Để phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất cần hướng đến xây dựng chuỗi liên kết nuôi biển, trong đó doanh nghiệp, người dân cùng tham gia.
Xây dựng chuỗi liên kết nuôi biển để phát triển bền vững
Việt Nam có điều kiện tự nhiên và môi trường khá thuận lợi để phát triển nuôi biển công nghiệp, quy mô hàng hóa lớn. Ở lĩnh vực này, nhiều đối tượng nuôi phong phú như các loài cá biển có giá trị kinh tế cao mà cụ thể là cá chim vây vàng, cá chẽm, cá song…. Nước ta cũng có lợi thế nuôi biển về tôm hùm và các loài nhuyễn thể, rong biển.
Thời gian qua, Trung ương và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển nuôi biển, qua đó ngành nuôi biển công nghiệp bước đầu được hình thành, hạ tầng vùng sản xuất giống, hạ tầng phụ trợ, khu vực tập trung sản xuất giống, thức ăn, thiết bị phục vụ khu nuôi, công nghiệp chế biến, phát triển phát triển thị trường tiêu thụ.
Tuy nhiên ngành nuôi biển vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp. Hạ tầng thủy sản trong nhiều năm không được quan tâm đúng mức, quy hoạch và hoạt động quy hoạch chưa tốt, việc nuôi tự phát phá vỡ quy hoạch vẫn còn phổ biến. Cùng với đó là ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn, khó phát triển một cách đồng bộ. Công tác phòng trừ dịch bệnh trên các đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, đến cuối năm 2021 diện tích nuôi biển của cả nước đạt 84,9 nghìn ha và trên 8,94 triệu m3 lồng nuôi, với các đối tương nuôi cá biển, nhuyễn thể, tôm hùm, rong biển và các đối tượng khác. Sản lượng nuôi biển đạt 730 nghìn tấn. Dự kiến năm 2022 diện tích nuôi biển cả nước đạt 90 nghìn ha và 9,5 triệu m3 lồng bè, tổng sản lượng đạt 790 ngàn tấn.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 diện tích nuôi biển nước ta đạt 300.000 ha và tầm nhìn đến 2045 ngành công nghiệp nuôi biển đạt trình độ tiên tiến, có giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD.
Theo các chuyên gia ngành thuỷ sản, việc nuôi biển ở nước ta thời gian qua chủ yếu là các hộ dân quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu và chịu nhiều rủi ro về thiên tai, môi trường. Do vậy để phát triển bền vững thì việc phát triển các chuỗi liên kết là vấn đề cần thiết. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, hiện nay, vấn đề con giống là yếu tố quyết định sự thành công, tuy nhiên trong chuỗi liên kết, người dân không thể tự sản xuất con giống mà phải tiếp nhận nguồn từ các nhà khoa học, các viện nghiên cứu. Do vậy cần phải tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị từ con giống, vật tư đầu vào, vật liệu làm lồng, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân để liên kế với người nông dân và tổ chức sản xuất.
Đối với vấn đề nuôi biển mô hình nông hộ nhỏ lẻ, đây là hình thức nuôi chịu nhiều rủi ro. Các chuyên gia thủy sản cho rằng cần phải tổ chức lại các cơ sở nuôi quy mô nhỏ và hướng đến chú trọng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tăng cường sự liên kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất. Cùng với đó, để thành công trong nuôi biển thì việc bảo vệ môi trường nuôi là việc làm quan trọng, do đó người dân tham gia trong chuỗi nuôi biển này có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường biển như thu gom rác thải trên biển, vệ sinh lồng bè.