Với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, ngành thủy sản của tỉnh Tuyên Quang không ngừng lớn mạnh, vươn xa đến các thị trường lớn. 2 cơ sở nuôi cá lồng đã được Bộ NN-PTNT đưa vào danh sách địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch.
Với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, ngành thủy sản của tỉnh Tuyên Quang không ngừng lớn mạnh. Nếu như giai đoạn 2011 - 2015, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của tỉnh Tuyên Quang là hơn 11.400ha; số lượng lồng nuôi là 960 lồng thì đến nay, toàn tỉnh có 2.250 lồng cá, trong đó, trên hồ thủy điện là 1.700 lồng, trên sông là 555 lồng.
Dọc tuyến sông Lô, sông Gâm tại các huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương, Na Hang, thành phố Tuyên Quang… đâu đâu cũng thấy những làng làm nghề nuôi cá lồng. Khu vực nuôi ít thì vài chục lồng, khu nuôi nhiều lên đến cả trăm lồng cá, với nhiều loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá bỗng, lăng, chiên… Nghề nuôi cá lồng trở thành sinh kế bền vững cho người nông dân ở Tuyên Quang.
Song song với việc phát triển số lượng lồng nuôi, ngành thủy sản Tuyên Quang chú trọng đến chất lượng sản phẩm thủy sản, chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 10 cơ sở nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP, 15 sản phẩm được công nhận, xếp hạng đạt sao OCOP; có 2 cơ sở nuôi cá lồng được Bộ NN-PTNT đưa vào danh sách địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch.
Với lòng hồ rộng hơn 8.000ha, Na Hang là địa phương có thế mạnh nổi bật để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, huyện luôn quan tâm phát triển nghề thủy sản, gắn với việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, trọng tâm là phát triển các loài cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao; gắn phát triển thủy sản với du lịch và dịch vụ, bảo vệ môi trường; phát triển sơ chế, chế biến đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu tôm hồ, cá hồ Na Hang... và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.
Hiện nay, sản lượng khai thác thủy sản hằng năm của huyện Na Hang đạt gần 2.200 tấn.
Tỉnh Tuyên Quang có nguồn tài nguyên nước phong phú, với khoảng 5,5 tỷ m3/năm. Trung bình cứ một ha đất tự nhiên có tới 9m sông suối và 9.375m3 nước. Đây là lợi thế to lớn để ngành thủy sản của địa phương này phát triển.
Tiềm năng lớn là thế, tuy nhiên trong những năm qua ngành thủy sản Tuyên Quang vẫn chưa có nhiều bứt phá. Cụ thể, giá trị kinh tế của ngành thủy sản Tuyên Quang vẫn còn khá khiêm tốn trong bức tranh cơ cấu kinh tế nông, lâm, thủy sản của tỉnh. Trong đó năm 2021, giá trị sản xuất thủy sản đạt 488 tỷ đồng, chiếm 29% cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp của tỉnh. Năm 2022, giá trị sản xuất của ngành này là 491 tỷ đồng, chiếm 29% cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp.
Cùng với đó, diện tích các vùng nuôi thủy sản hiện nay còn manh mún, nhỏ lẻ, phát triển chưa tuân thủ theo quy hoạch; chưa có vùng nuôi thủy sản tập trung được đầu tư đồng bộ nên gây khó khăn cho công tác quản lý về môi trường và dịch bệnh; chưa hình thành được các vùng nuôi an toàn, chưa tạo ra được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao.
Các hộ nuôi trồng thủy sản chưa đầu tư nhiều cho sản xuất do thiếu vốn. Các chính sách khuyến khích ưu đãi cho vay vốn để phát triển sản xuất thủy sản còn có những rào cản. Do đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua trang thiết bị, con giống, thức ăn chăn nuôi thủy sản của các hộ nuôi còn thiếu đồng bộ...
Tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu đến năm 2025, số lồng nuôi cá địa bàn được duy trì ổn định là 2.360 lồng, trong đó, huyện Na Hang 1.200 lồng, huyện Chiêm Hóa 405 lồng, huyện Lâm Bình 135 lồng, huyện Yên Sơn 280 lồng, huyện Hàm Yên 336 lồng… Tỉnh phấn đấu sản lượng thủy sản đến năm 2025 đạt 11.200 tấn, trong đó sản lượng cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao đạt 995 tấn.