| Hotline: 0983.970.780

Vụ 12 cựu quan chức bị 'đòi nhà' công vụ: 'Danh dự quan trọng hơn nhiều'

Thứ Hai 20/04/2020 , 18:22 (GMT+7)

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội nói rằng, danh dự con người lớn hơn mấy chục mét vuông nhà.

Ông Lê Như Tiến. Ảnh: HV.

Ông Lê Như Tiến. Ảnh: HV.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng vừa ký loạt thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

12 cựu quan chức mà Bộ Xây dựng "đòi nhà", chủ yếu mang hàm Thứ trưởng và tương đương đã bị nêu đích danh về việc "chây ỳ" trong vấn đề trả nhà công vụ. Trong đó có 3 người nguyên là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 2 người nguyên là Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; 1 người nguyên là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 1 người nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 1 người nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch…

Cũng theo danh sách của Bộ Xây dựng công bố còn có nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp); nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương...

Được biết, Bộ Xây dựng đã nhiều lần gửi thông báo "đòi nhà" tới 12 cựu quan chức nêu trên nhưng sau nhiều thời gian họ vẫn chưa trả lại nhà công vụ cho Nhà nước.

Trao đổi với NNVN về vấn đề này, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục , thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng: Cần phải nêu tên những người đó lên các phương tiện thông tin đại chúng, cần phải để họ nhận thức được rằng khi họ thôi làm công vụ rồi thì họ phải trả lại tài sản cho Nhà nước. "Rõ như ban ngày thế, làm sao chây ỳ được", ông Tiến nói.

Ông Tiến là người từng gây xúc động khi chủ động đề nghị bàn giao phòng làm việc và trả lại xe công cho Văn phòng Quốc hội, nơi ông công tác, trước thời điểm chính thức nghỉ hưu.

“Thời điểm còn công tác tôi đã từng nhiều lần nói vấn đề này trước nghị trường Quốc hội. Vấn đề nhiều quan chức cố tình chây ì trong trả nhà công vụ thể hiện sự không nghiêm túc trong thực hiện pháp luật. Nhà công vụ là nhà để cho mình ở trong thời gian làm công vụ, khi mình đã thôi công việc rồi thì phải trả lại cho Nhà nước chứ không nên làm chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh”, ông Tiến nói.

Về giải pháp, theo ông Tiến, trong trường hợp những cựu quan chức kia cứ "chây ỳ" thì Chính phủ, Bộ Xây dựng phải thống kê những người đó, thông tin đến cơ quan chủ quản, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng là những người A,B,C này cố tình chây ỳ, không chịu trả nhà cho Nhà nước.

“Lần trước tôi từng có kiến nghị về giải pháp này và có vẻ có hiệu quả khi 56 nhà công vụ được giả luôn. Vậy thì bây giờ tại sao chúng ta không làm được? Đó cũng sẽ là tiếng chuông cảnh báo để họ biết họ là những người hoàn thành nhiệm vụ, hết nhiệm kỳ rồi, phải giả nhà cho Nhà nước. Vì danh dự con người lớn hơn mấy mét vuông nhà nhiều. Ai đó nghĩ rằng danh dự của mình không bằng mấy chục mét vuông nhà thì đấy là việc của họ. Còn ai còn danh dự thì họ sẽ vui vẻ sẵn sàng trả ngay. Đó mới là những con người có lòng tự trọng”, ông Lê Như Tiến đề nghị Báo NNVN nói thẳng quan điểm của ông như thế.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Lãng phí tài sản công, dân Hà Tĩnh vẫn khát nước sạch: [Bài 3] Công trình cấp nước tập trung phải giao đơn vị có chuyên môn quản lý

Hà Tĩnh Quy mô đầu tư xây dựng chưa sát thực tế, giao đơn vị thiếu chuyên môn quản lý, vận hành là những nguyên nhân chính khiến nhiều công trình cấp nước tập trung ‘chết yểu’.