| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ những cánh rừng đặc dụng

Thứ Sáu 24/12/2021 , 09:00 (GMT+7)

Những cánh rừng đặc dụng với nhiều loài gỗ quý hiếm hàng trăm năm tuổi là tài sản quý giá của tỉnh Tuyên Quang cần được bảo vệ.

Cây nghiến cổ thụ tại rừng đặc dụng Na Hang. Ảnh: Đào Thanh.

Cây nghiến cổ thụ tại rừng đặc dụng Na Hang. Ảnh: Đào Thanh.

Huyện Na Hang là địa phương có diện tích rừng đặc dụng lớn nhất tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay, huyện Na Hang có 67.893 ha diện tích đất có rừng, trong đó rừng đặc dụng là 21.228 ha, rừng phòng hộ là 21.007 ha và 25.657 ha rừng sản xuất.

Rừng Na Hang có 2.000 loài thực vật, nhiều loại được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam như: Trai, nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, nhiều loài lan hài, cây thuốc quý… Các khu bảo tồn ở Tuyên Quang có nhiều loài chim, thú quý, được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, Sách Đỏ thế giới như voọc mũi hếch, voọc đen má trắng,  thu hút các tổ chức, nhà khoa học trên thế giới kêu gọi nguồn vốn đầu tư bảo tồn. 

Ông Ma Thanh Khiết, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Na Hang cho biết, rừng ở Na Hang hiện có hàng nghìn cây nghiến, đinh, lim cả trăm năm tuổi. Địa bàn rộng, diện tích rừng trên núi cao, địa hình hiểm trở, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng nên Hạt đã thành lập các chốt trạm trong rừng để giữ rừng. Nhiều khi mấy tháng trời, cán bộ kiểm lâm và nhân viên tuần rừng chẳng được về nhà vì đường đi cách trở, trong khi nhiệm vụ giữ rừng vẫn phải đảm bảo.

Hạt Kiểm lâm Na Hang xác định, yếu tố quan trọng quyết định thành công trong công tác quản lý bảo vệ rừng là phải dựa vào dân để vận động tuyên truyền, để nhân dân là "tai mắt", là cánh tay nối dài của lực lượng kiểm lâm.

Ông Phùng Văn Minh, dân tộc Mông ở thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh (huyện Na Hang) cho biết, được cán bộ kiểm lâm tuyên truyền vận động, ông đã hiểu được ý nghĩa của việc giữ rừng là giữ môi trường an toàn, bền vững cho đời con, đời cháu của mình nên người Mông trong bản không phá rừng. Dân bản còn tự nguyện là "tai mắt" của cán bộ kiểm lâm, hợp tác và kịp thời ngăn chặn khi phát hiện các đối tượng lạ mặt vào rừng muốn “làm thịt” những cây nghiến cổ thụ.

Xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng, các lực lượng chức năng của huyện Na Hang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về rừng cho chính quyền các xã, thị trấn và người dân. Đến nay, tại 12/12 xã, thị trấn của huyện đã thành lập ban chỉ đạo quản lý, bảo vệ rừng với 281 thành viên. Các địa phương cũng đã củng cố, kiện toàn đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại 131 tổ với 912 người tham gia.

Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 47.000 ha rừng đặc dụng. Ảnh: Đào Thanh.

Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 47.000 ha rừng đặc dụng. Ảnh: Đào Thanh.

Cùng với khu rừng đặc dụng của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang còn có những cánh rừng đặc dụng Tân Trào (huyện Sơn Dương); rừng đặc dụng Cham Chu (huyện Hàm Yên). Lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh Tuyên Quang là 240 người, tỉnh thực hiện hợp đồng tuần rừng thêm gần 100 người.

Tỉnh luôn xác định, phải bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng hiện có, bảo vệ các loài động vật, thực vật để bảo tồn tính đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen, bảo vệ cảnh quan môi trường gắn với phát triển một số loại hình du lịch phù hợp, đảm bảo phát huy thế mạnh của Danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình và Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Ông Triệu Đăng Khoa, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, những năm qua, tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng về tầm quan trọng của rừng đối với đời sống của con người; phổ biến đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách mới của Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp, đồng thời tham mưu triển khai có hiệu quả, phù hợp với thực tế của địa phương.

Tỉnh Tuyên Quang cũng đã tổ chức quản lý và triển khai các nội dung Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011 - 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1858/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh và quản lý quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định số 1859/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, triển khai thực hiện các dự án ưu tiên đã được duyệt theo quy hoạch.

Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có gần 47.000 ha rừng đặc dụng, tăng thêm 142 ha so với năm 2015, diện tích rừng bị thiệt hại do các nguyên nhân giảm 70 ha, bình quân/năm giảm 14 ha so với giai đoạn 2011 - 2015. Tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp đã giảm đáng kể so với năm 2015, tuy nhiên, vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, chưa được ngăn chặn và xử lý triệt để. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý tổng số 2.514 vụ vi phạm lâm luật. Như vậy, tổng số vụ vi phạm lâm luật trong giai đoạn này đã giảm 1.673 vụ, bình quân mỗi năm giảm 335 vụ.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm