạng nuôi tôm tự phát trên địa bàn phường, ông Nguyễn Minh Tân, Chủ tịch UBND phường Tĩnh Hải và cán bộ phụ trách lĩnh vực này không nắm rõ trên địa bàn phường có bao nhiêu ao nuôi tôm tự phát. 

Nuôi tự phát, bất lợi đủ đường

Vùng cửa sông Lạch Bạng, đoạn chảy qua các phường Hải Thanh, Hải Bình, Xuân Lâm và Bình Minh, thị xã Nghi Sơn, từ năm 2012 là khu tránh trú bão cho tàu thuyền của ngư dân. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, tại khu vực khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Bạng (trên dòng sông kênh Than, đoạn từ đầu luồng nối với sông Bạng đến gần cầu Đò Bè) xuất hiện việc nhiều hộ dân đặt lồng, bè nuôi trồng thủy sản tự phát.

Hiện nay, tại khu vực này có 55 hộ dân đặt lồng, bè nuôi thủy sản, trong đó có 623 lồng nuôi cá, 464 bè nuôi hàu, vẹm. Việc các hộ dân dân chiếm dụng mặt nước, đóng lồng bè nuôi cá, hàu và vẹm đen, gây cản trở tàu thuyền ra vào. Có thời điểm cửa sông còn rất ít vị trí để tàu bè neo đậu hoặc gặp khó khăn khi di chuyển.

Ông Hồ Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND phường Hải Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Thanh (Nghi Sơn, Thanh Hóa) cho biết, trên địa bàn phường có 13 hộ dân nuôi trồng thủy sản trái phép (hàu, vẹm) với 121 bè nuôi tự phát. Theo ông Sơn, nguyên nhân dẫn đến việc phát sinh hoạt động nuôi trồng thủy sản tự phát là do nguồn lợi khai thác thủy sản dần cạn kiệt, ngư dân chuyển đổi sang hình thức nuôi trồng thủy sản để kiếm thêm thu nhập.

“Sau khi Sở NN-PTNT Thanh Hóa và thị xã Nghi Sơn có văn bản chỉ đạo rà soát và xử lý việc nuôi trồng thủy sản tự phát, UBND phường Hải Thanh đã phối hợp với các tổ dân phố tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự nguyên tháo dỡ bè mảng nuôi hàu, vẹm trái phép. Đến nay, lực lượng chức năng và người dân (các hộ tự nguyện tháo dỡ) đã tháo dỡ 71 bè nuôi tự phát. Trong thời gian tới phường tiếp tục chỉ đạo tháo dỡ toàn bộ số bè nuôi hàu, vẹm trái phép để trả lại âu tránh trú bão cho tàu thuyền cập bến”, ông Dũng cho biết.

Phường Hải Thanh giải bản các bè nuôi hàu, vẹm trái phép. Ảnh: Quốc Toản. 

Phường Hải Thanh giải bản các bè nuôi hàu, vẹm trái phép. Ảnh: Quốc Toản

Tính đến tháng 6/2024, toàn thị xã Nghi Sơn có 251 hộ dân nuôi trồng thủy sản trái phép với tổng số 3.434 lồng, bè nuôi, trong đó có 2.674 lồng nuôi cá; 1.698 bè nuôi hàu, vẹm; 62 hộ dân nuôi tôm. Việc nuôi trồng thủy sản tự phát không chỉ khiến người dân đối diện với nhiều rủi ro dịch bệnh mà còn gây ô nhiễm môi trường; chịu thiệt hại về kinh tế khi bị cưỡng chế tháo dỡ các bè, mảng đã đầu tư.

Trước thực trạng nuôi trồng thủy sản tự phát tại nhiều địa phương, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với UBND thị xã Nghi Sơn, Ban quản lý Cảng cá Thanh Hóa thực hiện tuyên truyền, vận động người dân giải bản bè mảng, di dời các lồng bè nuôi thủy sản tại khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Bạng. Đến nay, tại âu thuyền đã có hàng trăm bè mảng nuôi hàu, vẹm, cá lồng trái phép đã được tháo dỡ.

Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra, lập biên bản và xử lý vi phạm đối với các hộ dân lấn chiếm đặt lồng, bè nuôi trái phép tại mặt nước khu neo đậu tránh trú bão Lạch Bạng; thực hiện đồng bộ các giải pháp cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ lồng, bè nuôi thủy sản tự phát tại khu neo đậu tránh trú bão Lạch Bạng trước mùa mưa bão. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện việc nuôi thủy sản lồng, bè theo đúng quy định của pháp luật và chỉ được phép nuôi tại khu vực đã được quy hoạch theo Quyết định số 4716/QĐ-UBND ngày 28/12/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề án phát triển nuôi cá lồng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất