| Hotline: 0983.970.780

Hiểu thấu đáo hơn mục tiêu của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Thứ Tư 17/07/2024 , 10:30 (GMT+7)

Theo ông Nguyễn Như Cường, mục tiêu quan trọng đầu tiên của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là tiết kiệm chi phí, gia tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Giải quyết thách thức, phát triển bền vững ngành lúa gạo

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa sản xuất lúa lớn nhất nước, chiếm hơn 50% tổng sản lượng và hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là vùng chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Minh chứng rõ ràng nhất là tình trạng xâm nhập mặn diễn ra phức tạp vào các năm 2015 - 2016, 2019 - 2020 và gần đây nhất là trong vụ đông xuân 2023 - 2024.

Theo ông Nguyễn Như Cường, cần hiểu thấu đáo hơn những mục tiêu mà Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao hướng tới. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Nguyễn Như Cường, cần hiểu thấu đáo hơn những mục tiêu mà Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao hướng tới. Ảnh: Trung Quân.

Một thách thức khác đối với sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL là quy mô nhỏ lẻ, nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao; yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm và trách nhiệm với môi trường, xã hội.

Đặc biệt, các nghiên cứu, đánh giá chỉ ra rằng, hoạt động sản xuất lúa gạo tạo ra lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Một câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để thay đổi căn cơ chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo tại ĐBSCL, giải quyết triệt để những tồn tại, thách thức đang phải đối diện.

Trong bối cảnh đó, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (sau đây viết tắt là Đề án) ra đời được kỳ vọng sẽ mang đến giải pháp tối ưu giúp gia tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân và phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo tại ĐBSCL.

Mục tiêu quan trọng nhất của Đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như thu nhập và đời sống của người trồng lúa; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Lợi ích trước hết của canh tác lúa giảm phát thải đó là giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân. Ảnh: NNVN.

Lợi ích trước hết của canh tác lúa giảm phát thải đó là giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân. Ảnh: NNVN.

Để làm được điều này, trước hết phải tổ chức lại sản xuất một cách bài bản, đồng bộ theo hướng tổ chức các hộ trồng lúa thành hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác hay tổ chức của nông dân. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia Đề án ký kết hợp đồng liên kết với các HTX, hộ sản xuất để cung cấp đầu vào chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Cùng với đó là hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm logistics gắn với vùng chuyên canh có sự tham gia của các HTX và doanh nghiệp. Đồng thời, tập huấn, chuyển giao cho nông dân trồng lúa và HTX biện pháp canh tác bền vững như xử lý rơm rạ; kiến thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; kiến thức quản trị, kinh doanh, thị trường, chuyển đổi số…

Thông qua việc xây dựng các chuỗi liên kết bền chặt và ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sẽ từng bước hình thành vùng sản xuất lúa tập trung, quy mô lớn; tạo sự đồng nhất về chất lượng, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Hiểu đúng mục tiêu của Đề án ở từng giai đoạn

Theo ông Nguyễn Như Cường, điểm mấu chốt của Đề án là tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật để đạt được mục tiêu kép. Việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “tưới ngập - khô xen kẽ”… mục tiêu đầu tiên là giúp nông dân giảm vật tư đầu vào (phân bón, giống, nước...) để tiết kiệm chi phí, gia tăng giá trị sản xuất. Song song đó, vấn đề giảm phát thải khí nhà kính cũng được đặt ra.

Việc áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến sẽ giúp giảm vật tư đầu vào, gia tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ sản xuất tham gia Đề án khoảng 15 - 20%, thậm chí 30%. Ảnh: Hồng Bỉnh Hiếu.

Việc áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến sẽ giúp giảm vật tư đầu vào, gia tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ sản xuất tham gia Đề án khoảng 15 - 20%, thậm chí 30%. Ảnh: Hồng Bỉnh Hiếu.

Hiện nay, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu thấu đáo và cho rằng việc triển khai Đề án là để được cấp và bán tín chỉ carbon với giá trị cao. Điều này chúng ta có thể làm được nhưng đó là câu chuyện trong tương lai. Bởi lẽ, chỉ khi áp dụng thành công, thuần thục các giải pháp canh tác lúa tiên tiến, nhất là kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ thì mới có thể giảm được lượng phát thải, mới có thể mang lại nguồn thu từ việc giao dịch thị trường carbon.

Tuy nhiên, đây là việc không hề đơn giản, đòi hỏi phải có một quy mô canh tác đủ lớn; nông dân thực sự thay đổi nhận thức, thói quen canh tác truyền thống; hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, chủ động tưới tiêu; cơ chế chính sách khuyến khích nông dân áp dụng khoa học công nghệ; chi phí vận hành hệ thống đánh giá, giám sát…

Nếu bình tâm trở lại, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy việc áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến sẽ giúp giảm vật tư đầu vào (phân bón, giống, nước…) một cách tối đa. Khi vật tư đầu vào giảm, ngay lập tức sẽ gia tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ sản xuất tham gia Đề án khoảng 15 - 20%, thậm chí 30%. Song song với nâng cao hiệu quả kinh tế, chúng ta sẽ xác định được mức độ giảm phát thải.

Tưới ngập - khô xen kẽ là một trong những giải pháp kỹ thuật quan trọng trong canh tác lúa giảm phát thải. Ảnh: NNVN.

Tưới ngập - khô xen kẽ là một trong những giải pháp kỹ thuật quan trọng trong canh tác lúa giảm phát thải. Ảnh: NNVN.

Khi việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật trở nên thuần thục, bài bản và xác định được mức độ giảm phát thải, chúng ta có thể thực hiện được việc chứng nhận gạo Việt Nam giảm phát thải. Từ đó, hình ảnh, thương hiệu, giá trị của lúa gạo Việt Nam được nâng lên, thuận lợi đi vào những thị trường khó tính, yêu cầu cao về canh tác trách nhiệm, bền vững như Mỹ, châu Âu…

Đồng bộ nhiều giải pháp

Ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh, khó khăn, nút thắt trong việc triển khai Đề án đã được nhận định. Do đó, để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đặt ra, Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt và các đơn vị liên quan đã nhanh chóng xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, quy định, quy trình… để thu hút, hướng dẫn, huy động tất cả các nguồn lực từ khối nhà nước, tư nhân, nông dân, HTX tích cực tham gia Đề án.

Có thể kể đến, Bộ NN-PTNT đã ban hành quyết định về việc hướng dẫn nội dung khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia Đề án. Đồng thời, triển khai 7 mô hình thí điểm ở 5 tỉnh ĐBSCL (Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp), thời gian triển khai thực hiện trong 3 vụ liên tiếp (hè thu 2024 - thu đông 2024 - đông xuân 2024 - 2025 hoặc thu đông 2024 - đông xuân 2024- 2025 - hè thu 2025). Trong đó, áp dụng các quy trình canh tác được Cục Trồng trọt ban hành nhằm giảm vật tư đầu vào, giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải.

Bộ NN-PTNT và các đơn vị liên quan đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đạt được những mục tiêu Đề án đặt ra. Ảnh: Phạm Hải.

Bộ NN-PTNT và các đơn vị liên quan đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đạt được những mục tiêu Đề án đặt ra. Ảnh: Phạm Hải.

Cục Trồng trọt cũng đang phối hợp với Viện Môi trường nông nghiệp và các địa phương thử nghiệm xác định lượng khí nhà kính mà chúng ta giảm được khi áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến ở những điều kiện cụ thể, ở từng mùa vụ khác nhau.

Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt, với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) và các chuyên gia trong nước cũng đang xây dựng “Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL” (Quy trình 1 triệu ha) để áp dụng cho vùng sản xuất trong Đề án và ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện. Mặt khác, tham mưu cho Bộ NN-PTNT ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV) tại các mô hình thí điểm triển khai Đề án…

Theo nhiều chuyên gia, Đề án thực hiện đến năm 2030, tuy nhiên bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật, ngay từ bây giờ cần có chính sách tạo động lực để thu hút được các doanh nghiệp tham gia. Doanh nghiệp phải là trung tâm, đầu kéo thực hiện Đề án cũng như dẫn dắt nông dân phát triển chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo bền vững tại ĐBSCL.

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Cho vịt ở… khách sạn

THANH HÓA Chăn nuôi vịt an toàn sinh học mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa hạn chế dịch bệnh lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).