| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ môi trường nguồn nước để nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững

Thứ Sáu 02/12/2022 , 14:13 (GMT+7)

Để nuôi biển thành công thì cần nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố môi trường, do vậy để nuôi biển bền vững môi trường nước cần được bảo vệ.

Nguồn nước nuôi ngày càng bị suy giảm

Đi qua các vùng nuôi tôm hùm trọng điểm tại khu vực đầm Cù Mông thuộc xã Xuân Thịnh và vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, Phú Yên), đến đâu chúng tôi cũng được nghe ngư dân nói về tình trạng nguồn nước nuôi ngày càng bị suy giảm.

Tôm nuôi của anh Nguyễn Văn Vững, người nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên đã lớn mà vẫn bị bệnh. Ảnh: Đ.T.

Tôm nuôi của anh Nguyễn Văn Vững, người nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên đã lớn mà vẫn bị bệnh. Ảnh: Đ.T.

Theo anh Nguyễn Văn Vững, người đang nuôi 20 lồng tôm hùm xanh ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu, Phú Yên), trước đây, khi nguồn nước nuôi trên vịnh Xuân Đài chưa bị suy giảm, tôm hùm bông chỉ nuôi 10 tháng là có thể xuất bán, còn tôm  hùm xanh chỉ nuôi 7 tháng. Bây giờ, do sống trong nguồn nước không đảm bảo, tôm hùm sinh trưởng, phát triển chậm, nên tôm hùm bông phải nuôi từ 14 tháng trở lên mới có thể xuất bán, lúc ấy tôm mới đạt được 6-7 lạng/con; còn tôm hùm xanh phải nuôi 8 tháng mới đạt được 2 lạng/con.

“Tôm hùm nằm càng lâu trong lồng người nuôi tiêu tốn thức ăn càng nhiều, chi phí đầu vào tăng cao. Tôm hùm nằm càng lâu dưới biển người nuôi còn phải đối mặt với rủi ro từng ngày, nguy cơ mất trắng vốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ví như vào năm 2017, chỉ trong vòng vài ba ngày, nguồn nước nuôi ở vịnh Văn Phong bất ngờ đổi màu, lũ tôm đang lớn bỗng lăn đùng ra chết hàng loạt. Khi ấy tôi nuôi 20 lồng tôm, khoảng 2.000 con tôm hùm xanh đã chuẩn bị xuất bán, sự cố ô nhiễm đã khiến tôi bỗng chốc lâm cảnh trắng tay, tôm chết đến 80-90%”, anh Nguyễn Văn Vững nhớ lại.

Còn anh Lê Thanh Hải, người đang nuôi 40 lồng tôm hùm tại vùng nuôi đầm Cù Mông thuộc xã Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu, Phú Yên), thì cho biết: Trước đây, người nuôi tôm hùm ở Sông Cầu thường nuôi tôm hùm bông, bởi loại tôm này có giá trị kinh tế cao. Nhưng những năm gần đây, do môi trường nguồn nước nuôi suy giảm, trong khi tôm hùm bông có sức đề kháng yếu nên bị hao hụt rất nhiều, hầu hết người nuôi đều chuyển sang nuôi tôm hùm xanh, loại tôm có sức đề kháng cao nên có thể “trụ” được trong nguồn nước nhiễm.

Ngư dân Nguyễn Văn Vững cho biết thêm: “Trước đây, người nuôi tôm hùm ở vịnh Vân Phong nuôi cách bờ chỉ khoảng 200m, nay do nguồn nước ô nhiễm, lồng nuôi phải di dời cách bờ đến 2-3km, vây mà tôm hao hụt cũng rất nhiều. Ví như trước đây nuôi 1.000 con, đến khi xuất bán còn được 900 con, nay nuôi 1.000 con khi xuất bán chỉ còn khoảng 300 con”.

Con cháy làm thức ăn cho tôm hùm được tập kết dọc quốc lộ 1A đoạn qua phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu, Phú Yên). Ảnh: V.Đ.T.

Con cháy làm thức ăn cho tôm hùm được tập kết dọc quốc lộ 1A đoạn qua phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu, Phú Yên). Ảnh: V.Đ.T.

Nguyên nhân nào khiến môi trường suy giảm?

4 giờ sáng, lang thang trên quốc lộ 1A đoạn qua phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu, Phú Yên), chúng tôi nhìn thấy trên vỉa hè dọc 2 bên đường đã huyên náo cảnh từng đống con cháy, 1 loại hải sản to bằng móng ngón tay út được làm thức ăn cho tôm hùm, được nhiều người trộn rửa trước khi cho vào bao để chở đi tiêu thụ ở những vùng nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài. Kiểu trộn rửa cháy trông như trộn hồ xây dựng, 2 người dùng xẻng xúc từng xẻng cháy từ trong đống đổ sang bên cạnh, 1 người phụ nữ cầm vòi nước xịt vào để rửa sạch. Đống cháy đã rửa được những người khác xúc cho vào bao, mỗi bao cân đúng 50kg.

Còn tại chợ Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu), nơi được mệnh danh là “chợ đầu mối” thức ăn nuôi tôm hùm. Tầm 3-4 giờ sáng, những chiếc xe container thức ăn cho tôm hùm từ Bắc vào, từ Nam ra tập trung tại dây để rồi được thương lái phân phối đi khắp các vùng nuôi tôm hùm ở Phú Yên. Hoạt động mua bán thức ăn nuôi tôm náo nhiệt đến nhiều khi gây kẹt xe, lao động địa phương túi “rủng rỉnh tiền” nhờ bốc vác thức ăn cho các thương lái. Thức ăn cho tôm hùm có muôn loài; trong đó, vẹm xanh, sò, hàu là các món ăn cao cấp rất “hợp khẩu vị” với

tôm hùm, loại thức ăn này giúp tôm hùm nhanh lớn. Còn các loại cá giã (do tàu giã cào đánh bắt) và cá mành đánh bắt gần bờ, ốc bươu vàng, con cháy, đầu tôm công nghiệp là những loại thức ăn thứ cấp, có giá rẻ hơn, người nuôi thường cho tôm hùm ăn để giảm chi phí đầu vào.

“Hiện nay, con sò có giá 10 ngàn đồng/kg, hàu 6-7 ngàn đồng/kg, vẹm xanh 10 ngàn đồng/kg, đầu tôm công nghiệp 7 ngàng đồng/kg, con cháy 5.000đ/kg, cá giã 13-14 ngàn đồng/kg, cá mành 15-16 ngàn đồng/kg, ốc bươu vàng từ 4-8 ngàn đồng/kg. Giá thức ăn cho tôm hùm cũng biến động bất thường lắm, lên xuống tùy lúc nhiều hay khan hang”, anh Nguyễn Văn Vững, người nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu, Phú Yên), cho biết.

Người nuôi tôm hùm chịu nhiều rủi ro do môi trường nước bị suy giảm. Ảnh: M.P.

Người nuôi tôm hùm chịu nhiều rủi ro do môi trường nước bị suy giảm. Ảnh: M.P.

Thử hỏi, chừng ấy thức ăn cho tôm đều tuôn hết xuống những vùng biển đang dày đặc những lồng nuôi tôm hùm mỗi ngày, chuyện thức ăn dư thừa sau mỗi bữa ăn của tôm là không thể tránh khỏi. Lượng thức ăn thừa tồn dư mỗi ngày mỗi ít khiến môi trường nguồn nước nuôi bị suy giảm. Ví như anh Lê Thanh Hải, người đang nuôi 40 lồng tôm hùm xanh tại vùng nuôi đầm Cù Mông thuộc xã Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu) mỗi ngày cho ăn đến 2 triệu đồng thức ăn. Trong khi trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện nay có hơn 100.000 lồng nuôi thủy sản trên biển, chủ yếu là tôm hùm, suy ra thì biết mỗi ngày lượng thức ăn đổ xuống các vùng nuôi nhiều đến chừng nào.

“Thức ăn cho tôm ăn mỗi buổi sáng mỗi ngày thừa mỗi ít, tồn đọng trong nguồn nước nuôi gây ô nhiễm. Nếu lượng thức ăn thừa này không được dọn sạch sẽ sau này chính nó sẽ gây hại cho tôm nuôi”, anh Nguyễn Văn Vững, người nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu, Phú Yên), nói.

“Cùng với thức ăn cho tôm hùm dư thừa không được thu gom thì còn có nhiều nguyên nhân làm suy giảm môi trường nước nuôi. Đó là xã hội ngày càng phát triển, mật độ dân cư ngày càng đông, do vậy nhiều vùng ven biển ra thải, nước thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý triệt để trên bờ mà xả thẳng xuống biển, rác thải trên biển chưa được thu gom triệt để… Do vậy, cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho không chỉ người nuôi tôm hùm bảo cần bảo vệ môi trường mà phải giáo dục ý thức cả cư dân sinh sống trên bờ không xả thải xuống biển”, lãnh đạo Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết.

Xem thêm
Xử lý lấn chiếm mặt nước để nhử vẹm trên sông Tắc, sông Quán Trường

UBND TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) chỉ đạo xử lý tình trạng tái lấn chiếm mặt nước để nhử vẹm không đúng quy định trên sông Tắc, sông Quán Trường.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.

Bình luận mới nhất