Dù mới phát triển trong hơn 1 năm trở lại đây, nhưng chăn nuôi bò đang là lĩnh vực hoạt động trọng tâm và hiệu quả nhất của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Phú Lương (huyện Phú Lương, Thái Nguyên). Để chăn nuôi hiệu quả và cho lợi nhuận cao, HTX xác định việc chủ động thức ăn cho gia súc là yếu tố then chốt.
HTX hiện đang chăn nuôi 108 con gia súc (20 con trâu, 88 con bò) với 7 thành viên trực tiếp tham gia sản xuất. Cùng với việc phát triển đàn gia súc, HTX đã huy động nguồn lực đầu tư trồng 6ha ngô sinh khối để làm thức ăn cho vật nuôi. Mỗi vụ, 6ha trồng ngô sinh khối cho sản lượng 120-140 tấn. Số nguyên liệu này sẽ được chế biến thành thức ăn ủ chua cho gia súc.
Ông Bùi Trung Kiên, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Phú Lương chia sẻ, ban đầu khi mở rộng đàn gia súc, HTX sử dụng chủ yếu cỏ khô để làm thức ăn, tuy nhiên khả năng trồng cỏ tại địa phương còn nhiều hạn chế và phụ thuộc vào thời vụ.
Do đó, việc ủ chua ngô sinh khối mang đến sự đa dạng về chủng loại thức ăn, nâng cao chất lượng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của vật nuôi và tiết kiệm công sức, chi phí cho nông dân. Bên cạnh đó, sử dụng thức ăn ủ chua còn giúp bà con tận dụng nhiều phụ phẩm nông nghiệp, qua đó góp phần bảo vệ môi trường.
"Ủ chua giúp thức ăn được bảo quản lâu dài, chi phí thấp và ít suy giảm về mặt dinh dưỡng. Điều này giúp HTX chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ để phát triển chăn nuôi, nhất là vào mùa đông. Trâu, bò ăn thức ăn ủ chua có hệ tiêu hóa tốt, khỏe mạnh, ít bị bệnh", ông Bùi Trung Kiên nhận định.
Anh Bùi Đức Hưng, thành viên HTX nông nghiệp công nghệ cao Phú Lương là người trực tiếp ủ chua thức ăn cho hay, các bước làm ra thức ăn ủ chua rất đơn giản, bà con không cần nhiều kiến thức và kinh nghiệm cũng có thể thực hiện được.
“Cây ngô sinh khối sau khi thu hoạch được cắt ngắn thành từng đoạn nhỏ và được phơi dưới nắng khoảng nửa ngày, giảm nước dần, cứ 2 tiếng đảo 1 lần, đảm bảo nguyên liệu héo đều, tránh tình trạng nguyên liệu phía trên qúa khô, dưới còn tươi xanh.
Cho nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn vào hố ủ rồi nén chặt. Để thức ăn ủ chua đạt chất lượng đòi hỏi người ủ phải nén chặt, tưới đều. Sau khi ủ 6-7 tuần tiến hành cho gia súc ăn. Thức ăn đảm bảo chất lượng sau khi ủ có màu vàng sáng, có mùi thơm”, anh Huy chia sẻ về cách làm thức ăn ủ chua.
Theo bà Nịnh Thị Thắng, Phó Giám Đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương, phương pháp ủ chua có giá thành rẻ hơn phương pháp phơi sấy, ít hao hụt các dưỡng chất, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.
Ủ chua thức ăn là phương pháp bảo quản, tồn trữ tạo điều kiện cho vi khuẩn lactic phát triển. Việc sản sinh ra axit lactic nhằm ức chế quá trình phát triển của vi sinh vật gây thối, nhờ đó thức ăn dự trữ được lâu mà giá trị dinh dưỡng rất ít bị hao hụt.
Để tiếp tục hoàn thiện và duy trì việc sử dụng thức ăn ủ chua trong chăn nuôi bò thịt, HTX nông nghiệp công nghệ cao Phú Lương kiến nghị cơ quan quản lý xây dựng vùng trồng ngô sinh khối an toàn, cũng như có hướng dẫn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho bà con.
Bên cạnh đó, tăng cường cơ giới hóa các khâu từ băm cắt đến biện pháp ủ chua với quy mô lớn hơn, thành lập nhóm liên kết làm đầu mối thực hiện ủ chua để phân phối đến các hộ nuôi bò trên địa bàn huyện.
Cùng với việc tiêm vacxin cũng như thực hiện các biện pháp phòng bệnh trên gia súc đầy đủ, trong hơn 1 năm sử dụng thức ăn ủ chua, đàn gia súc của HTX nông nghiệp công nghệ cao Phú Lương không bị mắc bất kì dịch bệnh nguy hiểm nào, tỷ lệ tăng trọng cao. Nhờ đó, bò xuất chuồng tiêu thụ tốt, được nhiều đơn vị tới tìm mua. Từ những thành công hiện nay, HTX dự kiến mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc và tăng lượng thành viên tham gia.
Để thúc đẩy hoạt động chăn nuôi và hỗ trợ các hộ dân thoát nghèo tại huyện Phú Lương, vào tháng 10/2022, Quỹ Thiện Tâm của tập đoàn Vingroup phối hợp Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên đã tài trợ cho HTX nông nghiệp công nghệ cao Phú Lương 25 con bò giống và cho hộ nghèo vay mua không tính lãi 25 con bò giống với tổng trị giá 1 tỷ đồng.