Giám đốc điều hành AFC, Shin Man Gil. |
Nằm ở nhóm hạt giống nhưng Việt Nam vẫn có nguy cơ lọt vào bảng tử thần, do những nền bóng đá mạnh của khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Australia, Ả-rập Xê-ut đều nằm ở các nhóm hai và ba. Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với thầy trò Park Hang-seo khi chúng ta rơi vào bảng đấu nhẹ ký, gồm các đối thủ không được đánh giá cao là Triều Tiên, Jordan và UAE.
Trong số 3 đối thủ, Triều Tiên là đội chúng ta ít gặp. Tuy nhiên, cách đây 3 năm, dưới thời Hữu Thắng, Việt Nam từng giao hữu với Triều Tiên tại Mỹ Đình và thắng thuyết phục 5-2. Hai đội còn lại Jordan và UAE đến từ Tây Á, khu vực Việt Nam rất có duyên gặp gỡ và thường chiến thắng trong những năm qua.
Tại chính giải U23 châu Á 2018, Việt Nam liên tục đánh bại các đội Tây Á để vào chung kết. Ở vòng bảng, chúng ta cầm hòa Syria 0-0, kết quả vừa đủ để giành vị trí nhì bảng. Ở hai trận sau đó, Việt Nam thắng tiếp Iraq và Qatar để đi tới trận đấu cuối cùng. Đến Asiad 2018, Việt Nam tiếp tục truyền thống này khi hạ Bahrain và Syria ở vòng loại trực tiếp. Tại Asian Cup 2019, Việt Nam chơi quả cảm trước Iraq, dẫn trước, và chỉ chịu thua phút cuối. Sau đó, bằng trận thắng ở lượt cuối trước Yemen, Quang Hải cùng đồng đội vào vòng 1/8, trước khi thắng nốt một đội Tây Á khác là Jordan.
Chính bởi thành tích rất tốt trước khu vực Tây Á mà kết quả bốc thăm chiều 26/9 được xem là lợi thế cho Việt Nam. Thầy trò Park Hang-seo có nhiều cơ hội vào tứ kết. Đối thủ kế tiếp của chúng ta, nếu đi tiếp sẽ là một trong 4 đội bảng C là đương kim vô địch Uzbekistan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Iran. Ngoại trừ Trung Quốc, cả 3 đội còn lại đều rất mạnh và đáng gờm.
Đội chủ nhà Thái Lan rơi vào bảng A, cùng với Australia, Iraq và Bahrain. Đây là bảng không quá mạnh và "Voi chiến" hoàn toàn đủ khả năng đi tiếp. Tại bảng B, nền bóng đá vừa vô địch châu Á - Qatar - sẽ đọ sức với Nhật Bản, Ả-rập Xê-ut và Syria.
Vòng chung kết U23 châu Á sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 26/1/2020.