| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Thứ Sáu 04/10/2024 , 05:05 (GMT+7)

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Nhiều dự án trồng rừng kinh tế tại tỉnh Gia Lai đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: Đăng Lâm. 

Nhiều dự án trồng rừng kinh tế tại tỉnh Gia Lai đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: Đăng Lâm. 

Tỷ lệ che phủ đứng thứ 3 Tây Nguyên

Gia Lai có 649.997 ha rừng (rừng tự nhiên 478.687 ha, rừng trồng 171.310 ha), tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,95%. Tỷ lệ che phủ rừng của Gia Lai thấp hơn tỷ lệ chung toàn quốc (42,02%) và đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên (thấp hơn tỉnh Kon Tum (63,69%) và Lâm Đồng (54,37%).

Năm 2023, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp của tỉnh Gia Lai đạt 520 tỷ đồng, tăng 30,32% so với năm 2020 (tăng 121 tỷ đồng). Giai đoạn 2021- 2023 ngành lâm nghiệp của tỉnh đã thực hiện được một số kết qủa khá ấn tượng.

Trước tiên phải kể đến công tác trồng rừng, vấn đề này đã được chính quyền các cấp, chủ rừng, người dân quan tâm hơn, lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp với từng điều kiện lập địa, nguồn giống đưa vào trồng rừng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng... Theo đó chất lượng rừng, năng suất rừng trồng ngày càng được nâng cao. Tính riêng giai đoạn 2021- 2023, toàn tỉnh trồng được 24.325 ha.

Bên cạnh đó, nhiều biện pháp như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên, công tác phục hồi rừng được triển khai đồng bộ và quyết liệt. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ che phủ chung (bao gồm cây công nghiệp thân gỗ, cây trồng đa mục đích) đạt 47,33% (tăng 0,63% so với năm 2020), tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,95%.

Tại Gia Lai, diện tích rừng được cấp chứng chỉ bền vững gần 3.500 ha, có 16/34 đơn vị chủ rừng được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững. Đánh giá của ngành chức năng tỉnh này cho biết, vấn đề quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Gia Lai đã vượt qua thời kỳ suy thoái, đang phục hồi và phát triển tích cực, ngành lâm nghiệp đã được định hướng rõ và đang dần trở thành ngành kinh tế kỹ thuật thu hút được nguồn lực đầu tư, từng bước giải quyết tốt vấn đề sinh kế cho người dân sống gần rừng...

Gia Lai có tổng diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp hơn 723 ngàn ha; diện tích đất có rừng là 631.281 ha (trong đó rừng tự nhiên hơn 478.820 ha, rừng  trồng hơn 152.470 ha); tỷ lệ che phủ rừng và cây công nghiệp thân gỗ đạt 47%. Đây cũng là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất vùng Tây Nguyên, chiếm 25,2% diện tích toàn vùng và chiếm 4,3% diện tích cả nước.

Triển khai đồng bộ nhiều dự án

Cùng với việc tăng cường quản lý diện tích rừng, đất rừng theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tỉnh Gia Lai đang chú trọng phát triển rừng, phát triển lâm nghiệp xã hội, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng mang tính bền vững.

Để đạt tỷ lệ che phủ rừng là 47,75% vào năm 2025 và đến năm 2030 là trên 49,2%, Gia Lai chú trọng thu hút đầu tư nhiều dự án trồng rừng từ nguồn vốn ngoài ngân sách.

Phát dọn rừng trồng. Ảnh: Đăng Lâm. 

Phát dọn rừng trồng. Ảnh: Đăng Lâm. 

Trong danh sách 24 dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2023- 2025, có 4 dự án trồng rừng của tỉnh Gia Lai được triển khai, gồm dự án trồng rừng kết hợp chăn nuôi tại xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa), Dự án trồng rừng kết hợp chăn nuôi tại xã Kim Tân (huyện Ia Pa) và 2 dự án trồng rừng sản xuất tại xã Đăk Tơ Ver và xã Ia Khươl (huyện Chư Păh).

Dự án trồng rừng kết hợp chăn nuôi tại tiểu khu 1319 xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa) có diện tích gần 963 ha, đất do Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Rcăm đang quản lý. Dự án này phù hợp với Quyết định số 527/QĐ-UBND ngày 23/8/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất huyện Krông Pa.

Còn dự án trồng rừng kết hợp chăn nuôi tại huyện Ia Pa được triển khai tại tiểu khu 1153 thuộc xã vùng sâu Pờ Tó, tiểu khu 1171 xã Chư Răng, tiểu khu 1172 xã Kim Tân với tổng diện tích hơn 2.300 ha. Đây là vùng đất đất do UBND xã Pờ Tó quản lý gần 652 ha, UBND xã Chư Răng quản lý gần 896 ha, UBND xã Kim Tân quản lý hơn 752 ha. Dự án này được đánh giá là phù hợp với quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Riêng với dự án trồng rừng sản xuất tại tiểu khu 207 xã Đăk Tơ Ver và tiểu khu 197 xã Ia Khươl (huyện Chư Păh) có tổng diện tích hơn 640 ha, thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh quản lý. Dự án này được xác định là phù hợp với định hướng phát triển kinh tế- xã hội của huyện Chư Păh và phù hợp với quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh. Còn dự án trồng rừng sản xuất tại tiểu khu 205 xã Ia Khươl có diện tích hơn 247 ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ quản lý, đất chưa có rừng.

Phấn đấu tỷ lệ che phủ đạt 49,2%

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai thì, tỉnh này đề ra mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn đến năm 2025 là 47,75% và đến năm 2030 là trên 49,2%. Để đạt được mục tiêu trên, một trong những giải pháp quan trọng mà địa phương triển khai là kêu gọi, thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách nhiều dự án trồng rừng để phát triển lâm nghiệp bền vững, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Công nhân đi kiểm tra diện tích rừng trồng. Ảnh: Đ.L. 

Công nhân đi kiểm tra diện tích rừng trồng. Ảnh: Đ.L. 

Hiện toàn tỉnh đã có khoảng 35 dự án thuộc lĩnh vực nông- lâm nghiệp được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn hơn 2.600 tỷ đồng.

Ở huyện biên giới Ia Grai, Công ty TNHH MTV Minh Anh Nguyễn Gia Lai được đánh giá là một trong những đơn vị triển khai dự án trồng rừng sản xuất khá hiệu quả. Ông Trương Đình Vĩnh, đại diện công ty này cho biết, dự án có tổng vốn đầu tư gần 31,3 tỷ đồng. Công ty nhận trồng và chăm sóc 468,9 ha rừng, gồm cây trồng chủ yếu là keo lai, bời lời. Theo đăng ký đầu tư, khối lượng gỗ nguyên liệu dự kiến thu hoạch sau chu kỳ 7 năm khoảng 150- 200 m3/năm.

“Khi triển khai dự án, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ phía chính quyền cũng như các sở, ngành của tỉnh. Dự kiến đến năm 2027, rừng trồng sẽ khai thác, đồng thời tiến hành trồng lại vào năm 2028”, ông Vĩnh cho biết.

Ông Đinh Hữu Hòa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, với vai trò đầu mối, sở thường xuyên cung cấp thông tin trực tiếp và đưa tin hoạt động xúc tiến đầu tư, môi trường đầu tư, cơ sở dữ liệu đầu tư lên trang thông tin điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu, triển khai dự án. 

"Tỉnh cũng sẽ tổ chức rà soát, hướng dẫn và đối thoại với từng nhà đầu tư, từng dự án đầu tư có vướng mắc; ban hành sổ tay hướng dẫn quy trình đầu tư ngoài ngân sách, bảo đảm thống nhất, công khai, minh bạch. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện PCI, PGI, PAPI, PAR INDEX, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...”, ông Hòa thông tin.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.