Trong báo cáo mới đây của Gallup (công ty phân tích và tư vấn hàng đầu Hoa Kỳ), 4 quốc gia Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ hộ gia đình đã chuẩn bị kế hoạch ứng phó thảm họa.
Theo khảo sát của Gallup, trung bình thế giới, khoảng 35% những người trải qua các thảm họa gần đây đã nhận được cảnh báo phòng, chống thiên tai từ Chính phủ của họ. Tỷ lệ hộ gia đình sẵn sàng ứng phó thiên tai tương đối cao hơn ở nhiều nước Đông Nam Á: Philippines (84%), Việt Nam (83%), Campuchia (82%) và Thái Lan (67%).
Dữ liệu trên được rút ra từ cuộc khảo sát rủi ro toàn cầu của Gallup cho Quỹ Lloyd’s Register năm 2023, mới được công bố tháng 6/2024. “Chúng tôi mong muốn dữ liệu miễn phí này được các chính phủ, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các cơ quan quốc tế sử dụng để thông báo và nhắm mục tiêu các chính sách và can thiệp giúp mọi người an toàn hơn”, nhà khảo sát cho biết.
Dựa trên số liệu khảo sát rủi ro của Gallup, sự phối hợp giữa các quốc gia Đông Nam Á đã đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai, với cách tiếp cận toàn khu vực, bao gồm các hệ thống cảnh báo sớm, tăng cường sự tham gia và hợp tác của cộng đồng, tiếp cận tài chính phòng chống thiên tai. Qua đó chứng tỏ, ngay cả các quốc gia với nguồn lực hạn chế cũng có thể tận dụng hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm và trang bị cho các gia đình khả năng ứng phó thiên tai.
Ông Benedict Vigers, cố vấn nghiên cứu của Gallup, khẳng định với báo chí thế giới: “Sự thành công của Đông Nam Á trong việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai có thể liên quan đến việc khu vực này thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, khả năng phục hồi tương đối cao của khu vực, từ cá nhân đến toàn xã hội, cùng cách tiếp cận và đầu tư của khu vực vào quản lý rủi ro thiên tai nói chung”.
Ông thông tin thêm, khu vực Đông Nam Á nằm dọc theo vành đai lửa Thái Bình Dương, một vành đai bất ổn địa chất dài 40.000 km, bao gồm 75% núi lửa của Trái đất và sản sinh ra 90% trận động đất.
Trong tương lai gần, các nguy cơ về môi trường như bão lớn, lũ lụt, cháy rừng và hạn hán sẽ ngày càng bắt buộc các quốc gia phải tập trung vào việc đảm bảo rằng công dân của mình được chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất.