Nhóm nghiên cứu tại Viện Sinh thái nước ngọt Leibniz cho biết đã tìm thấy tại Hồ Stechlin ở Đông Bắc nước Đức các loại vi nấm sinh sôi được trên nhựa mà không cần hấp thụ nguồn carbon nào. Điều này đã dẫn đến giả thuyết về một số loại nấm có khả năng phân hủy polyme tổng hợp để làm thức ăn.
Phát hiện nấm có thể 'ăn' nhựa giúp giải bài toán rác thải toàn cầu
Mỗi năm, có hàng triệu tấn rác thải nhựa trên khắp thế giới đổ ra các đại dương, gây ra vấn đề lớn về môi trường bởi phải mất hàng thập kỷ số rác thải này mới có thể phân hủy. Thế nhưng mới đây, các nhà khoa học ở Đức cho rằng họ đã tìm thấy một “lời giải” cho bài toán này, đó là những chủng nấm có thể "ăn" nhựa.
Nhóm nghiên cứu tại Viện Sinh thái nước ngọt Leibniz cho biết đã tìm thấy tại Hồ Stechlin ở Đông Bắc nước Đức các loại vi nấm sinh sôi được trên nhựa mà không cần hấp thụ nguồn carbon nào. Điều này đã dẫn đến giả thuyết về một số loại nấm có khả năng phân hủy polyme tổng hợp để làm thức ăn.
Trong số 18 chủng nấm được chọn để phân tích, có 4 chủng có thể “ăn” nhựa theo cách trên. Trong đó, keo bọt xốp dùng trong xây dựng là loại nhựa mà nấm dễ phân hủy nhất, túi nhựa và vật liệu đóng gói phân hủy chậm hơn, còn vi nhựa từ lốp xe là loại khó “ăn” nhất.
Ông Hans-Peter Grossart - Trưởng nhóm nghiên cứu: Đây là phát hiện rất phi thường vì rõ ràng những chủng nấm chúng tôi đang nghiên cứu có khả năng phân hủy một số loại polyme tổng hợp.
Tuy nhiên, hoạt động của nấm phụ thuộc nhiều vào các điều kiện bên ngoài như nhiệt độ. Do đó, dù nấm ăn nhựa có thể ứng dụng trong một số điều kiện nhất định, song khó có khả năng trở thành giải pháp cho tình trạng rác thải tràn lan toàn cầu.
Thay vào đó, cộng đồng nên cố gắng thải càng ít nhựa ra môi trường càng tốt./.