| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác thúc đẩy nông nghiệp thông minh, bền vững

Thứ Ba 02/07/2024 , 16:03 (GMT+7)

Bộ Nông nghiệp hai nước nhất trí thành lập Nhóm công tác lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc trong khuôn khổ của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc.

Buổi làm việc giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và PTNT Hàn Quốc ngày 2/7. Ảnh: ICD.

Buổi làm việc giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và PTNT Hàn Quốc ngày 2/7. Ảnh: ICD.

Ngày 2/7, trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ NN-PTNT gặp mặt và làm việc với Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và PTNT Hàn Quốc (MAFRA).

Hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp

Sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện, với những bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Thay mặt Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi lời cảm ơn đến bà Song Miryung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và PTNT Hàn Quốc (MAFRA) vì đã luôn dành nhiều tình cảm, quan tâm hợp tác với Việt Nam.

Trong giai đoạn 2010 - 2023, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp với nhiều dự án hợp tác kỹ thuật ý nghĩa, mang lại hiệu quả trực tiếp cho người dân và cộng đồng tại Việt Nam.

“Các dự án về chuyển giao công nghệ, cải thiện giống cây trồng, tăng hiệu quả năng suất và chuỗi giá trị đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững, an toàn. Đặc biệt phải kể đến các dự án về công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp bao gồm chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin.

Bộ trưởng cũng bày tỏ lòng cảm phục trước tinh thần Saemaul Undong (phong trào làng mới của Hàn Quốc), đã giúp Hàn Quốc từ một quốc gia phục hồi sau chiến tranh trở thành một nền kinh tế phát triển như ngày hôm nay.

Đáp lời Bộ trưởng, bà Song Miryung chia sẻ: “Tinh thần Saemaul Undong nhấn mạnh sự tự chủ và trao quyền cho người nông dân, trong đó, Chính phủ Hàn Quốc đóng vai trò hỗ trợ và thu hút nông dân tự nguyện tham gia. Tuy nhiên, hiện nay, Hàn Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động ở nông thôn và cần đến lao động thời vụ từ Việt Nam”.

Cả Việt Nam và Hàn Quốc đều đang đối mặt với những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Cùng với đó, trước tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, hai nước đồng thuận rằng định hướng phát triển nông nghiệp thông minh, giảm phát thải là điều tất yếu. Hai Bộ trưởng cùng thống nhất ngành nông nghiệp cần đóng góp tích cực hơn nữa để nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước có tình hữu nghị đặc biệt.

Dự án đầu tư trang trại thông minh (smart farm) của Hàn Quốc tại Việt Nam góp phần phát triển nông nghiệp thông minh, hiện đại. Ảnh: Soo Ann Woon.

Dự án đầu tư trang trại thông minh (smart farm) của Hàn Quốc tại Việt Nam góp phần phát triển nông nghiệp thông minh, hiện đại. Ảnh: Soo Ann Woon.

Cam kết mở rộng thị trường nông sản song phương

Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí tăng cường kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc hướng tới mốc 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030.

Để thúc đẩy thương mại nông sản có thế mạnh của mỗi nước, tư lệnh ngành NN-PTNT đề nghị phía bạn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Hàn Quốc làm việc với Cơ quan chuyên môn của Bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của mỗi nước.

Theo đó, hai bên thống nhất sớm hoàn tất thủ tục công bố xuất khẩu quả dưa của Hàn Quốc và bưởi của Việt Nam trong năm 2024, đồng thời xem xét tích cực đối với quả chanh leo và vải của Việt Nam và quả quýt Unshu và Kiwi của Hàn Quốc và mở cửa thị trường đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật.

Hai bên cũng nhất trí thành lập Nhóm công tác lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc trong khuôn khổ của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam trong lĩnh vực NN-PTNT, đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực Hàn Quốc có thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ giống, vacxin, chế biến, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản hiện đại.

Bộ Nông nghiệp hai nước nhất trí thành lập Nhóm công tác lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: ICD.

Bộ Nông nghiệp hai nước nhất trí thành lập Nhóm công tác lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: ICD.

Lắng nghe các đề xuất của Việt Nam, phía Hàn Quốc hoan nghênh ý tưởng tổ chức các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, hội thảo, hội chợ để xúc tiến thương mại hàng nông sản và kết nối doanh nghiệp nông nghiệp hai nước.

Bộ trưởng Song Miryung nói: “Tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp nông nghiệp luân phiên hàng năm sẽ nâng cấp vị thế, mức độ hợp tác nông nghiệp phù hợp với các định hướng chung của hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc".

Hai bên thông nhất sẽ thường xuyên thông báo cho nhau các quy định có liên quan tới mức giới hạn, tiêu chuẩn thực phẩm của mỗi nước để hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp kiểm soát phù hợp.

Hai bên sẽ tăng cường các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Cụ thể, hỗ trợ tích cực hơn vào các Chương trình Xây dựng nông thôn mới của Việt Nam, tập trung nâng cao năng lực cộng đồng nông thôn, gắn với liên kết chuỗi giá trị, kết hợp du lịch, du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Đối với mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, Việt Nam đề xuất phía Hàn Quốc hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng nông sản xanh, bao gồm mô hình Trung tâm dịch vụ kỹ thuật tổng hợp và Trung tâm kết nối chuỗi cung ứng nông sản hiện đại theo kinh nghiệm của Hàn Quốc. Cùng với đó, tăng cường chuyển giao công nghệ, đào tạo, nâng cao năng lực và hỗ trợ xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững.

Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với MAFRA triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ giữa hai Bộ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần phát triển theo hướng bền vững và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Xem thêm
Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.