Bộ NN-PTNT chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản cuối năm. Nghệ An đề xuất xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Xuất hiện hố sụt lún trên cánh đồng ở Bắc Kạn. Rau má xứ Thanh xuất ngoại.
Tin 1
CHỈ ĐẠO SẢN XUẤT NUÔI TRỒNG THỦY SẢN CUỐI NĂM
Quỳnh Anh kt
Theo Bộ NN-PTNT, 9 tháng đầu năm, sản xuất nuôi trồng thủy sản của nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thiệt hại. Để đảm bảo mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng của ngành, Bộ NN-PTNT vừa có Văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản các tháng cuối năm 2024.
Trong đó, đề nghị các địa phương tiếp tục hướng dẫn xuống giống thủy sản những diện tích chủ động kiểm soát điều kiện nuôi; tập trung quản lý, chăm sóc tốt đối tượng nuôi chủ lực như tôm nước lợ, cá tra. Khuyến khích phát triển sản xuất các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và các loài nuôi bản địa, đặc hữu để phát huy tiềm năng lợi thế tự nhiên đối với tất cả các loại hình nuôi trồng thủy sản nhằm bù đắp thiệt hại do bão số 3 và hoàn thành kế hoạch sản xuất cả năm 2024. Các tỉnh phía Bắc tổ chức hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật sản xuất, nuôi trồng thủy sản qua vụ Đông trong điều kiện nhiệt độ giảm sâu và có thể có rét đậm, rét hại kéo dài. Đồng thời, tuân thủ quy định pháp luật về thủy sản và tổ chức liên kết sản xuất tiêu thụ…
Tin 2
NGHỆ AN ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH
(Việt Khánh – Ngọc Linh thực hiện)
Nghệ An có đàn gia súc lớn của cả nước, điều này kéo theo nhiều nguy cơ dịch bệnh. Trên cơ sở đó, ngày 29/10 Đoàn công tác của Cục Thú y đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch và kế hoạch xây dựng vùng/cơ sở an toàn dịch bệnh tại địa bàn này.
Tính đến tháng 10/2024, Nghệ An có tổng đàn trâu bò ước trên 800.000 con, tổng đàn lợn ước trên 1 triệu con, gia cầm trên 37 triệu con… số lượng rất lớn nhưng quy mô nông hộ chiếm tỷ lệ cao, quá trình ứng phó dịch bệnh còn hạn chế là những thách thức đối với ngành chăn nuôi của tỉnh này.
Từ đầu năm 2024 đến nay tỉnh Nghệ An ghi nhận một số loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi như dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng, cúm gia cầm, dại chó… với quy mô nhỏ lẻ, cơ bản trong tầm kiểm soát. Dù vậy để ngành chăn nuôi phát triển tương xứng với tiềm năng cần những giải pháp bền vững hơn.
Từ chủ trương chung của Chính phủ, định hướng của Bộ NN-PTNT, tỉnh Nghệ An đang trình phương án xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh tại huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa đối với bệnh lở mồm long móng.Tin 3
XUẤT HIỆN HỐ SỤT LÚN TRÊN CÁNH ĐỒNG Ở BẮC KẠN
Ngọc Tú sản xuất
Gần đây, người dân thôn Nà Ó, xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn tá hỏa phát hiện hố sụt lún ở giữa cánh đồng của thôn. Hố sụt lún này có đường kính khoảng 1,6m, sâu hơn 4m, xung quanh là ruộng trồng lúa, ngô và hoa màu của người dân. Ghi nhận tại hiện trường của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, chính quyền địa phương đã căng dây, rào chắn hố sụt lún để đảm bảo an toàn. Theo người dân địa phương, đây là lần đầu tiên xuất hiện sụt lún tại khu vực này, xung quanh không có mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động. Từ lúc phát hiện đến nay không có thêm hố sụt lún mới. Do chưa từng xảy ra nên người dân trong khu vực lo lắng.
Phỏng vấn: Ông Lý Văn Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn
(Từ trước đến giờ ở đây không có trường hợp này xảy ra bao giờ đây tự nhiên có là hiện tượng lạ, địa phương chúng tôi kiểm tra- 18s).
Chính quyền xã Thanh Thịnh cũng đã gửi văn bản đến huyện Chợ Mới đề nghị cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân để bà con yên tâm sản xuất.
Tin 4:
RAU MÁ XỨ THANH XUẤT NGOẠI
Quốc Toản sản xuất
Anh Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương) là người người đầu tiên ở Thanh Hóa đưa cây rau má xứ Thanh trở thành mặt hàng thương phẩm vươn ra thế giới.
Cây rau má do Công ty CP xây dựng và thương mại Phong Cách Mới được nghiên cứu chế biến thành bột rau má mịn, nước uống rau má đóng chai, thạch rau má, trà túi lọc rau má...
Đến nay, các sản phẩm từ cây rau má của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá OCOP 4 sao và có nhiều đối tác quan tâm, đặt hàng. Sản phẩm không chỉ cung cấp trong nước, mà còn xuất khẩu sang nhiều nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Mỗi năm, các sản phẩm từ rau má mang lại cho doanh nghiệp doanh thu khoảng 25 tỷ đồng.
Hiện nay, anh Tân đang phối hợp với các bên có liên quan, hoàn tất thủ tục, hồ sơ để được cấp chứng nhận Halal. Dự kiến đầu năm 2025, doanh nghiệp sẽ xuất khẩu lô hàng rau má đầu tiên sang một số quốc gia theo đạo Hồi giáo.