Tham gia mô hình sản xuất chè hữu cơ với diện tích 7ha, nông dân xã Phục Linh, huyện Đại Từ là những người cảm nhận rõ nét nhất sự thay đổi về sức khỏe và môi trường.
Nông dân, khuyến nông, hợp tác xã chung tay làm chè hữu cơ
Tham gia mô hình sản xuất chè hữu cơ với diện tích 7ha, nông dân xã Phục Linh, huyện Đại từ là những người cảm nhận rõ nét nhất sự thay đổi về sức khỏe và môi trường.
Thực hiện Đề án Phát triển sản phẩm Nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên, hướng đến xây dựng vùng sản xuất chè hữu cơ theo Tiêu chuẩn Việt Nam với quy mô 110ha, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phối hợp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam trên diện tích 40ha.Trong đó, 7ha được thực hiện tại xã Phục Linh, huyện Đại Từ. Các hộ dân tham gia mô hình được Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và tập huấn chuyển giao kỹ thuật.
Tham gia mô hình sản xuất chè hữu cơ với diện tích 3.600m2, Bà Đặng Thị Tính cùng bà con xã Phục Linh là người cảm nhận rõ nét nhất sự thay đổi về sức khỏe và môi trường.
Bà ĐẶNG THỊ TÍNH - Xã Phục Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên
"Thực hiện chương trình chè hữu cơ này thì nó đem lại hiệu quả tốt cho bà con nhân dân ở xóm và cũng được bảo vệ sức khỏe hơn là phun thuốc bảo vệ thực vật kia. Và đem lại kinh tế hiệu quả cao cho bà con"
Là cầu nối giữa Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên với các hộ tham gia mô hình sản xuất chè hữu cơ tại xã Phục Linh, HTX chè Nhật Thức luôn đồng hành và tạo điều kiện tối đa để bà con chuyển đổi phương thức sản xuất. Hàng tuần, bà Đào Thị Thức, Giám đốc HTX chè Nhật Thức luôn cùng cán bộ khuyến nông tới vùng chè để hỗ trợ kỹ thuật và động viên bà con.
Bà ĐÀO THỊ THỨC - Giám đốc HTX chè Nhật Thức
"Họ đang canh tác truyền thống, mình không thể tới bảo người ta thay đổi là người ta thay đổi đâu. Mà chỉ khi họ tự cảm nhận được khi chuyển đổi bà con có lợi gì, có môi trường trong lành. Toàn bộ khu dưới kia là nhà ở, còn trên này là vùng chè. Nếu chúng ta không thay đổi sản xuất chè sạch, cứ phun thuốc, dùng chất hóa học theo lối mòn truyền thống, ảnh hưởng vào đất, ngấm vào đất, các thế hệ con cháu sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp
Sau khoảng 1 năm triển khai, mô hình đã tạo ra sự lan tỏa lớn với bà con về phương thức sản xuất thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Ông HÀ TRỌNG TUẤN - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên
"Qua triển khai mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đã từng bước chuyển đổi nhận thức của bà con nhân dân trong việc nhận thức sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ góp phần đảm bảo môi trường sống, đảm bảo chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. hiện nay, giá mà doanh nghiệp, HTX thu mua chè búp tươi hữu cơ chênh so với truyền thống từ 25 - 30%"
Xác định chè là cây kinh tế mũi nhọn và làm giàu chủ yếu của địa phương, Đảng ủy và chính quyền xã Phục Linh đã tập trung chỉ đạo, cùng Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, HTX chè Nhật Thức hướng dẫn bà con chuyển đổi và chăm sóc cây chè theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Với chủ trương về phát triển nền sản xuất nông nghiệp sạch, rất cần sự quan tâm, hợp tác từ phía người dân để xây dựng và phát triển nhiều mô hình sản xuất chè an toàn hữu cơ, có lợi cho người sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo việc phát triển nông nghiệp bền vững, giúp thương hiệu chè Thái Nguyên ngày càng được nâng lên.