Ông Siu Blí, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ayun (huyện Chư Sê, Gia Lai) được xem là người tiên phong trồng rừng gỗ lớn trên vùng đất khô cằn. Sau gần 6 năm, rừng gỗ gáo vàng phát triển mạnh mẽ, hứa hẹn đem lại sự đổi đời cho người dân trong vùng.
Tiên phong trồng rừng gỗ gáo vàng trên vùng đất khó
Do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất xã Ayun khắc nghiệt nên việc trồng cây gì, nuôi con gì vẫn là “bài toán” chưa có lời giải. Từ những trăn trở trên, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ông Siu Blí, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Ayun quyết định lựa chọn trồng cây gỗ gáo vàng. Năm 2019, ông Blí trồng gần 3.000 cây gỗ gáo vàng trên diện tích hơn 3ha tại làng A Chong, xã Ayun. Đến năm 2022, ông tiếp tục trồng thêm hơn 2ha. Đến nay, gỗ gáo vàng phát triển tốt, có cây đã có đường kính trên 20cm.
Phỏng vấn Ông Siu Blí, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai
Ở đây mình đã làm mì, trồng chuối rất nhiều nhưng đều thất bại. Qua tìm hiều từ bạn bè ở thị trấn và trên mạng loại cây cho giá trị cao và nhanh bền vững thì mình tìm thấy cây gáo vàng này. Năm 2019 mình trồng gần 3000 cây, năm 2022 mình trồng thêm hơn 2ha. Nếu muốn phát triển bền vững mình phải tìm hiểu trước.
Là đảng viên, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Ayun tâm niệm mình phải đi trước, làm trước thì người dân mới noi theo. Sau nhiều năm đầu tư, giờ đây cây gáo vàng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Ayun. Dự kiến rừng cây gáo vàng sẽ cho hoạch sau 1-2 năm nữa, sản lượng bình quân mỗi cây sẽ thu được hơn 1m3 gỗ. Với thời điểm giá hiện tại 1,5-2 triệu đồng/m3, ông Blí sẽ có một khoản thu nhập tương đối lớn từ mô hình trồng cây gáo vàng.
Phỏng vấn Ông Siu Blí, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai
Cái gì mình đạt được thì mình nói người dân sẽ nghe. Người dân có đất thì tôi sẽ hướng cho bà con nhân dân trồng chung, lợi nhuận thì chia đôi. Nói chung 5 năm, 7 năm cây này thì thu nhiều hơn các loại cây khác nếu giá cả ổn định.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn ngoài quy hoạch 3 loại rừng của ông Siu Blí được đánh giá rất có ý nghĩa, nhất là tại vùng đất khó Ayun. Không chỉ giúp phát triển kinh tế mà cây gáo vàng còn mang lại màu xanh, không khí trong lành cho khắp các thôn, làng. Ngành kiểm lâm địa phương cũng đang lên kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền vận động người dân thực hiện theo mô hình trồng cây gỗ lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Phỏng vấn Ông Thái Thượng Hải, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai
Mô hình trồng cây gáo vàng của ông Siu Blí qua thời gian tìm hiểu được biết ông Blí đã cây gáo vàng khoảng 6 năm và cây phát triển rất tốt trên vùng đất này. Nhân đây hạt kiểm lâm cũng lên kế hoạch phối hợp với các phòng ban hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trồng cây gỗ lớn và sẽ nhân rộng mô hình để người dân hiểu được lợi ích từ trồng rừng cây gỗ lớn.
Theo số liệu của UBND xã Ayun, diện tích đất bỏ hoang không có nước tưới ở địa phương là trên 100ha. Với sự thích hợp khí hậu, thổ nhưỡng của mảnh đất Ayun, cây gáo vàng đang thực sự mở ra cơ hội cho người dân nơi đây về trồng rừng gỗ lớn.