Báo động tình trạng sạt lở tại đê bao cồn Kế Sách. Nông dân Hà Nội căng sức chống úng cho hoa màu. Đánh bắt lươn đồng mùa nước nổi. Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép.
Hiện nay, tình trạng sạt lở ở khu vực đê bao cồn tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng trong tình trạng đáng báo động. Phòng NN-PTNT huyện Kế Sách phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tìm hướng khắc phục.
Theo phòng NN-PTNT huyện Kế Sach, tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã ghi nhận 45 đoạn sạt lở tại khu vực đất liền với chiều dài 1.239 mét, 12 điểm sạt lở đê bao cồn với chiều dài 269 mét.
Ông Vũ Bá Quan, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Kế Sách cho biết, qua khảo sát tại các điểm sạt lở cho thấy dòng chảy ở một số tuyến sông, kênh rạch có sự thay đổi, lưu lượng nước chảy siết, nhiều tàu trọng tải lớn lưu thông gây áp lực lên các bờ sông nên rây tình trạng sạt lở. Ngoài ra, ở một số xã Cù Lao, đê bao cũng là tuyến giao thông nông thôn chính để người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa, trong thời gian tới sẽ cố gắng gia cố để không gây ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn hộ dân đang sinh sống.
Nông dân Hà Nội căng sức chống úng cho hoa màu
Hùng Khang sx
Do ảnh hưởng của trận mưa lớn vào tối qua và rạng sáng nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra tình trạng ngập úng tại một số quận huyện.
Ghi nhận tại phường Tây Tựu, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, đến đầu giờ chiều, những cánh đồng hoa và rau của người dân vẫn bị ngập sâu trong nước. Để chống úng cho hoa màu, nhiều hộ gia đình đã phải đắp cao bờ, dùng máy bơm để hút nước.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội khuyến cáo bà con nông dân tích cực chuẩn bị các biện pháp chống úng ngập cho cây trồng, khơi thông kênh mương tiêu thoát nước, đắp bờ vùng bờ thửa, chuẩn bị máy bơm tiêu úng và thường xuyên ra thăm ruộng đồng.
Đánh bắt lươn đồng mùa nước nổi
Phạm Huy khai thác
Vào mùa nước nổi, bên cạnh các hoạt động đánh bắt cá còn có nghề đặt ụ xúc lươn đồng, vừa mang về nguồn thu nhập cho người dân, vừa bổ sung nguồn lươn giống trong nuôi trồng.
Ụ lươn thường được làm bằng rau muống đồng hay lục bình đặt trên các cánh đồng nước nổi để dẫn dụ lươn trú ngụ. Sau đó cách 4 ngày người hành nghề sẽ thăm và xúc ụ một lần, một hộ đặt từ 50 đến gần 200 ụ. Một ụ lươn xúc được từ 1-2 con, chủ yếu là lươn giống, một ngày thu về khoảng từ 2-3kg. Dù nhiều vất vả, phải ngâm mình trong nước liên tục, thời gian đánh bắt từ sáng sớm kéo dài đến chiều nhưng bù lại mang về nguồn thu nhập khá. Do lượng vốn khan hiếm nên giá bán khá cao, khoảng 130.000 đồng một kí.
Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép
Minh Sáng sx
Hội thảo khởi động chuỗi hoạt động “Tỉnh Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép” tăng cường thực thi pháp luật trong phòng chống tội phạm mua bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép diễn ra vào sáng nay.
Là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên và đa dạng sinh học bậc nhất trong khu vực, Đồng Nai có nhiều loài động thực vật hoang dã đang được bảo vệ. Những năm qua, công tác bảo vệ rừng được thực hiện tốt, động vật rừng và nơi cư trú được bảo vệ, tình trạng săn bắt, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép cũng được ngăn chặn triệt để.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng săn bẫy bắt động vật hoang dã; ý thức của một số người dân còn hạn chế, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật; thậm chí chống người thi hành công vụ... Do đó, sự kiện khởi động này sẽ là hồi trống mở đầu cho chuỗi Hoạt động “Tỉnh Đồng Nai nói không với sử dụng Động vật hoang dã trái phép” kéo dài đến năm 2025.
Tin dự phòng
Nghệ nhân 43 năm làm mặt nạ giấy bồi
Thảo Phương – Đức Minh sx
Gia đình nghệ nhân Vũ Duy Đông ở làng Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, là một trong những hộ hiếm hoi gìn giữ được nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống.
Những ngày cận rằm tháng 8, gia đình ông lại tất bật sản xuất đồ chơi trung thu như trống, mặt nạ giấy bồi để đưa ra thị trường
Theo nghệ nhân Vũ Duy Đông, để làm ra một sản phẩm mặt nạ giấy bồi, khó nhất là khâu vẽ, những người có kinh nghiệm lâu năm mới vẽ được. Bởi khi vẽ phải thể hiện được hồn của con vật, hồn của con người. Ví dụ vẽ con thỏ thể hiện sự tinh nghịch, vẽ tễu nữ có khăn vấn, còn tễu nam thì không có.
Theo thời gian, do thị yếu của giới trẻ không còn mặn mà với đồ chơi truyền thống, cùng với đó đồ chơi Trung Quốc ồ ạt vào thị trường, nên gia đình ông đã tìm tòi sáng tạo ra những mẫu mặt nạ khác nhau để gìn giữ nghề. Mỗi chiếc mặt nạ giấy bồi sau khi hoàn thiện được gia đình ông bán với giá dao động từ 20.000 – 30.000.