| Hotline: 0983.970.780

Vụ học sinh lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe bus: Ai là người phải chịu trách nhiệm?

Thứ Tư 07/08/2019 , 11:24 (GMT+7)

"Trong trường hợp này cô giáo đưa đón phải chịu trách nhiệm với hành vi vô ý làm chết người do mình gây ra”, luật sư Diệp Năng Bình nêu ý kiến.  

Vụ việc học sinh lớp 1 Trường quốc tế Gateway (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong trên xe ô tô vào ngày 6/8 đang khiến dư luận bàng hoàng, xót xa…

Mặc dù nguyên nhân tử vong chưa có kết quả chính thức, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Song, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, đây là vụ việc rất thương tâm xảy ra do việc cẩu thả, thiếu trách nhiệm kiểm tra, kiểm đếm khi đưa đón các cháu học sinh đến trường bằng ô tô dẫn tới để quên 1 cháu trên xe khiến cháu bé bị tử vong.

“Để có căn cứ xử lý vụ việc cần đợi kết quả điều tra trên cơ sở làm rõ nguyên nhân cái chết của cháu bé để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật”, Luật sư Thơm nhấn mạnh.

Trường Gateway - nơi cháu L.H. L. theo học.

Theo Luật sư Thơm, về nguyên tắc, khi giáo viên đến đón các cháu học sinh với số lượng cố định theo danh sách thì khi đưa đến trường, xuống xe phải bàn giao đủ số cháu đã đón, trừ những trường hợp lý do nghỉ học sẽ phải được phụ huynh thông báo.

Tuy nhiên do giáo viên thiếu trách nhiệm kiểm tra số học sinh đã đón hoặc do cẩu thả không kiểm tra đã bỏ quên cháu bé, có thể còn đang nằm ngủ trên xe ô tô dẫn tới khi lái xe ô tô tắt máy, đóng kín cửa đã khiến cháu bị tử vong.

Luật sư Thơm nói thêm, tùy theo kết quả điều tra, thu thập các chứng cứ thì hành vi của người giáo viên phụ trách đưa đón các cháu bằng xe ô tô sẽ có dấu hiệu phạm tội “Vô ý làm chết người” hoặc tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Khoản 1, Điều 128, Bộ luật hình sự (BLHS) hoặc Khoản 1, Điều 360, BLHS.

Cùng quan điểm, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, có thể thấy trách nhiệm trực tiếp và đầu tiên ở đây là cô giáo - người đã trực tiếp đón nhận cháu bé.

Với trách nhiệm của mình, cô giáo đón cháu buộc phải nhớ và bàn giao cháu bé cho cô giáo chủ nhiệm và kiểm tra phát hiện trên xe có cháu nào chưa xuống hay không, còn nếu là cô giáo chủ nhiệm thì càng lên án bởi cả một ngày trời cô giáo đã làm gì khi không điểm danh và liên hệ với phụ huynh.

“Cho dù với lý do gì thì hành động bỏ quên, không kiểm tra của cô giáo phải chịu trách nhiệm hình sự là đúng. Trong trường hợp này cô giáo đưa đón phải chịu trách nhiệm với hành vi vô ý làm chết người do mình gây ra”, Luật sư Bình nhấn mạnh.

Theo Luật sư Bình, trong trường hợp này mối quan hệ ràng buộc giữa hành vi vô ý và hậu quả chết người quá rõ ràng. Hậu quả của hành vi là nạn nhân chết xuất phát từ hành vi vô ý của người phạm tội gây ra. Ý thức của cô giáo là lỗi vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin. Thiếu cẩn trọng gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước.

Tội vô ý làm chết người được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự) như sau: “1 - Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm (Điều 128)”.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.