Không bất cẩn, chủ quan
Từ ngày 29/7 đến ngày 31/7, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có mưa to đến rất to tại nhiều địa phương gây sạt lở, ngập sâu cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Đặc biệt lũ quét làm 1 người chết tại huyện Định Hóa.
Hiện đang là mùa mưa lũ ở Bắc bộ, do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã gửi Công điện yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố tập trung ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thiên tai trên địa bàn.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn chủ quan.
Đồng thời, thông báo đến người dân những vị trí nguy hiểm, có nguy cơ mất an toàn khi có mưa lũ xảy ra, đồng thời tuyên truyền đến người dân trên địa bàn nâng cao ý thức, chủ động phòng tránh khi xảy ra mưa lũ, kịp thời tổ chức sơ tán ngay các hộ dân trong khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đến nơi an toàn; triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm kịp thời, hiệu quả để giảm thiệt hại cho người dân.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật nếu để xảy ra lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại về tính mạng của người dân.
Bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập khi xảy ra mưa lũ
Tại Công văn, UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh chủ động chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất theo đề nghị của địa phương.
Sở NN-PTNT phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, vận hành an toàn các hồ thủy lợi, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước; chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đối với sản xuất nông nghiệp.
Sở Công Thương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đối với lực lượng công trình thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, nhất là hệ thống cung cấp, truyền tải điện, các mỏ khai thác khoáng sản, bãi đổ thải, hồ chứa bùn thải; chỉ đạo khôi phục nhanh hệ thống điện bị sự cố, bảo đảm cấp điện an toàn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi (Công ty TNHH MTVKhai thác thủy lợi Thái Nguyên, UBND cấp huyện) quản lý, vận hành và kịp thời thông báo việc xả nước các công trình thủy lợi được giao đúng quy định, đặc biệt đối với công trình hồ Núi Cốc.
Đối với huyện Định Hóa, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đề nghị Chủ tịch UBND huyện phối hợp với gia đình lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng; thăm hỏi động viên, thực hiện chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị nạn theo quy định.
Bên cạnh đó, báo cáo việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, đặc biệt việc tổ chức thực hiện cảnh báo, kiểm soát tại các vị trí ngầm tràn; kiểm tra làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân nhân chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân (nếu có) để xảy ra thiệt hại về người tại xã Định Biên, huyện Định Hóa, báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND tỉnh trước 16h ngày 31/7/2024.