| Hotline: 0983.970.780

Rừng lim trăm tuổi 'kẹt cứng' dưới chân Tam Đảo

Thứ Sáu 12/05/2023 , 06:33 (GMT+7)

Rừng lim trăm tuổi dưới chân Tam Đảo 'mắc kẹt' do chồng chéo pháp lý: Vườn Quốc gia quản lý... trên giấy, còn hơn 300 hộ dân lại được giao rừng từ năm 1991.

Lời kể của những chứng nhân cao tuổi

Hơn 20 năm qua, trong khu vườn của gia đình cụ Đỗ Thành Đô (SN 1944, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo) tồn tại một gốc cây đã chết khô nhô lên khỏi mặt đất. Gốc cây cao khoảng 40cm, một phần đã bị mục rũa theo thời gian, phần còn lại lởm chởm như một mỏm núi đá sắc nhọn. Thế nhưng, gia đình cụ Đô không san bằng nó đi, mà vẫn giữ lại.

“Đó là chứng cứ của việc tồn tại một cây gỗ lim (đã từng) ở đó hơn 20 năm trước, cây bị bão quật đổ, phần thân cây đổ ngang vườn. Gốc cây sót lại, dù nham nhở, nhưng gia đình tôi vẫn giữ lại đó để các anh kiểm lâm đến kiểm đếm, vẫn biết là đủ số cây”, cụ Đô lý giải.

Cây lim cổ thụ bị chết khô trong vườn gia đình ông Hà Văn Rồng. Ảnh: Kiên Trung.

Cây lim cổ thụ bị chết khô trong vườn gia đình ông Hà Văn Rồng. Ảnh: Kiên Trung.

Gạt lớp lá khô, đất mục phủ bên trên bề mặt, cách gốc cây chết khoảng 2m, cụ Đô chỉ dẫn: “Thân cây gỗ lim nó nằm ở đây, bao nhiêu năm qua, từ khi cây đổ, tôi vẫn để nguyên trạng, không suy suyển một li. Nó là cây gỗ quý, làm nên rừng lim Phù Mây nổi tiếng của Tam Đảo, thuộc sở hữu của nhà nước nên chúng tôi không tơ hào dù là một cành cây làm củi”.

Vây xung quanh nhà cụ Đô có cả thảy hơn 40 cây lim cổ thụ. Từ khi sinh ra, nay đã bước sang tuổi 80, cụ Đô đã thấy có rừng lim này. Những cây lim cổ thụ lừng lững như những chiếc ô khổng lồ, có cây đường kính lên tới gần 2m.

Giống như gia đình cụ Đô, gia đình ông Hà Văn Rồng (thị trấn Đại Đình) được giao 2ha đất, thời hạn sử dụng 50 năm. Trong khu đất được giao, có trên 100 cây lim cổ thụ. Ngay sát khu chuồng chăn nuôi của gia đình ông Rồng, một cây lim đã bị chết khô, nhưng vẫn đứng nguyên vẹn tại vị trí cũ bao nhiêu năm qua. Ông Rồng không chặt hạ, cũng không có bất kỳ một tác động gì đến cây lim bị chết…

Thân cây gỗ vẫn nằm nguyên trong vườn gia đình ông Đỗ Thành Đô (SN 1944) ở thị trấn Đại Đình. Ảnh: Huy Bình.

Thân cây gỗ vẫn nằm nguyên trong vườn gia đình ông Đỗ Thành Đô (SN 1944) ở thị trấn Đại Đình. Ảnh: Huy Bình.

“Năm 1996, bố tôi khi đó còn sống bị ốm nặng, phải đi viện. Trong lúc gia đình đang có việc, kẻ xấu vào chặt trộm mất 4 cây lim, sau cán bộ kiểm lâm đến kiểm tra, lập biên bản, nhà tôi phải đền 4 cây lim bị chặt trộm ấy”, ông Rồng cho hay.

Năm 1990, UBND huyện Tam Đảo ban hành Quyết định số 26 giao đất - giao rừng cho gần 300 hộ dân thuộc các xã Đại Đình (nay là thị trấn Đại Đình). Thời hạn sử dụng đất là 50 năm, trong đó có các điều khoản: các hộ dân được chuyển quyền thừa kế; được trồng mới, trồng dặm, dong dưỡng cây tái sinh; được hưởng 20% giá trị sản lượng cây gỗ khi khai thác. Tuy nhiên, các hộ dân phải chịu trách nhiệm về thiệt hại (trừ nguyên nhân do thiên tai) nếu để cây mất mà không bắt được kẻ gian phải bồi thường gấp 2 lần giá trị thiệt hại; nếu bắt được kẻ gian được hưởng 50% giá trị vụ vi phạm.

Tuy nhiên, năm 1996, Vườn Quốc gia Tam Đảo được thành lập. Rừng lim cổ thụ với diện tích trên 300ha, gồm gần 5.000 cây có đường kính vài chục cm tới trên 1,5m được quy hoạch, giao cho Vườn quản lý. Tuy nhiên, quyết định giao đất 50 năm cho các hộ dân của UBND huyện Tam Đảo vẫn không được huỷ bỏ; không thu hồi đất rừng để bàn giao cho Vườn.

Nhiều năm qua, rừng lim Phù Mây bị 'mắc kẹt' dưới chân vườn quốc gia Tam Đảo do sự chồng lấn về diện tích và sự chồng lấn về đơn vị chủ quản. Ảnh: Huy Bình.

Nhiều năm qua, rừng lim Phù Mây bị "mắc kẹt" dưới chân vườn quốc gia Tam Đảo do sự chồng lấn về diện tích và sự chồng lấn về đơn vị chủ quản. Ảnh: Huy Bình.

Cùng một lúc, rừng lim có 2 pháp nhân sở hữu, và đều có căn cứ pháp lý theo các văn bản được các cơ quan nhà nước ban hành. Sự chồng chéo về quy hoạch và các văn bản pháp lý đã đặt cả hai chủ thể vào tình huống khóc cười: người dân (các hộ được giao đất rừng lim Phù Mây) có quyết đinh giao đất, sinh sống trên đất và rừng lim được giao nhưng không được sử dụng; chủ Vườn được giao rừng trên giấy, không được bàn giao thực địa nên không có thực quyền.

“Cái khó nhất đối với người dân, đó là chúng tôi được giao đất nhưng không được cấp bìa đỏ, nên muốn có bìa để thế chấp, vay ngân hàng lấy vốn phát triển kinh tế cũng không có. Ngoài ra, muốn phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi dưới tán rừng rất khó khăn do cam kết trách nhiệm bảo vệ rừng lim… Vì thế, muốn xây dựng, cải tạo nhà ở cũng không được phép, vì trên pháp lý vẫn thuộc đất rừng của Vườn Quốc gia. “Thế trận” ấy cứ dùng dằng, nhùng nhằng mấy chục năm qua, đưa người dân chúng tôi vào thế rất khó”, cụ Đỗ Thành Đô cho hay.

Chủ rừng xin… “trả lại” rừng

Những vướng mắc, tồn tại do cùng một lúc tồn tại hai chủ thể; sự chồng chéo về mặt pháp lý trong quy hoạch đất Vườn Quốc gia Tam Đảo và quyết định giao đất – giao rừng của các địa phương – nơi Vườn Quốc gia Tam Đảo (gồm tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang) tồn tại trong gần 30 năm qua đặt chủ rừng ở thế khó, không có thực quyền, bởi chỉ được giao rừng trên giấy tờ. Tuy nhiên, khi phát sinh những vụ việc xâm hại đến đất rừng, Vườn Quốc gia Tam Đảo lại là đơn vị bị… truy trách nhiệm.

Những cây lim cổ thụ có đường kính lên tới gần 2m ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Ảnh: Kiên Trung.

Những cây lim cổ thụ có đường kính lên tới gần 2m ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Hạt phó Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Tam Đảo cho biết, vì là “chủ rừng” trên giấy nên khi thực hiện xử lý các vụ việc xâm hại đến rừng (cụ thể là rừng lim Phù Mây), cán bộ kiểm lâm phải mời đại diện chính quyền đi cùng để phối hợp, vì không có thực quyền xử lý.

Tháng 9/2021, đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ ra những vi phạm rất nghiêm trọng tại khu vực rừng lim Phù Mây (thuộc thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù). Khu vực rừng này có diện tích 106,22ha, xảy ra các hiện tường người dân tự ý canh tác trên diện tích gần 1,2ha; có 76 hộ dân trong thôn đang canh tác dưới tán rừng, trồng các loại cây bạch đàn, keo, cây dược liệu và cây ăn quả trên diện tích 102,26ha. Còn lại 23,8ha chưa xác định được người sử dụng.

Chưa hết, rừng lim thuộc thôn Sơn Đình và Đồng Lính, thị trấn Đại Đình rộng 188,13ha. Ngoài 3 hộ xây nhà kiên cố được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có 80 hộ gia đình và cá nhân xây dựng nhà ở, công trình phụ và trồng cây ăn quả không có giấy tờ hợp pháp. Hầu hết diện tích còn lại chưa xác định được tên chủ hộ canh tác dưới tán rừng.

Tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, chủ vườn được giao quản lý rừng trên giấy. Người dân được giao đất trước khi có Vườn Quốc gia nhưng vướng quy hoạch nên không thể xây dựng nhà cửa, trồng trọt, chăn nuôi dưới tán rừng. Ảnh: Huy Bình.

Tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, chủ vườn được giao quản lý rừng trên giấy. Người dân được giao đất trước khi có Vườn Quốc gia nhưng vướng quy hoạch nên không thể xây dựng nhà cửa, trồng trọt, chăn nuôi dưới tán rừng. Ảnh: Huy Bình.

Trong khu vực rừng lim tại thôn Đồng Giếng, hai hộ dân ông Lê Quang Hoà, Nguyễn Văn Sô có hành vi san nền, xây nhà trái phép; có hành vi chặt cây lim, chẹt để trồng cây bạch đàn trên đất rừng lim; một số hộ phân lô, bán nền, một số hộ xây dựng chuồng trại chăn nuôi…

Những vi phạm này, chính quyền sở tại đều báo cáo cho Vườn Quốc gia Tam Đảo - “chủ rừng trên giấy” để xử lý, nhưng lãnh đạo Vườn Quốc gia Tam Đảo khẳng định, diện tích đất rừng Phù Mây không thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo, mới quy hoạch vào diện tích của Vườn quốc gia, do đó cơ quan này không có thẩm quyền quản lý, xử lý số lim chết và những cây lim khác...

Năm 2022, Vườn Quốc gia Tam Đảo bị tố cáo về hành vi “bao che cho một số hộ dân làm nhà trên đất rừng, cho chủ bảo vệ rừng chặt cây lim, chẹt để trồng bạch đàn”. Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã vào cuộc, xác minh nội dung đơn tố cáo và có kết luận, nội dung tố cáo Vườn Quốc gia như trên là không có cơ sở, tuy nhiên, để xảy ra những việc vi phạm trên có trách nhiệm của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tam Đảo. Tổng cục Lâm nghiệp một lần nữa nhắc tới sự bất hợp lý do chồng chéo về giấy tờ pháp lý, sự chồng chéo về quy hoạch, thẩm quyền được giao.

Cuối năm 2021, Vườn Quốc gia Tam Đảo - Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc đã tiến hành kiểm tra, rà soát điều chỉnh quy hoạch diện tích Vườn Quốc gia Tam Đảo thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Tổng diện tích của Vườn qua kiểm tra, rà soát bị chồng lấn, xâm canh là trên 1.220ha thuộc địa bàn huyện Tam Đảo (gồm 6 xã) và huyện Bình Xuyên (1 xã).

Theo Luật Lâm sản, gia đình ông Rồng (thị trấn Đại Đình) trồng cây ăn quả trên đất rừng lim là sai phạm, nhưng Vườn Quốc gia không có thẩm quyền xử lý vì đất rừng hiện tại vẫn do địa phương quản lý. Ảnh: Kiên Trung.

Theo Luật Lâm sản, gia đình ông Rồng (thị trấn Đại Đình) trồng cây ăn quả trên đất rừng lim là sai phạm, nhưng Vườn Quốc gia không có thẩm quyền xử lý vì đất rừng hiện tại vẫn do địa phương quản lý. Ảnh: Kiên Trung.

Diện tích bị chồng lấn này, một phần do các công ty lâm nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc quản lý (Công ty Lâm nghiệp Lập Thạch chồng lấn gần 41ha); gần 300ha rừng lim Phù Mây đã được địa phương giao đất - giao rừng cho các hộ dân quản lý, sử dụng từ năm 1990. Nhiều hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại tỉnh Tuyên Quang, diện tích đất rừng do Vườn Quốc gia bị chồng lấn là hơn 444ha; tỉnh Thái Nguyên là 1.820ha. “Việc chồng lấn này khiến cho tình trạng lấn chiếm rừng diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đối với diện tích quy hoạch cho Vườn nhưng chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, khi tổ chức, cá nhân vi phạm, lực lượng kiểm lâm của Vườn không có căn cứ để xử lý theo quy định của Luật Lâm nghiệp, mà phải phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý theo quy định của Luật Đất đai”, ông Đỗ Thanh Hải, giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo cho biết.

Trong rất nhiều báo cáo, Vườn Quốc gia Tam Đảo đề xuất điều chỉnh quy hoạch, đưa ra khỏi quy hoạch phần diện tích đất rừng mà địa phương đã giao cho người dân từ thời điểm trường khi thành lập Vườn để thống nhất đầu mối quản lý rừng. Ảnh: Huy Bình.

Trong rất nhiều báo cáo, Vườn Quốc gia Tam Đảo đề xuất điều chỉnh quy hoạch, đưa ra khỏi quy hoạch phần diện tích đất rừng mà địa phương đã giao cho người dân từ thời điểm trường khi thành lập Vườn để thống nhất đầu mối quản lý rừng. Ảnh: Huy Bình.

“Trong thời gian qua, Vườn đã có nhiều văn bản báo cáo, đề nghị các cấp, các ngành về việc thu hồi, bàn giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Vườn theo quy hoạch đã được phê duyệt. Nhưng do còn những tồn tại từ trước khi thành lập Vườn, đến nay các cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình giải quyết”.

Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Tam Đảo, đơn vị này đề xuất điều chỉnh quy hoạch; đưa ra khỏi quy hoạch phần diện tích chồng lấn mà địa phương đã có quyết định giao đất – giao rừng, (thậm chí đã cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân) như tại khu vực rừng lim Phù Mây để người dân ổn định cuộc sống về lâu dài; đề nghị tỉnh Tuyên Quang bàn giao lâm phần cho Vườn quản lý theo các Quyết định 418 của UBND tỉnh Tuyên Quang và Quyết định 155 của Thủ tướng Chính phủ; cho phép chuyển 1.820ha thuộc quy hoạch của Vườn về tỉnh Thái Nguyên quản lý, điều chỉnh quy hoạch ranh giới Vườn Quốc gia tại huyện Đại Từ…

Những tồn tại do chồng lấn nói trên đã khiến rừng và cả các chủ rừng rơi vào thế “mắc kẹt” trong một thời gian hàng chục năm qua!

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.