| Hotline: 0983.970.780

Việt - Pháp cùng nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu trong nông nghiệp

Thứ Ba 31/12/2024 , 06:00 (GMT+7)

Đại sứ Pháp tại Việt Nam chia sẻ về việc tăng cường hợp tác song phương và đa phương nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về hợp tác trong nông nghiệp giữa 2 nước. Ảnh: Tùng Đinh.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về hợp tác trong nông nghiệp giữa 2 nước. Ảnh: Tùng Đinh.

Từ 21 - 24/1/2025, Diễn đàn Nghị viện Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và sức chống chịu trước biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức tại Cần Thơ. Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet khẳng định rất vui mừng khi sự kiện này diễn ra chỉ vài tuần sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ được tổ chức tại Brazil.

Chia sẻ để ứng phó thách thức toàn cầu

Theo Đại sứ, sự kiện này thể hiện sự gắn bó, quan tâm của Việt Nam đối với cộng động Pháp ngữ. Ngoài ra, nội dung của diễn đàn cũng rất quan trọng và đầy tính thời sự khi nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu đang là yêu cầu đặt ra cho tất cả các nước.

"Trong cộng đồng Pháp ngữ, về hình thức có thể khác nhưng các quốc gia thành viên đều đang phải đối mặt với thách thức này. Do đó, đây là thời điểm quan trọng để nghị viện các nước Pháp ngữ đưa ra những quy định pháp luật vừa giúp nền nông nghiệp có sức chống chịu với biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo được an ninh lương thực", Đại sứ Olivier Brochet nhấn mạnh.

Đại sứ Olivier Brochet cũng đề cập đến việc điều chỉnh hoạt động sản xuất nông nghiệp vì nông nghiệp cũng là một nguồn phát thải carbon lớn khiến tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Theo Đại sứ Olivier Brochet, một trong những tinh thần của cộng đồng Pháp ngữ đó là sự đoàn kết. Trước hết là sự đoàn kết giữa các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu, tìm ra các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, sự đoàn kết được thể hiện trong việc chia sẻ những kết quả nghiên cứu trong quá trình đào tạo để tất cả cùng được nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu.

Dự án cải tạo rừng ngập mặn do AFD tài trợ tại Cà Mau. Ảnh: AFD.

Dự án cải tạo rừng ngập mặn do AFD tài trợ tại Cà Mau. Ảnh: AFD.

"Tôi cho rằng đây là vấn đề hết sức quan trọng và diễn đàn sắp diễn ra tại Cần Thơ sẽ là dịp để các nước Pháp ngữ có thể chia sẻ, trao đổi những kết quả liên quan đến nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó biến đổi khí hậu", Đại sứ Pháp tại Việt Nam chia sẻ thêm.

Về hợp tác giữa 2 nước trong vấn đề này, ông Olivier Brochet cho biết, hiện có ít nhất 2 dự án liên quan đến công tác nông nghiệp đã được triển khai. Trong đó, một dự án do Liên minh châu Âu chủ trì và các nhà khoa học châu Âu kết hợp với nhà khoa học Việt Nam tổ chức nghiên cứu tại ĐBSCL để đưa ra các mô hình thí điểm về thích ứng biến đổi khí hậu trước khi nhân rộng về quy mô.

Dự án tiếp theo là Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ của Pháp triển khai tại khu vực ĐBSCL liên quan đến sản xuất lúa gạo dựa trên cơ sở phân tích các hình ảnh từ về tinh. Từ những phân tích đó, các nhà khoa học có thể đưa ra những nhận định liên quan đến quá trình tưới tiêu cho lúa. Sau đó, họ sẽ xây dựng một quy trình sản xuất phát thải carbon ít nhất.

Sẵn sàng đồng hành

Tháng 10 vừa qua, Việt Nam và hơn 30 đối tác, trong đó có Pháp đã ký thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Hệ thống Lương thực Thực phẩm.

"Hợp tác song phương giữa 2 nước chúng ta cũng nằm trong khuôn khổ nhóm đối tác này", Đại sứ Olivier Brochet cho biết và thông tin thêm, Việt Nam và Pháp cũng là đối tác trong vấn đề một sức khỏe. Đây là nền tảng để 2 nước cùng nghiên cứu về quy trình sản xuất, bao gồm cả lương thực lẫn sản phẩm từ động vật đến khâu tiêu dùng.

"Chúng ta hiểu rằng, ngày càng có nhiều sự liên quan giữa các nguồn thực phẩm với sức khỏe con người. Với sự hợp tác này, chúng ta có thể hành động tổng thể ở tầm khu vực thay vì riêng lẻ của mỗi quốc gia", ông nói thêm.

Đánh giá cao sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam trong 40 năm qua, từ một nước thiếu lương thực đã vươn lên tự chủ và xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhưng Đại sứ Olivier Brochet vẫn nhắc đến những thách thức mới trong giai đoạn hiện nay.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet khẳng định sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong việc thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: Tùng Đinh.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet khẳng định sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong việc thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông cho rằng, những mô hình sản xuất nông nghiệp trước đây ít nhiều tồn tại những hạn chế và cần phải sớm thay đổi. Điều này đòi hỏi đến sự hợp tác song phương, đa phương như những thỏa thuận đã nêu trên.

Song song với tầm nhìn và các nỗ lực của Việt Nam để phát triển nông nghiệp bền vững, Đại sứ Olivier Brochet khẳng định Pháp luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ bằng những tiến bộ về công nghệ và kiến thức trong vấn đề này.

Minh chứng cho điều này là những dự án hợp tác được ông Olivier Brochet nhấn mạnh là "rất thực chất", mặc dù không phải lúc nào cũng liên quan đến công nghệ phức tạp hay chi phí đầu tư lớn.

"Tôi xin ví dụ về một dự án nghiên cứu tại Cà Mau được các nhà khoa học thực hiện trong 4 năm qua để đưa ra phương thức nuôi trồng thủy sản mới. Cụ thể, khi triển khai tại 15 mô hình thí điểm với chi phí rất khiêm tốn, đã giảm được 90% tác động đến hệ sinh thái, đồng thời nâng cao được sản lượng tôm", Đại sứ Pháp tại Việt Nam thông tin.

Điều này cho thấy, không cần tài chính lớn nhưng với thời gian, nỗ lực của các nhà khoa học cùng quá trình vận động, đào tạo người dân tham gia một cách hiệu quả thì các dự án đều đem lại kết quả tốt.

Lấy dẫn chứng về những cơn bão lớn trong năm qua ảnh hưởng tới cả Việt Nam và Pháp, Đại sứ Olivier Brochet cho rằng thiên tai cực đoan ngày càng nhiều và trở nên bình thường. Do đó, hơn lúc nào hết, các quốc gia cần ý thức được tầm quan trọng của giảm phát thải, hạn chế biến đổi khí hậu.

Là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang có nhiều hoạt động để tăng cường khả năng thích ứng. Trong tình hình đó, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và các cơ quan liên quan sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam, đặc biệt là thông qua Cơ quan Phát triển Pháp – AFD với các dự án đang thực hiện hiệu quả ở nhiều địa phương như Cà Mau hay Điện Biên.

Đến nay, AFD đã triển khai dự án tại 21 địa phương của Việt Nam. Ảnh: AFD.

Đến nay, AFD đã triển khai dự án tại 21 địa phương của Việt Nam. Ảnh: AFD.

Cơ quan phát triển Pháp - AFD đã hoạt động tại Việt Nam hơn 30 năm, hiện nay 100% các dự án của AFD đều liên quan đến khí hậu. AFD tài trợ, hỗ trợ cho các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động sản xuất để thích ứng, tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Với bề dày 30 năm hợp tác với Việt Nam, AFD đã triển khai được các dự án tại 21 tỉnh, thành. Những dự án này nhận được sự phối hợp rất chặt chẽ từ phía chính quyền, từ đó xác định được nhu cầu thực tế của địa phương. Ngoài ra, quá trình đào tạo, chuyển giao được thực hiện rất hiệu quả. Nhiều dự án dù đã kết thúc nhưng được chính quyền và người dân địa phương thừa kế, duy trì hiệu quả trong thời gian dài.

Theo Đại sứ Olivier Brochet, việc chuyển giao, giúp địa phương nắm được kỹ thuật để hoạt động hiệu quả, lâu dài chính đã thể hiện tinh thần hợp tác Việt Nam - Pháp trong các dự án của AFD.

Xem thêm
Khai mạc Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống huyện Lai Vung

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống nhằm ghi nhận sự đóng góp của các nghệ nhân, thợ giỏi, những bàn tay tài hoa chăm chỉ miệt mài của người dân Lai Vung nghĩa tình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn dự 'Tết sum vầy' với công nhân tại Hải Phòng

Chiều 16/1, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã dự 'Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng' tại Hải Phòng do Liên đoàn Lao động, UBND, Mặt trận Tổ quốc TP phối hợp tổ chức.

Về 'đại công xưởng' vàng mã đất Bắc dịp Tết ông Công ông Táo

Làng Song Hồ, Bắc Ninh, không chỉ nổi tiếng với tranh Đông Hồ mà còn là 'đại công xưởng' vàng mã lớn nhất cả nước, nhộn nhịp sản xuất mỗi dịp Tết âm lịch.