Vườn Quốc gia Yók Đôn thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho các buôn, làng vùng đệm với những quy định cụ thể đã giúp nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Hiệu quả từ giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng
Vườn Quốc gia Yók Đôn thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho các buôn, làng vùng đệm với những quy định cụ thể đã giúp nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Vườn có diện tích 115.545ha, đây là Vườn có diện tích rừng lớn thứ hai trong hệ thống các Vườn Quốc gia ở Việt Nam. Là khu bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp duy nhất tại Việt Nam, Vườn Quốc gia Yók Đôn có tính đa dạng sinh học cao với 1.006 loài thực vật, 650 loài động vật, trong đó có nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm như voi, bò tót, các loài thú móng guốc, các loài cây gỗ quý. Với diện tích rộng lớn nhưng lực lượng quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế nên Vườn Quốc gia Yók Đôn đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho 19 cộng đồng thôn/buôn vùng đệm với 9.715 lượt hộ dân tham gia.
Ông Y Zen Byă, ngụ xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn.
Tôi nhận bảo vệ rừng từ 5 năm nay rồi, đi tuần tra rừng rất là ổn định. Bảo vệ rừng này có chú kiểm lâm đi chung. Bảo vệ rừng cũng nhận được một, hai đồng gì đó. Bây giờ không đi rừng gì hết mà làm màu, canh tác bắp với mì thôi, không bao giờ đi chui vào rừng. Mấy người trong buôn, làng cũng đi bảo vệ rừng rất là nhiệt tình, đi tuần tra, tháng nào cũng đi. Bà con trong buôn cũng nhiệt tình đi thăm, bảo vệ rừng. Người dân sợ rừng bất thường, bảo vệ rừng cũng như bảo vệ lá phổi của mình.
Vườn Quốc gia Yók Đôn, xung quanh vườn có 7 xã vùng đệm thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, với dân số lên tới hơn 12.000 hộ và trên 50.000 nhân khẩu, chưa kể số dân di cư tự do từ nơi khác đến làm ăn sinh sống. Đặc biệt, trong vùng lõi của Vườn có buôn Đrang Phốk có 135 hộ với 519 nhân khẩu sinh sống, thu nhập chủ yếu của người dân là sản xuất nông nghiệp (canh tác ruộng, rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm và một số hộ buôn bán nhỏ). Do đó, việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các buôn, làng vùng đệm đã góp phần không nhỏ trong công tác giữ rừng.
Y Quynh Bkrông, nhân viên Trạm bảo vệ rừng số 5 - Vườn Quốc gia Yók Đôn.
Tập hợp lại dân triển khai vấn đề quản lý bảo vệ rừng. Thứ nhất là rừng này là rừng đặc dụng cái cơ bản nhất là rừng đặc dụng là không thể vào rừng được khi không có sự cho phép kiểm lâm, cơ quan ban ngành. Rừng đặc dụng không được hái lượm, không được vi phạm. Sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước là tạo điều kiện cho họ có thu nhập như giao khoán quản lý bảo vệ rừng. Những ai vi phạm cắt hết rừng thì không được nhận khoán nữa. Từ chỗ đó dân phải hiểu cái cơ bản nhất. Tuyên tuyền với dân khi đi rừng gặp người dân phải nói như mình nói khu này là khu quản lý nghiêm cấm. Về nhà cũng phải tuyên truyền lại vợ con, họ hàng về luật quản lý, bảo vệ rừng để họ hiểu.
Thực hiện Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020, từ năm 2017 đến năm 2020, hàng năm Vườn đã tổ chức giao khoán bảo vệ 17.500 ha rừng cho 19 cộng đồng thôn/buôn vùng đệm với 9.715 lượt hộ dân tham gia, tổng kinh phí thực hiện là 22,133 tỷ đồng.
Năm 2021, Vườn thực hiện giao khoán 17.500 ha rừng cho 19 thôn/buôn thuộc 4 xã vùng đệm với tổng số hộ 2.434 hộ (đối tượng nhận khoán là hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ kinh nghèo). Còn năm 2022 do nguồn kinh phí về muộn nên từ đầu năm 2023, vườn đã thực hiện giao khoán hơn 30.000 ha cho các hộ dân nằm trong vùng đệm.
Ông Nguyễn Hữu Tạo, Hạt phó Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Yók Đôn.
Trong công tác giao khoán bảo vệ rừng với các hộ cộng đồng dân cư có những hiệu quả. Thứ nhất khi giao cho cộng đồng, kết hợp tuyên truyền thì người ta hiểu được tầm quan trọng của rừng. Thứ 2 là trong quá trình đi làm thì sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân. Thứ 3 là họ sẽ giám sát lẫn nhau. Chính nhờ công tác giao khoán bảo vệ rừng, đưa dân phối hợp với kiểm lâm đi tuần tra từ đó họ nhận thức được giá trị của rừng. Quay trở lại họ cũng tham gia bảo vệ rừng. Chính vì vậy mà 3-4 năm nay mức độ vi phạm về rừng giảm đi rõ rệt.
Từ hiệu quả của việc giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn/buôn vùng đệm, Vườn quốc gia Yók Đôn tiếp tục xây dựng các kế hoạch thường xuyên phối hợp với các cộng đồng nhận khoán tuần tra, truy quét tại những điểm nóng, khu vực giáp ranh, các bến sông, những khu vực trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại.
Việc này nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cộng đồng dân cư đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, việc giao khoán giúp người dân nắm được nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.